Dấu ấn châu Á và cơ hội cho điện ảnh Việt

Sau thành công vang dội của phim "Parasite" (Ký sinh trùng) vào năm 2020, năm 2021 công chúng lại tiếp tục chứng kiến sự lên ngôi của điện ảnh châu Á tại các giải thưởng điện ảnh quan trọng của thế giới trong bối cảnh khó khăn chung của điện ảnh toàn cầu. Điều này mang đến cho nghệ thuật thứ bảy nước nhà nhiều bài học và cơ hội.

Dấu ấn châu Á

Trong danh sách đề cử chính thức của Oscar 2021 do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) công bố giữa tháng 3 vừa qua, không nằm ngoài dự đoán, một số bộ phim nổi bật của điện ảnh châu Á được coi là “ứng viên nặng ký”. Tác phẩm “Minari” của đạo diễn Hàn Quốc Lee Isaac Chung và phim “Nomadland” của nữ đạo diễn Trung Quốc Chloé Zhao (cả hai phim này từng gây tiếng vang tại giải Quả cầu vàng vừa qua) được gọi tên trong hạng mục Phim hay nhất. Ở hạng mục Phim quốc tế xuất sắc có “Em của thời niên thiếu” (Better Days) của đạo diễn Tăng Quốc Tường (Hồng Kông - Trung Quốc). Người hâm mộ điện ảnh kỳ vọng những tên tuổi này có thể tạo nên kỳ tích giống như phim “Parasite” (Ký sinh trùng) của điện ảnh Hàn Quốc đã giành được 4 giải thưởng tại lễ trao giải Oscar 2020, trong đó có 2 hạng mục quan trọng là Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất.

Việc liên tiếp có những bộ phim châu Á được gọi tên ở các giải thưởng điện ảnh lớn được coi là kết quả tất yếu khi điện ảnh châu Á đã "trỗi dậy” trong suốt thập niên vừa qua. Những nền điện ảnh phát triển nhanh như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đã kéo sự chú ý của thế giới đến với điện ảnh châu Á. Và cùng với đó, “dấu ấn châu Á” tại kinh đô điện ảnh Hollywood cũng ngày càng trở nên đậm nét. Nhiều bộ phim lấy cảm hứng từ văn hóa châu Á đã đạt được thành công vang dội. Chẳng hạn như “Raya và rồng thần cuối cùng” - bộ phim tôn vinh văn hóa Đông Nam Á của hãng Walt Disney đang “làm mưa làm gió” ở các rạp chiếu toàn cầu. Sự mới lạ, tính đặc sắc của văn hóa Á Đông đã tạo nên sức hút của bộ phim này.

Các nhà phê bình điện ảnh của Hollywood nhận định: Sự quan tâm mạnh mẽ đến các bộ phim được sản xuất ở châu Á nói chung và những bộ phim lấy cảm hứng từ văn hóa châu Á nói riêng đã dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh châu Á trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là cơ hội lớn cho các nền điện ảnh châu Á, trong đó có điện ảnh Việt Nam.

Cơ hội cho điện ảnh Việt

Sau khi “giải mã” nhiều nền văn hóa, hãng Disney mới đây đã đưa dấu ấn Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, vào bộ phim hoạt hình bom tấn “Raya và rồng thần cuối cùng”. Người xem có thể bắt gặp ở đây nguồn cảm hứng từ truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” về cội nguồn người Việt, từ hình tượng Hai Bà Trưng, môn võ Vovinam, hình ảnh chiếc bánh chưng, những cây tre và nền văn minh lúa nước... Bối cảnh trong phim cũng được dựng lên từ những vùng đất Việt như vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chợ nổi, những cồn cát... Chính biên kịch gốc Việt Qui Nguyen là người đã thổi hồn cho văn hóa Việt trong tác phẩm. Anh cho biết: "Trong lịch sử Việt Nam có câu chuyện nổi tiếng về Hai Bà Trưng. Họ là những anh hùng nổi tiếng của Việt Nam mà tôi nghĩ đến khi viết kịch bản". Và sự thành công về doanh thu của bộ phim đã chứng minh sức hút của văn hóa Việt với khán giả thế giới. Đây là điều mà các nhà làm phim trong nước hoàn toàn có thể học tập.

Cùng với những bộ phim được quay tại Việt Nam trước đây như “Kong: Skull Island”, “Pan”..., “Raya và rồng thần cuối cùng” viết thêm một ví dụ cho thấy sức hấp dẫn từ Việt Nam đối với các nhà làm phim quốc tế. Hơn thế, bộ phim còn cho thấy cơ hội cho điện ảnh Việt Nam khi ngày càng có nhiều nghệ sĩ, diễn viên gốc Việt tham gia vào các dự án bom tấn của Hollywood. Bộ phim này có sự tham gia của 3 diễn viên gốc Việt là Kelly Marie Tran, Thalia Tran, Patti Harrison và biên kịch gốc Việt Qui Nguyen.

Trong một thập niên vừa qua, điện ảnh Việt đã chứng kiến sự trở về của nhiều đạo diễn, diễn viên, biên kịch là Việt kiều và họ đã mang một làn gió tươi mới cho điện ảnh Việt Nam. Có thể kể tới những cái tên như: Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Dustin Nguyễn... Đạo diễn Victor Vũ từng chia sẻ lý do anh quyết định về hẳn Việt Nam để làm phim là vì khao khát làm những bộ phim Việt Nam cho khán giả Việt Nam. Nếu có cơ hội tốt, điện ảnh Việt không khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ Hollywood về nước làm phim.

Để điện ảnh thực sự trở thành một lĩnh vực quan trọng của công nghiệp văn hóa thì ngoài việc đầu tư cho những bộ phim có doanh thu hàng trăm tỷ đồng ở thị trường nội địa, việc vươn ra thế giới là một đòi hỏi có tính bắt buộc. Việc quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh cũng đang được xây dựng thành một nội dung của Luật Điện ảnh (sửa đổi). Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: “Đây là một chương mới, có nội dung tốt nhằm góp phần phát triển công nghiệp điện ảnh, thu hút nhiều nguồn lực trong và ngoài nước tham gia”. Và, với những dấu ấn của điện ảnh châu Á, sự quan tâm của thế giới đối với văn hóa Việt Nam cũng như sự thành danh của các nghệ sĩ Việt trên thế giới chắc chắn sẽ mở ra cơ hội cho điện ảnh Việt vươn xa nếu chúng ta tận dụng tốt.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục