Đụng lợn - nét đẹp của văn hóa cộng đồng

- Cơ chế kinh tế thị trường phát triển, ngày nay thịt lợn được bày bán khá sẵn ở các chợ, khu dân cư... Tuy nhiên vào ngày Tết Nguyên đán, nhiều gia đình vẫn duy trì  nét văn hóa đụng lợn. Đụng lợn có từ hồi xa xưa, qua thời bao cấp và đến nay vẫn có tính hấp dẫn riêng. Bởi đụng lợn không hẳn chỉ là “mua và chia thịt” mà ở đó nó thấm đẫm tình đoàn kết anh em, dòng họ, làng xóm.

Nghe giá lợn hơi giáp Tết Tân Sửu 2021 đang lên cao, ông Lê Mạnh Toàn, thôn Làng Chang, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) đã cho họp mấy anh em trong gia đình thông báo về việc đụng lợn năm nay. Tất cả có 4 gia đình anh em đều nhất trí tìm bắt lợn ngay để về tự chăm sóc theo tiêu chuẩn “dân dã” của mình thêm một thời gian. Con lợn trắng 70 kg đã được mua với giá 70 nghìn đồng/1 kg hơi của một gia đình người Dao gần làng. Lợn mới bắt được khoảng 15 ngày mà giá lợn hơi thời điểm này đã lên 80 nghìn đồng 1 kg, như vậy các hộ đụng lợn đã có lãi 1 triệu tiền giá chênh lệch, chưa nói giá lợn hơi đến Tết khan hiếm còn đắt nữa.


Chia đụng lợn ngày Tết nét đẹp văn hóa mang tính cộng đồng của người Việt.

Ông Ma Văn Tuấn, con rể ông Lê Mạnh Toàn, một trong 4 thành viên đụng lợn năm nay cho biết, Tết mà thiếu con lợn đụng coi như mất vui. Việc đụng lợn cũng là dịp tốt để các gia đình sum họp quây quần ngày Tết, tổng kết một năm qua và hướng đến điều may mắn của năm mới. Những người đàn ông khỏe mạnh thì lo đun nước, thịt lợn, làm lòng, chia thịt, chế biến thức ăn. Còn những người phụ nữ chăm chỉ thì vào công đoạn thái hành, nhặt rau thơm, xào xáo các món, sắp mâm. Bọn trẻ thì xem thịt lợn, nô đùa ở sân, chờ được thưởng thức những món như khúc đuôi, miếng dồi, miếng gan, xiên chả nướng thơm phức. Tại nhà chủ chính có dâng mâm lễ lên báo cáo thánh thần, tổ tiên, dòng họ. Sau tuần hương, gia chủ mang xuống làm bữa cơm tổng kết năm, các hộ đụng lợn cùng ăn thắm tình đoàn kết.

Ngoài chuyện đi mua lợn về đụng, nhiều hộ ở nông thôn hay các địa phương vùng cao thường có thói quen “cắt cử” một hộ nuôi một con lợn ngon để Tết thịt. Con lợn được chọn nuôi phải tỷ lệ nạc cao, cho ăn “rông dài” để thịt săn chắc, thơm ngon. Chuẩn nhất là cho nuôi lợn bán thả rông một thời gian, con lợn sẽ cho chất lượng thịt ngon. Ông Nguyễn Văn Phong, xóm 2, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) khẳng định, việc đụng lợn có ưu điểm lớn là giá thành rẻ, thường thì chia 4 là mỗi nhà một đùi có đủ các phần của con lợn như chân giò, lòng, thịt, mỡ, xương, thủ... Hơn nữa kiểm soát tốt về vấn đề dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh mua phải thịt lợn trôi nổi không rõ nguồn gốc trên thị trường. Đụng lợn sẽ chủ động ngày thịt để bó giò, gói bánh chưng, làm lạp xường, nấu đông, thịt hun khói. Tùy mối quan hệ với gia chủ, độ to nhỏ của con lợn, kinh tế của các hộ mà có thể đụng 1/2 con hay 1/4 con hay nhỏ hơn nữa.

 Nhiều người cho rằng Tết thì có nhiều loại thịt như gà, ngan, dê, bò, trâu, cá, song không loại thịt nào có thể thay thế được hương vị ngày Tết của thịt lợn. Các loại thịt khác chỉ ăn một hai bữa là chán, phải đổi bữa, nhưng thịt lợn ngược lại, ăn được suốt mà rất lành, chế biến được nhiều món. Có thể nói nét văn hóa đụng lợn ngày Tết thể hiện rõ tính anh em, dòng họ, thông gia, tình làng nghĩa xóm của cư dân văn hóa làng xã Việt Nam. Đó là văn hóa trọng tình cảm, tính cộng đồng, tình đoàn kết, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục