Du lịch Hà Giang, trên đường Hội nhập
HGĐT- Mặc dù gặp nhiều khó khăn về KT-XH, nhưng bù lại, thiên nhiên đã đem đến cho Hà Giang nhiều cảnh quan hùng vĩ hiếm nơi nào có được, một trong số đó là Cao nguyên đá Đồng Văn nổi tiếng.
![]() |
Du lịch bằng thuyền thể thao trên sông Miện. |
Cùng với đó là lợi thế tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc và nhiều địa bàn nội địa có ngành du lịch đang phát triển mạnh như Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Cao Bằng… Hà Giang còn có bản sắc văn hoá của cộng đồng 22 dân tộc anh em, được bảo lưu khá tốt. Vì thế, trên đường hội nhập, du lịch Hà Giang có nhiều lợi thế để phát triển nhiều loại hình du lịch mà đông đảo khách du lịch quốc tế đang hướng tới hiện nay đó là: Du lịch tham quan nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng…
Xác định tiềm năng và lợi thế, Hà Giang luôn có sự quan tâm phát triển du lịch. BCH Đảng bộ tỉnh đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch Hà Giang đến 2015. Nghị quyết được cụ thể hoá thành chương trình hành động với những chủ trương, giải pháp lớn để thúc đẩy phát triển du lịch. Trên cơ sở đó, những năm qua, du lịch Hà Giang đã không ngừng có những bước phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm, đóng góp tích cực vào nền KT-XH. Hoạt động du lịch, dịch vụ (DLDV) phát triển bền vững, thể hiện qua việc đầu tư mới sản phẩm DLDV, năng lực tổ chức điều hành được nâng lên. Các doanh nghiệp kinh doanh DLDV trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng hoà nhập với cơ chế thị trường, mạnh dạn đầu tư khai thác thị trường. Công tác quản lý Nhà nước của ngành tiếp tục được tăng cường, việc xây dựng hệ thống pháp lý, kiện toàn tổ chức, quy hoạch, kêu gọi đầu tư, phối hợp với các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Xúc tiến du lịch đã được đẩy mạnh, hình ảnh về vùng đất, con người Hà Giang đã và đang được tăng cường truyền thông. Hợp tác quốc tế đạt được những thành tựu đáng kể, đặc biệt là với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Theo thống kê, năm 2008, lượng khách nội địa và quốc tế đến Hà Giang đạt gần 190.000 lượt, doanh thu từ DLDV đạt 155,302 tỷ đồng, bằng 115% so với năm 2007. Bước sang năm 2009, mặc dù gặp khó khăn do sự suy thoái kinh tế toàn cầu, song với những lợi thế, du lịch Hà Giang tiếp tục có sự phát triển tích cực. Qua 9 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến với Hà Giang ước đạt 207.535 lượt người. Doanh thu từ hoạt động du lịch, dịch vụ đạt 175,3 tỷ đồng, vượt xa so với cả năm 2008. Du lịch Hà Giang cũng đã xây dựng được nhiều dự án lớn và kêu gọi đầu tư ở các địa phương…
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song du lịch Hà Giang vẫn còn gặp không ít khó khăn. Mặt bằng KT-XH của tỉnh còn thấp so với cả nước, hệ thống giao thông đã được đầu tư, xây dựng, song còn nhiều khó khăn. Du lịch Hà Giang đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, điểm xuất phát thấp so với một số tỉnh trong khu vực, hoạt động du lịch còn chủ yếu dựa vào tự nhiên. Chưa đầu tư được những điểm du lịch chuyên đề hoặc điểm du lịch có chất lượng cao. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, cơ sở du lịch tư nhân còn chưa thể đáp ứng được với yêu cầu phát triển du lịch hiện nay…
Để tăng cường hội nhập, du lịch Hà Giang đang hướng tới việc phát triển các doanh nghiệp lữ hành, mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước, thu hút mạnh khách quốc tế; xây dựng từ 3 - 4 khách sạn quy mô từ 3 đến 4 sao; phát triển cơ sở lưu trú du lịch tại các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch; triển khai xây dựng 29 điểm làng văn hoá gắn với du lịch trên các tuyến du lịch chính để phát triển loại hình du lịch văn hoá cộng đồng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các điểm du lịch; khai thác một số hang động có đủ điều kiện thành sản phẩm du lịch; thực hiện các hoạt động xúc tiến du lịch qua các kênh thông tin, nhanh chóng đưa hình ảnh Hà Giang đến với khách du lịch trong nước và Quốc tế; tập trung khai thác giá trị tinh hoa văn hoá dân gian của địa phương, văn hoá ẩm thực, nghề truyền thống và phát huy trở thành các sản phẩm du lịch đặc sắc; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực để có đội ngũ lực lượng lao động mạnh và có trình độ chuyên môn trong quản lý, khai thác, và phục vụ; nâng cao ý thức cho người dân tại các làng du lịch cộng đồng về việc khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch, giữ gìn vệ sinh cảnh quan và có kiến thức cơ bản về các kỹ năng khai thác, phục vụ khách du lịch. Qua đó, sẽ thúc đẩy du lịch, dịch vụ phát triển và hội nhập, đóng góp tích cực cho sự phát triển KT- XH của các địa phương.
Ý kiến bạn đọc