Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Cố đô Hoa Lư

Ngày 12/8, tại Ninh Bình, Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) phối hợp tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Cố đô Hoa Lư”, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, các nhà khoa học và chuyên gia.

Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà nghiên cứu tập trung thảo luận làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn: Nghiên cứu nhận diện quy mô, diện mạo kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ thứ X; đánh giá vai trò, vị trí của kinh đô Hoa Lư trong lịch sử dân tộc; những giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; ý nghĩa, kết quả công tác khai quật khảo cổ trong khu vực; thực trạng biến đổi của các công trình di tích qua các thời kỳ; quá trình thực hiện quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư.

Đây là diễn đàn học thuật để các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố Đô Hoa Lư.

Quyền Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, Đặng Ngọc Khánh cho biết: “Những dấu tích lịch sử, văn hóa hiện còn ở Cố đô Hoa Lư rất phong phú, đa dạng bao gồm: Hệ kiến trúc thờ tự, dấu tích tường thành, hang động...

Cùng với thời gian, tác động đô thị hóa, cảnh quan khu vực đang có biến đổi theo chiều hướng mất dần bản sắc riêng độc đáo; vẫn còn tình trạng người dân sinh sống trong khu di tích. Nhiều khu vực dần bị đô thị hoá, cảnh quan hai bên dòng sông Sào Khê lịch sử bị lấn chiếm, ô nhiễm; nhiều di tích đã trở thành phế tích chưa được phục dựng; các đoạn tường thành đa số chỉ còn dấu vết mờ nhạt, nhiều đoạn bị xâm hại.

Điểm nhấn của di sản là khu vực đền vua Đinh, đền vua Lê và sân lễ hội phía trước hai ngôi đền đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo xây dựng, nhưng chưa đồng bộ.

Trong thời gian tới, giải pháp trọng tâm bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư được đặt ra là: Tập trung đầu tư tu bổ phục hồi di tích; xây dựng công viên lịch sử Trung tâm Cố đô Hoa Lư; tiếp tục nghiên cứu khai quật, khảo cổ học, ưu tiên bảo tồn các di tích kiến trúc, tài nguyên cảnh quan thiên nhiên; đầu tư giải phóng mặt bằng và định hướng tái định cư cho người dân, gắn với phát triển kinh tế di sản, góp phần mang lại sinh kế cho cộng đồng dân cư địa phương; đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật nghệ trong bảo quản, trưng bày các di chỉ khảo cổ học, các di tích; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.

Di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962.

Đến năm 2012 được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt; là một trong ba vùng lõi thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, được UNESCO công nhận là di sản kép đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á.

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục