WHO đặt tên cho siêu biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 là Omicron

Ngày 26-11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã triệu tập cuộc họp đặc biệt để bàn cách ứng phó với siêu biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2.

Ảnh minh họa: Alamy

WHO đã phân loại biến thể mới nhất của vi rút SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 mới được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi là "đáng lo ngại". WHO đồng thời đặt tên cho siêu biến chủng mới này là Omicron.

Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp khẩn cấp cùng ngày, WHO nêu rõ: "Biến thể này có số lượng lớn các đột biến, trong đó một số đáng lo ngại. Bằng chứng ban đầu cho thấy nguy cơ lây nhiễm với biến thể này cao hơn so với các biến chủng khác".

Biến thể vừa được phát hiện tại Nam Phi này, được gọi là B.1.1.529, đã được đặt tên là Omicron theo cách sử dụng các chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp. Cũng theo WHO, các công cụ phát hiện vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hiện nay có thể phát hiện biến thể mới Omicron.

Biến thể Omicron (B.1.1.529) lần đầu tiên được báo cáo cho WHO từ Nam Phi vào ngày 24-11. Tình hình dịch tễ học ở Nam Phi, trong những tuần gần đây, các ca nhiễm đã tăng mạnh, trùng với việc phát hiện biến thể Omicron. Ca nhiễm Omicron đầu tiên được xác nhận là từ mẫu bệnh phẩm được thu thập vào hôm 9-11.

Nhóm tư vấn kỹ thuật về sự tiến hóa của vi rút SARS-CoV-2 (TAG-VE) là một nhóm chuyên gia độc lập theo dõi và đánh giá định kỳ sự tiến hóa của SARS-CoV-2. Nhóm này có nhiệm vụ đánh giá xem liệu các đột biến và sự kết hợp của đột biến có làm thay đổi hành vi của vi rút hay không.

Dựa trên số liệu ban đầu, TAG-VE đánh giá Omicron cho thấy sự thay đổi gây nguy hại và TAG-VE khuyến cáo WHO phân loại biến chủng mới này vào diện “biến chủng đáng lo ngại” (VOC).

Cho đến nay, trên 50 trường hợp đã được xác nhận nhiễm biến thể Omicron ở Nam Phi, Hong Kong (Trung Quốc) và Botswana. Một mối quan tâm lớn là biến thể Omicron có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin vì số lượng lớn đột biến của nó.

Hầu hết các loại vắc xin đều giúp cơ thể tạo ra các kháng thể vô hiệu hóa protein đột biến của vi rút, loại protein này bám vào các tế bào của con người. Nhưng nhiều đột biến của Omicron nằm trong các vùng protein đột biến mà cá thể nhận ra, làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin.  

Phó Giáo sư Penny Moore, nhà vi rút học tại Đại học Witwatersrand ở Johannesburg, Nam Phi, cho biết biến thể mới có thể tránh được một phần của phản ứng miễn dịch do tế bào T tạo ra.

Một vấn đề khác là biến thể này dường như lây lan rất nhanh. Nhà vi rút học Nam Phi Tulio de Oliveira lưu ý rằng biến thể Omicron hiện “thống trị tất cả ca nhiễm” ở nước này sau chưa đầy hai tuần. Chủng Delta từng là biến thể thống trị cho đến khi xuất hiện biến thể mới.

Hiện vẫn chưa rõ liệu biến thể mới có làm tình trạng bệnh của người nhiễm tiến triển nặng hơn hay không. Các nhà khoa học vẫn đang tiến hành thêm nghiên cứu. Các nhà khoa học có thể sẽ mất vài tuần để nghiên cứu thêm thông tin về biển chủng mới và mối đe dọa nghiêm trọng mà biến thể này có thể gây ra.

Trong khi đó, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm chuyên môn về Covid-19 của WHO cho biết: “Chúng tôi chưa biết nhiều về điều này. Những gì chúng tôi biết là biến thể Omicron có một số lượng lớn các đột biến. Và mối quan tâm là khi có quá nhiều đột biến, nó có thể có tác động đến cách thức hoạt động của vi rút”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 26-11 kêu gọi dừng tất cả liên kết không vận với các địa điểm đã phát hiện biến thể mới Omicron.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng cho biết các hãng sản xuất vắc xin buộc phải điều chỉnh mũi tiêm ngay khi các biến thể mới xuất hiện. Bà Ursula von der Leyen nói: "Điều quan trọng hiện nay là toàn bộ châu Âu phải hành động nhanh chóng, quyết đoán và đoàn kết. Mọi liên kết không vận với các nước (đã phát hiện biến thể Omicron) cần phải đình chỉ tới khi chúng ta hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của biến thể mới này". Bà kêu gọi công dân Liên minh châu Âu (EU) tiêm chủng vắc xin và nâng cao khả năng bảo vệ với mũi tăng cường.

Slovenia - quốc gia đang nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) - ngày 26-11 thông báo các nước EU đã nhất trí tạm ngừng hoạt động đi lại tới khu vực miền Nam châu Phi sau khi phát hiện biến thể Omicron.

Slovenia thông báo trên mạng xã hội Twitter rằng một ủy ban các chuyên gia y tế từ 27 quốc gia EU "đã nhất trí cần kích hoạt việc ngừng khẩn cấp (hoạt động đi lại tới miền Nam châu Phi) và tạm thời áp đặt hạn chế đối với mọi hoạt động đi lại từ khu vực miền Nam châu Phi vào EU". Một nguồn tin EU cho biết các biện pháp hạn chế sẽ được áp dụng với Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe.

Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của Nga thông báo, nước này từ ngày 28-11 sẽ hạn chế công dân từ 9 nước châu Phi và Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) nhập cảnh. Từ ngày 27-11, Áo cấm các chuyến bay từ Nam Phi và Botswana sau khi hai nước này ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron mà Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid gọi là một mối quan ngại lớn.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid đã đưa các quốc gia miền Nam châu Phi vào danh sách đỏ từ ngày 26-11 do lo ngại biến thể Omicron có thể đã lan rộng ra các nước khác. Đức sẽ đưa Nam Phi vào danh sách các khu vực ghi nhận biến thể mới của SARS-CoV-2 từ ngày 27-11, qua đó chỉ cho phép công dân và người sinh sống tại Đức được nhập cảnh.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Maroc thông báo trên mạng xã hội Twitter rằng nước này đã cấm nhập cảnh đối với các du khách tới từ Nam Phi do những quan ngại về sự lây lan của dịch Covid-19.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục