Sôi động cùng những vũ điệu

- Lời ca từ  “Mặt trời hồng lưng vách núi/Lững lờ làn mây trắng/ Con chim gì mà hót vui/Vang cả cánh rừng…” hòa vào nền nhạc sôi động những bước nhảy của các bà, các chị thật nhịp nhàng, uyển chuyển. Trong những bộ đồng phục trông họ vui tươi, tự tin, chuyên nghiệp như những diễn viên  khiến người xem khó rời mắt.

Sau thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh Covid-19, những người phụ nữ ở tổ 7, tổ 8 phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) lại cùng nhau đến công viên Hồ Tân Quang để dạy nhau học dân vũ thể thao. Bà Lê Mai Phương, tổ 8 chia sẻ: “Trước đây, buổi tối cơm nước xong xuôi, tôi thường ở nhà xem ti vi thì nay có bộ môn khiêu vũ thể thao. Tôi rất hào hứng vì các bài tập đơn giản, linh hoạt, vui tươi trên nền nhạc. Các chị em cùng tập, cùng dạy cho nhau, tình làng xóm gắn kết hơn”.

Nhảy dân vũ đang trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Khác với các môn thể thao như tập dưỡng sinh, bóng chuyền hơi, bóng đá... thu hút những đối tượng riêng thì dân vũ nhận được sự tham gia từ trẻ nhỏ đến người già. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng hơn 90 câu lạc bộ, nhóm dân vũ tại các xã, phường, thị trấn.


Phụ nữ Trung Hòa (Chiêm Hóa) hòa mình với nhịp điệu dân vũ 24 bước.

Chị Trần Thị Kim Oanh, Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Thanh thiếu nhi tỉnh là người thường xuyên đến các trường học, tổ dân phố, cơ sở đoàn để dạy dân vũ. Chị chia sẻ, dân vũ có rất nhiều điệu nhảy như: 16 bước, 24 bước, 28 bước...  Dân vũ dễ tập, dễ nhớ, trang phục đơn giản không chỉ giúp mọi người cải thiện sức khỏe, giữ vóc dáng mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần.

Các em học sinh tại trường THCS Phan Thiết (TP Tuyên Quang) thích thú trong giờ thể dục khi được hòa mình vào vũ điệu dân vũ 24 bước, trong nền nhạc rộn ràng của các bài hát quen thuộc như: “Gặp nhau giữa rừng mơ”, “Trước ngày hội bắn”, “Giai điệu tổ quốc”... Em Trần Minh Trang, lớp 8B chia sẻ: “Điệu nhảy dân vũ đơn giản nên học một vài lần là thực hành được luôn. Em và các bạn rất hào hứng với môn học mới này. Sau khi học xong ai nấy đều phấn khởi, vui tươi, lúc rảnh là chúng em lại tự tập cho nhau để khi biểu diễn được tốt hơn”.

Dân vũ không chỉ có mặt tại các thị thành mà tại các bản làng những điệu nhảy lại được biến tấu linh hoạt. Người xem thấy thích thú hơn khi những “diễn viên” quần chúng ở Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa... khoác lên mình áo dân tộc, đi giày thể thao hết mình theo giai điệu rộn ràng, vui tươi.

Chị Nguyễn Thị Thương, Chủ nhiệm nhóm dân vũ xã Lăng Can (Lâm Bình) chia sẻ: “Năm 2020, nhóm dân vũ được thành lập, mọi người hào hứng tham gia, ban đầu chỉ có 15 người nhưng đến nay đã 30 người. Dân vũ không phân biệt nghề nghiệp tuổi tác, dù là người làm việc trí óc hay lao động chân tay đều có thể cùng nhau hòa theo bước nhảy. Thường vào dịp cuối tuần, các thành viên trong nhóm giao lưu và tập luyện với nhau. Ban đầu thuê người về hướng dẫn nhưng về sau chúng tôi tự học qua các video trên internet”.

Tại các homestay, điều ấn tượng nhất với nhiều du khách trong thời gian qua đó là không chỉ được thưởng thức văn nghệ dân tộc hát Then, Páo Dung... mà còn được thưởng thức các tiết mục sôi động của dân vũ. Bà Chu Kim Ninh (TP Tuyên Quang) chia sẻ, ban đầu cứ ngỡ là dân vũ chỉ có ở thành phố, thế nhưng khi đến trải nghiệm du lịch tại Lăng Can, Thượng Lâm, Khuôn Hà...  thì thấy phong trào ở đây rất sôi nổi. Bà thích nhất được ngắm các bà, các chị, cháu nhỏ... trong bộ trang phục dân tộc uyển chuyển theo điệu nhảy trên nền nhạc bài hát về quê hương như: “Lang Can yêu thương”, “Về Tuyên”...

Có mặt theo dõi các tiết mục dân vũ mới cảm nhận được sự hăng say của các bà, các chị. Khi âm nhạc vang lên cũng là mọi người quên đi mệt nhọc, lo toan thường ngày để nhịp nhàng theo điệu nhảy vui tươi. Loại hình khiêu vũ thể thao này đã có sức hút đặc biệt vừa nâng cao sức khỏe, vừa sảng khoái tinh thần, tăng thêm tình làng nghĩa xóm.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục