''Cách mạng số'' trong lĩnh vực bảo tàng: Thay đổi để bắt nhịp thời đại

Những thách thức của thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ cùng đòi hỏi thích ứng với đại dịch Covid-19 đã tạo động lực đưa hệ thống bảo tàng ở Việt Nam bước vào cuộc “cách mạng số hóa”. Nhiều thành tựu công nghệ nhanh chóng du nhập về Việt Nam, mang đến cho công chúng những trải nghiệm mới lạ, nhưng cũng đặt các bảo tàng trước thách thức mới.

Kết nối bảo tàng với công chúng

Cuối tháng 8-2021, sau thời gian thử nghiệm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D tour (tiếng Việt và tiếng Anh), được tích hợp trên website của bảo tàng (vnfam.vn). Với công nghệ này, ngay ở trong ngôi nhà an toàn của mình, cùng với chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet, thực hiện theo chỉ dẫn là công chúng ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể tự do khám phá không gian trưng bày thường xuyên của bảo tàng, chiêm ngưỡng và nghe thuyết minh về tác phẩm nghệ thuật.

Đặc biệt, video với độ phân giải cao giới thiệu 2 bảo vật quốc gia Tượng Phật bà Quan Âm và tác phẩm tranh sơn mài “Bình phong” của danh họa Nguyễn Gia Trí giúp du khách tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp và cảm nhận giá trị lịch sử, nghệ thuật của những kiệt tác này.

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhận xét: “Thật thú vị khi trải nghiệm tour 3D này và xem 2 video clip mới của bảo tàng về 2 bảo vật quốc gia. Sự ra đời của bức tranh, chủ đề, giá trị mỹ thuật, lịch sử và cả giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nghề sơn mài hiện đang phát triển ở Việt Nam, được tóm lược diễn giải một cách sinh động kết hợp với kỹ thuật quay và giọng đọc truyền cảm. Tôi thích cách giới thiệu các hiện vật bảo tàng nói chung và các kiệt tác nghệ thuật nói riêng như thế này. Vừa là giải trí vừa có cơ hội học hỏi nhiều điều bổ ích”.

Cùng với đó, bảo tàng cũng cung cấp ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA (audio, photo, text) trợ giúp người dùng tham quan trực tuyến hoặc trực tiếp tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Với ứng dụng này, công chúng dễ dàng xem, tra cứu, tìm hiểu về 100 hiện vật tiêu biểu tại bảo tàng.

Giáo sư Susan Bayly, Đại học Cambridge (Anh) đánh giá: “Đây thực sự là một bước tiến trong chặng đường phát triển của bảo tàng, một sự đóng góp to lớn đối với công tác bảo tồn và quảng bá những bộ sưu tập nghệ thuật tuyệt vời của bảo tàng. Toàn bộ trải nghiệm hoàn toàn miễn phí, tạo điều kiện tối đa để du khách có thể an tâm, tự do trải nghiệm”.

Không chỉ là giải pháp tình thế

Thực tế, không chỉ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam áp dụng thành công công nghệ số để mang lại những trải nghiệm mới lạ cho công chúng mà số hóa đang thực sự trở thành một cuộc cách mạng với hệ thống bảo tàng trên phạm vi cả nước. Từ năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D giới thiệu 2 trưng bày chuyên đề trên website của bảo tàng. Đây cũng là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ trong các hoạt động giới thiệu trưng bày, giáo dục.

Trong giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua, một loạt bảo tàng đã đưa các nội dung tham quan lên YouTube hoặc tổ chức triển lãm trực tuyến để kịp thời phục vụ công chúng. Có thể kể đến chương trình tham quan trực tuyến với chủ đề "Theo dòng lịch sử: Văn hóa Đại Việt thời Lý - Trần" tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia; triển lãm “Italian Routes - Phong cảnh núi, leo núi, biến đổi khí hậu" của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; các trưng bày trực tuyến theo nhiều chủ đề của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam... Bên cạnh đó, hầu hết bảo tàng trong phạm vi cả nước đều đã số hóa một phần nội dung thuyết minh, xây dựng thêm các video clip để làm sinh động hơn nội dung trưng bày.

Tại hội thảo trực tuyến “Công nghệ số kết nối bảo tàng với công chúng” do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, các chuyên gia trong lĩnh vực này đánh giá: Trong giai đoạn hiện nay, vừa để bắt nhịp thời đại công nghệ, hơn nữa đại dịch Covid-19 bùng phát cũng trở thành một cú hích buộc các bảo tàng phải nhanh chóng thay đổi. Nhiều thành tựu công nghệ đã nhanh chóng du nhập về Việt Nam, từ không gian trưng bày được số hóa 3D, thực tế ảo tăng cường AR, tương tác không chạm (LeapMotion), 3D Mapping đến Video Wall, Holofan... Tất cả đã mở rộng biên độ để những chuyên gia bảo tàng đầy tâm huyết bắc nhịp cầu nối tới gần công chúng.

Trường Đại học RMIT mới đây công bố một nghiên cứu cho thấy trong 5 năm qua ở Hà Nội, việc số hóa trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã diễn ra trên phạm vi toàn ngành và có hệ thống hơn, thông qua các phương thức như chụp ảnh, quét tài liệu và lập kho lưu trữ số cho các tác phẩm cũng như bộ sưu tập nghệ thuật. Các bảo tàng và cơ sở nghệ thuật công lập đã và đang thực hiện các dự án số hóa, tập trung vào việc bảo tồn những loại hình nghệ thuật dân gian, nghề thủ công và di sản văn hóa phi vật thể.

Có thể thấy, số hóa là hướng đi mà hầu hết bảo tàng đã và đang hướng tới. Đây không chỉ là giải pháp tình thế trong thời kỳ xảy ra đại dịch, mà về lâu dài còn là công cụ quảng bá, tăng tương tác với người xem, giúp các bảo tàng thúc đẩy sự sáng tạo và phát huy tốt giá trị các sưu tập hiện vật thông qua khai thác thế mạnh của phương tiện truyền thông xã hội. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản mỹ thuật nói riêng là bước cụ thể hóa chủ trương của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc triển khai các hoạt động theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ.

Cần có cách tiếp cận phù hợp

Đại dịch Covid-19 tác động lớn đến cách thưởng thức nghệ thuật của công chúng, họ quan tâm hơn đến các triển lãm trực tuyến. Tại hội thảo trực tuyến “Công nghệ số kết nối bảo tàng với công chúng”, đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, từ ngày 28-8 đến cuối tháng 10, số người tham quan bảo tàng ảo là 12 triệu lượt. Số lượt xem các triển lãm online, video trên mạng của các bảo tàng khác cũng tăng đáng kể.

Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ số ở các bảo tàng hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Lướt qua các triển lãm trực tuyến ở hầu hết bảo tàng, có thể nhận ra số triển lãm có chất lượng cao, nội dung, hình ảnh phong phú chưa nhiều. Nhiều triển lãm mới chỉ đưa được ảnh hiện vật cùng một số nội dung giới thiệu sơ sài, chưa hấp dẫn được người xem, tính tương tác yếu. Nguyên nhân chủ yếu là nhiều bảo tàng chưa có đủ nguồn nhân lực cũng như vật lực để thực hiện tốt việc ứng dụng thành tựu công nghệ trong lĩnh vực trưng bày.

Đối tượng quan tâm tới các bảo tàng là khác nhau, đòi hỏi mỗi bảo tàng phải có cách tiếp cận phù hợp. Ông Nguyễn Văn Bích, đại diện Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh cho biết, việc thực hiện các trưng bày chuyên đề 3D đòi hỏi rất nhiều công sức nhưng lại khó tiếp cận người xem của bảo tàng do muốn xem được phải có internet tốc độ cao, người tham quan phải có trình độ nhất định, thao tác chuẩn... Chính vì vậy, thay vì thực hiện các tour 3D, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh chọn cách xây dựng các video clip từ 7 - 15 phút để phát trực tuyến, vừa tiết kiệm kinh phí vừa phù hợp với công chúng của bảo tàng này.

Trong khi đó, ông Trần Văn Chuẩn (Bảo tàng Đà Nẵng) cho hay, công chúng đến Bảo tàng Đà Nẵng có sự thay đổi rõ rệt về nhu cầu tiếp cận thông tin so với trước kia, đặc biệt là giới trẻ. Họ có thể dễ dàng tiếp cận công nghệ số tại bảo tàng như quét mã QR để truy cập đường link bảo tàng, thích xem các trưng bày thực tế ảo...

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hệ thống bảo tàng trong nước đã và đang chuyển mình để theo kịp xu hướng số hóa của thế giới và đáp ứng nhu cầu của công chúng trong hoàn cảnh hiện nay. Không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị xưa cũ, việc áp dụng công nghệ số giúp bảo tàng trở thành không gian đầy hứng khởi để đông đảo công chúng trải nghiệm, học hỏi, trở thành điểm đến không thể bỏ qua, điểm nhấn giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người, tinh hoa văn hóa Việt Nam đến với bè bạn quốc tế, như con đường mà các quốc gia phát triển đang đi.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục