Bảo vệ di tích - không để ''chuyện đã rồi''

Gìn giữ, bảo vệ di tích là điều kiện tiên quyết trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Song vì nhiều nguyên nhân, công tác này vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, dẫn đến nhiều di tích bị xâm hại, làm cho biến dạng.

Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý hơn nữa, bảo đảm nguyên vẹn giá trị di sản văn hóa trong đời sống đương đại, không để xảy ra “chuyện đã rồi” trong bảo vệ di tích.

Muôn kiểu sai phạm    

Di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì) vừa được khôi phục lại nguyên trạng cổng cũ, sau khi truyền thông lên án mạnh mẽ hình ảnh chiếc cổng mới có hình dáng, hoa văn không ăn nhập với kiến trúc bên trong, phá vỡ không gian truyền thống. Được biết, chiếc cổng này được lắp dựng từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, song mãi đến đầu tháng 3-2021, cơ quan quản lý mới nắm được sự việc để kiểm tra, khắc phục.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho biết, do cổng cũ của di tích bị xuống cấp, nên khi được cung tiến cổng mới, đơn vị quản lý đã tự ý thay, không báo cáo cơ quan chuyên môn và UBND huyện. Sau khi nắm được sự việc, các phòng, ban chức năng của huyện đã yêu cầu tháo dỡ, trả lại nguyên trạng cổng cũ và có văn bản đề xuất phương án tu sửa hoặc thay thế, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Cũng trong thời gian này, UBND huyện Gia Lâm có báo cáo gửi Ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội về hành vi chặt cây, phá tường rào tại Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia chùa Vàng, xã Cổ Bi. Văn bản nêu rõ: “Ngày 15-1-2021, tổ công tác của UBND xã Cổ Bi tiến hành kiểm tra hiện trạng sử dụng đất chùa Vàng, đã phát hiện Tiểu ban quản lý di tích và một số người dân thôn Vàng đang thi công san lấp, dọn dẹp, đào móng xây tường để mở rộng đường với chiều dài khoảng 70m, rộng 2m, thuộc phần đất nhà kho hợp tác cũ, khu vực bảo vệ II của di tích. Tổ công tác đã lập biên bản yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động thi công tại khu vực di tích…”.

Theo Trụ trì chùa Vàng Thích Thanh Quyết, mặc dù đã được nhà chùa khuyến cáo là đang xâm phạm vào không gian di tích, song nhóm người kể trên vẫn cố tình tiến hành chặt cây, phá tường… Ngay sau sự việc (đầu tháng 12-2020), nhà chùa đã báo cáo với UBND xã, song đến giữa tháng 1-2021, chính quyền địa phương mới tiến hành kiểm tra, lập biên bản.   

Không để tiếp diễn tình trạng chạy theo khắc phục

Câu chuyện tại đình Tây Đằng và chùa Vàng chỉ là hai trong nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở Thủ đô Hà Nội. Những vi phạm trong quá trình quản lý, bảo vệ, khai thác di tích đã được phản ánh còn là: Hiện tượng tự ý xây dựng, sửa chữa nhà ở không xin phép cơ quan chức năng ở làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); tự ý tháo dỡ, xây mới gác chuông tại chùa Bối Khê (huyện Thường Tín); làm mới các bản chạm, khắc cổ ở đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm); đập phá tượng la hán, linh vật tại chùa Khánh Long (huyện Đông Anh)… Điều đáng nói, hầu hết các sự việc kể trên đều không được ngăn chặn kịp thời, trở thành “chuyện đã rồi”.

Theo Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Phạm Mai Hùng, đây là biểu hiện của việc nhận thức về vấn đề bảo tồn di sản trong một bộ phận người dân còn hạn chế, cộng với sự thiếu quan tâm, sâu sát của nhiều địa phương. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị di sản cần được chú trọng; chế tài ràng buộc trách nhiệm của chính quyền địa phương phải chặt chẽ hơn, nhằm hạn chế tình trạng chạy theo khắc phục như thời gian qua.

Còn theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Thu Hiền, sau sự việc thay cổng ở đình Tây Đằng, Cục đã có văn bản đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sớm chỉ đạo khắc phục, đồng thời nhắc nhở các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc quản lý, bảo vệ di tích, kết hợp với tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật.

“Cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn; nâng cao vai trò của chính quyền cơ sở trong công tác bảo vệ di tích; tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng giá trị di sản, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giám sát, bảo vệ, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm”, bà Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

Không để xảy ra "chuyện đã rồi", Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã yêu cầu các địa phương khi thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo di tích phải được sự thỏa thuận của cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Các địa phương có di tích phải thành lập, kiện toàn ban quản lý di tích, đồng thời gắn trách nhiệm của cá nhân và tổ chức khi để xảy ra sai phạm.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục