Tổng Thư ký NATO thăm Hàn Quốc và Nhật Bản: Củng cố quan hệ với đối tác chiến lược

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg vừa hoàn thành chuyến thăm tới Hàn Quốc và Nhật Bản. Động thái này thể hiện rõ nét ưu tiên của NATO trong giai đoạn hiện nay là củng cố quan hệ với đối tác chiến lược châu Á.

Quang cảnh cuộc hội đàm giữa Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại thủ đô Tokyo.

Chuyến công du của Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg khởi động tại Hàn Quốc, nơi ông có cuộc gặp với Ngoại trưởng nước này Park Jin. Tại đây, người đứng đầu NATO đã đề cập đến các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Hàn Quốc đẩy mạnh vấn đề hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Qua các trao đổi, Tổng Thư ký NATO đã thúc giục Seoul bật đèn xanh cho hoạt động xuất khẩu vũ khí trực tiếp thông qua việc thay đổi quy định về việc đưa vũ khí đến các vùng xung đột. Về phần mình, Seoul bảo lưu quan điểm cung cấp vũ khí cho các quốc gia có xung đột là đi ngược lại chính sách của mình. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Park Jin vẫn đề cao “giá trị chung” giữa các thành viên NATO và Hàn Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ đối tác của hai bên.

Tới Nhật Bản, ông J.Stoltenberg đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại thủ đô Tokyo. Hai bên nhất trí nâng tầm quan hệ hợp tác về an ninh trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thay đổi mang tính thời đại và cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt, dẫn tới “môi trường an ninh phức tạp và nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai”. Về mở rộng hợp tác trong môi trường chiến lược mới, Nhật Bản và NATO xác định sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh như: Không gian vũ trụ, không gian mạng, truyền thông chiến lược và tình báo; xem xét mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ quốc phòng.

Theo giới quan sát, chuyến công du châu Á của Tổng Thư ký J.Stoltenberg thể hiện rõ nét mong muốn của NATO về tăng cường quan hệ đối tác với châu Á trong giai đoạn hiện nay.

Trong các cuộc gặp xuyên suốt chuyến đi, người đứng đầu NATO cũng từng nhiều lần nêu rõ lập luận rằng, các sự kiện ở châu Âu và Bắc Mỹ có mối liên hệ với các khu vực khác, nhấn mạnh NATO muốn kiểm soát các mối đe dọa toàn cầu bằng cách tăng cường quan hệ đối tác ở châu Á. Một số ý kiến cũng cho rằng, sự hiện diện của Tổng Thư ký NATO còn mang ý nghĩa “sự trấn an” các đối tác châu Á, là bước đi quan trọng trong bối cảnh sự gắn kết giữa Trung Quốc với Nga ngày càng sâu sắc. Đáp lại, những phản ứng từ phía Hàn Quốc và Nhật Bản cho thấy, hai nước vẫn luôn coi xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với NATO là “một chiến lược quân sự cần thiết” trong giai đoạn hiện nay. Chuyến công du cho thấy, thực tế là NATO và hai đối tác châu Á luôn sẵn sàng hợp tác với nhau.

Tuy nhiên, sự hiện diện của người đứng đầu liên minh quân sự lớn nhất thế giới cũng đã mang đến những lo ngại trong khu vực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nêu rõ, NATO đang gây lo ngại vì quan tâm ngày càng nhiều đến những khu vực nằm ngoài phạm vi hoạt động của khối; đồng thời tái khẳng định Bắc Kinh là đối tác hợp tác của tất cả các quốc gia, không phải là mối đe dọa đối với lợi ích và an ninh của riêng nước nào. Về phần mình, phản ứng của Triều Tiên có phần gay gắt hơn, khi Bộ Ngoại giao nước này đăng tải bài viết cho rằng, chuyến đi của ông J.Stoltenberg là “khúc dạo đầu của sự đối đầu và chiến tranh”, mang đến rủi ro về “một cuộc chiến tranh lạnh mới” cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Dù mỗi bên đều có những mối quan tâm riêng, thể hiện ở nhiều sắc thái khác nhau, trong bối cảnh thế giới đang tiềm ẩn nhiều phức tạp chưa từng thấy, song mục tiêu chung gìn giữ hòa bình, ổn định hơn bao giờ hết cần được quan tâm đặc biệt và đề cao.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục