''Điểm nhấn'' văn nghệ đặc sắc trong dịp lễ lớn

Hòa vào không khí kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021) và 135 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2021), nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật được tổ chức, nhằm tạo những điểm nhấn đặc sắc, ý nghĩa trong dịp lễ đặc biệt của đất nước. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các biện pháp bảo đảm phòng, chống dịch tại những sự kiện này luôn được đặt lên hàng đầu.

Nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn, ý nghĩa

Ra mắt nhân kỷ niệm 46 năm đất nước thống nhất, bộ phim “Khúc mưa” do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất đang được khán giả Thủ đô và cả nước đón nhận. “Khúc mưa” do Trung tá Nguyễn Thu Dung viết kịch bản, Nghệ sĩ ưu tú Bùi Tuấn Dũng đạo diễn, khắc họa bi kịch chia cắt của một gia đình sau chiến tranh với những mảnh đời lưu lạc rồi hội ngộ... Qua đó, nói lên tinh thần đoàn kết dân tộc, cùng hướng về cội nguồn, Tổ quốc. Đại tá, Nghệ sĩ ưu tú Phạm Tiến Cường, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân cho biết, phim nhấn mạnh hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình là cầu nối hòa hợp, đoàn kết dân tộc.

Đáng chú ý là chương trình giao lưu chính luận - nghệ thuật “Bài ca thống nhất” do Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện vào tối 27-4 tại Hà Nội. Dàn dựng công phu, hấp dẫn với 3 phần: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Những bước chân thần tốc”, “Bài ca thống nhất”, chương trình đã tái hiện giai đoạn lịch sử hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ thần kỳ, mà đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta. Thông qua màn giao lưu với các nhân chứng lịch sử và các tiết mục ca múa nhạc ca ngợi quê hương, đất nước, cách mạng, chương trình đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu đất nước.

Tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (số 28A Điện Biên Phủ, quận Ba Đình), 44 tác phẩm chủ đề “Còn lại với Trường Sơn” của họa sĩ Nguyễn Đức Dụ - cựu chiến binh Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn giúp công chúng có cái nhìn chân thực, giàu nghệ thuật về những năm tháng khói lửa, đầy tự hào của dân tộc. Đây là một phần trong số hàng trăm tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Đức Dụ về đề tài đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại và hành trình kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Tiêu biểu là các bức ký họa “Chặng đường giao liên”, “Phá mìn vướng”, tranh sơn dầu “Xe tăng vào tuyến”…

Chào mừng các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước trong tháng 4 và 5, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Đặc biệt, vào 20h ngày 30-4, 1-5, có các chương trình tại sân khấu quảng trường trước Sân vận động quốc gia Mỹ Đình do Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn, sân khấu trung tâm quận Tây Hồ do Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội biểu diễn, sân khấu trung tâm quận Hà Đông do Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội phụ trách...

Nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước được tổ chức vào dịp kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 135 năm Ngày Quốc tế Lao động.

Bảo đảm an toàn trước dịch bệnh

Bên cạnh những điểm nhấn kỷ niệm, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật cũng được tổ chức để đem đến cho người dân, du khách những trải nghiệm độc đáo, mới lạ. Sự kiện “Chuyện của gốm” đang diễn ra tại đình Kim Ngân (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) nhằm giới thiệu về các làng nghề truyền thống, như gốm Bát Tràng (Hà Nội), gốm Phù Lãng (tỉnh Bắc Ninh)… Tại Trung tâm Thông tin di sản phố cổ Hà Nội (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) cũng có hoạt động trưng bày, quảng bá văn hóa, du lịch của tỉnh Phú Yên; còn ở đình Đồng Lạc (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) có trưng bày sản phẩm thủ công sơn mài.

Tham quan các hoạt động này tại khu vực phố cổ Hà Nội, chị Nguyễn Minh Hòa (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) chia sẻ: “Không phải đi xa mà ngay tại Thủ đô tôi vẫn được thưởng lãm nét văn hóa đặc sắc ở nhiều nơi trên cả nước, được trải nghiệm quy trình làm ra những sản phẩm truyền thống đẹp đẽ…”.

Dịp này, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, thị xã Sơn Tây) tổ chức chương trình “Bài ca thống nhất” với hoạt động điểm nhấn “Điểm hẹn Hoàng Su Phì, Hà Giang”, trong đó, tái hiện “Lễ hội mở kho xin giống”, “Tục kéo vợ”, chương trình “Sắc màu chợ phiên”…

Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Ban tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật dịp này đều đặt yếu tố bảo đảm an toàn lên trên hết. Nghệ sĩ nhân dân Quốc Anh, Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết, đơn vị đang háo hức chuẩn bị cho chương trình tại khu vực trước Sân vận động quốc gia Mỹ Đình với các tiết mục ca múa nhạc truyền thống và cách mạng. Trừ khi bước lên sân khấu biểu diễn, mọi hoạt động của những người tham gia đều thực hiện theo thông điệp "5K" (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế) của Bộ Y tế.

Còn Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa nhấn mạnh, các chương trình văn hóa, nghệ thuật được thực hiện công phu, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, đất nước và Thủ đô đổi mới, qua đó khơi dậy niềm tin yêu, tự hào trong các tầng lớp nhân dân. Các đơn vị tham gia tổ chức đều phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục