Tín hiệu tích cực từ Đông Nam Á

Các nền kinh tế Ðông Nam Á đã lâm cảnh khó khăn trong thời gian dài do đại dịch Covid-19 cùng tác động tiêu cực từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng và giá dầu tăng đẩy lạm phát lên cao. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, các nền kinh tế khu vực đã thấy "ánh sáng cuối đường hầm" và sẽ có triển vọng tích cực hơn từ năm 2023.

Chuyên gia M.Bhaskaran, Giám đốc điều hành tổ chức tư vấn Centelnial Asia Advisors trong bài viết về kinh tế Ðông Nam Á trên trang The Edge Markets vừa nhận định, dù kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt khó khăn, nhưng các nền kinh tế Ðông Nam Á vẫn có thành tích ấn tượng.

Các nền kinh tế khu vực này đã lâm cảnh khó khăn trong thời gian dài do đại dịch Covid-19 cùng tác động tiêu cực từ bên ngoài, đặc biệt là đứt gãy chuỗi cung ứng và giá dầu tăng đẩy lạm phát lên cao. Tuy nhiên, những tín hiệu kinh tế tích cực đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong những tháng gần đây.

Tại nền kinh tế lớn nhất khu vực là Indonesia, Thống đốc Ngân hàng trung ương Perry Warjiyo bày tỏ lạc quan rằng, nền kinh tế của "quốc gia vạn đảo" sẽ tăng trưởng 4,5-5,3% trong năm 2023 và 4,7-5,5% trong năm 2024.

Phát biểu tại cuộc họp tổng kết năm 2022, Thống đốc Warjiyo cho rằng, tăng trưởng năm 2023 sẽ khá cao do một số yếu tố thuận lợi như xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư gia tăng.

Ngoài ra, lĩnh vực chế biến hạ nguồn, phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư nước ngoài và các hoạt động du lịch cũng được dự báo sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Dự báo, đồng rupiah của Indonesia sẽ được duy trì nhờ các nền tảng kinh tế tốt, tăng trưởng cao, lạm phát thấp và lợi suất trái phiếu chính phủ hấp dẫn.

Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất găng tay Top Glove ở Shah Alam, Malaysia. (Ảnh: Reuters)

Một nền kinh tế lớn khác của khu vực từng chìm sâu trong suy thoái là Thái Lan, cũng được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan trong năm tới bất chấp các "làn gió ngược" trên toàn cầu.

Phát biểu tại hội thảo chủ đề "Thấu hiểu Thái Lan 2023: Mở khóa tương lai" gần đây, ông Tim Leelahaphan, nhà kinh tế theo dõi Thái Lan và Việt Nam tại Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, ngân hàng này rất lạc quan về triển vọng kinh tế Thái Lan trong năm tới.

Hai động lực tăng trưởng chính của Thái Lan trong năm 2023 là phục hồi du lịch và kích thích kinh tế sau bầu cử, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Ông nhận định chính quyền tiếp theo của Thái Lan sẽ tiếp tục tung ra các gói kích cầu để thúc đẩy tiêu dùng hơn nữa.

Trong khi đó, Ủy ban thường vụ hỗn hợp về thương mại, công nghiệp và ngân hàng cùng ngày dự báo kinh tế Thái Lan sẽ tiếp tục phục hồi vào năm 2023 với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khoảng 3-3,5%, chủ yếu nhờ lĩnh vực du lịch. Ước tính lượng du khách nước ngoài tới Thái Lan sẽ tăng lên khoảng 20 triệu lượt trong năm 2023, gấp đôi mức 10 triệu lượt khách dự kiến trong năm nay.

Giới phân tích nhận định, ngành du lịch đang "hồi sinh" và sẽ tiếp thêm động lực tăng trưởng cho hầu hết các nền kinh tế Ðông Nam Á. Tại Lào trong chín tháng đầu năm nay, nước này đã có gần 645.000 lượt du khách nước ngoài, đạt 71,64% mục tiêu đề ra cho năm nay. Ðây là con số đáng khích lệ cho thấy sự hồi sinh mạnh mẽ của ngành du lịch và là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế Lào.

Trong khi đó, số lượng công dân Lào thực hiện các chuyến du lịch trong nước cũng tăng, đạt hơn một triệu lượt người, tương đương 97% so với mục tiêu đề ra.

Các chuyên gia và tổ chức quốc tế gần đây cũng đánh giá lạc quan hơn về các nền kinh tế khác của khu vực như Malaysia, Singapore và Việt Nam. Trong đánh giá mới nhất cuối tháng 11 vừa qua, các chuyên gia của IMF nhận định, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt hơn 6%, kể cả trong trường hợp các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022.

Trong trường hợp khả quan hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5-6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn.

Chuyên gia M.Bhaskaran, Giám đốc điều hành tổ chức tư vấn Centelnial Asia Advisors nhận định rằng, ba yếu tố cơ bản tạo động lực tăng trưởng cho các nền kinh tế Ðông Nam Á gồm: Thứ nhất, sự mở cửa của các nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 làm hồi sinh các ngành du lịch, hàng không, khách sạn...

Thứ hai, đã có những dấu hiệu cho thấy lạm phát trên toàn cầu và ở khu vực Ðông Nam Á bắt đầu "hạ nhiệt", giá dầu thế giới cũng trong xu hướng giảm, theo đó giảm sức ép cho các nền kinh tế.

Thứ ba, các "nút thắt" trong chuỗi cung ứng đang được giải quyết giúp giảm áp lực về nguồn cung hàng hóa.

Những tín hiệu tích cực nêu trên có thể xem là tin tốt lành với kinh tế khu vực và toàn cầu. Mặc dù vậy, các nền kinh tế khu vực Ðông Nam Á vẫn cần chủ động đối mặt với các "cơn gió ngược" có thể xảy ra trong năm 2023, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc còn khó khăn, tác động từ cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt, chủ nghĩa bảo hộ vẫn gia tăng trên toàn cầu.

Theo Báo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục