Điện ảnh Việt nhìn từ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII: Dấu ấn và tiếc nuối

Hai năm qua là giai đoạn cực kỳ khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng điện ảnh Việt vẫn có những dấu ấn đáng kể, có sự vận động phù hợp với xu thế của thế giới. Dẫu vậy, nhìn vào danh sách những bộ phim tham gia Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII, người ta vẫn có lý do để tiếc nuối...

Nhìn lại điện ảnh 2 năm qua

Liên hoan phim Việt Nam là sân chơi lớn nhất của những người làm điện ảnh nước nhà, là dịp để đánh giá lại điện ảnh trong thời gian 2 năm, qua đó đánh giá những xu hướng, mở ra cơ hội cho các nhà làm phim. Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII (diễn ra từ ngày 18 đến ngày 20-11 tại Thừa Thiên Huế) được tổ chức theo hình thức trực tuyến, trao giải online để phù hợp với tình hình chống dịch Covid-19. Đây cũng là sự thay đổi phù hợp với xu hướng thế giới.

Hai năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng điện ảnh Việt vẫn có những dấu ấn đáng kể. Nhìn vào danh sách phim tham dự liên hoan, công chúng vẫn thấy được kết quả từ sự lao động miệt mài của những người làm nghề. Đó là 26 bộ phim truyện nhựa, 69 bộ phim tài liệu, 15 phim khoa học, 31 phim hoạt hình của nhiều đơn vị sản xuất khác nhau trên cả nước. Trong đó, có những bộ phim đạt mức doanh thu cao như “Tiệc trăng máu”, “Mắt biếc”, “Gái già lắm chiêu V”... Thậm chí, phim “Bố già” còn đi vào lịch sử điện ảnh Việt với mức doanh thu kỷ lục hơn 400 tỷ đồng, vượt xa những kỷ lục trước đó của phim Việt. Nhiều bộ phim đã được phát hành qua các hệ thống chiếu phim lớn của thế giới... 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đánh giá: “Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến toàn xã hội, các ngành kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trong đó có ngành điện ảnh. Trong hai năm qua, sự đình trệ mọi hoạt động điện ảnh, từ sản xuất đến phát hành và phổ biến phim trên toàn thế giới, và đặc biệt là làn sóng dịch bệnh thứ tư ở Việt Nam đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho hầu hết các doanh nghiệp, các cá nhân ở mọi ngành nghề, và điện ảnh Việt Nam không nằm ngoài sự khó khăn lớn đó. Nhưng ngành Điện ảnh, các nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam đã hết sức nỗ lực trong thời gian qua. Chúng ta đã bình tĩnh nhìn nhận, kịp thời ứng phó, điều chỉnh các phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim để thích ứng hoàn cảnh mới, sống chung với đại dịch Covid-19. Dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng ngành Điện ảnh đã nỗ lực để duy trì hoạt động sản xuất, hoàn thành nhiều tác phẩm điện ảnh để phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Có không ít tác phẩm điện ảnh đã tạo ra giá trị về nghệ thuật, thẩm mỹ và được ghi nhận về giá trị kinh tế cho doanh nghiệp, cho xã hội”.

Vẫn còn những tiếc nuối

Qua các kỳ Liên hoan phim Việt Nam, hạng mục được khán giả quan tâm nhất chính là phim truyện điện ảnh. Năm nay, dù các sự kiện trực tiếp bị hạn chế song Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn quyết định tổ chức Tuần phim chào mừng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII - từ ngày 10 đến 16-11, tại Hà Nội và Đà Nẵng - với  sự có mặt của 26 bộ phim tham dự liên hoan. Đây là sự kiện được công chúng rất mong chờ sau nhiều tháng ròng rạp chiếu đóng cửa để phòng dịch.

Tuy nhiên, khi nhìn vào danh sách phân loại phim tham dự liên hoan lần này, có lẽ khán giả sẽ thấy “giật mình” khi chỉ có một phim duy nhất được phân loại phim “P” - phim dành cho mọi khán giả. Đó là phim “Con đường có mặt trời” của Điện ảnh Quân đội. Các phim còn lại đều dán nhãn C13 trở lên (phim dành cho khán giả từ 13 tuổi trở lên), trong đó nhiều nhất là các phim C18 (dành cho khán giả từ 18 tuổi). Năm 2021, cũng có một bộ phim dành cho trẻ em là “Trạng Tí phiêu lưu ký” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, nhưng do dịch bệnh nên bộ phim tạm dừng phát hành và không nằm trong danh sách phim tham dự liên hoan. Điều này cho thấy phim chiếu rạp dường như đang bỏ quên dòng phim gia đình và có rất ít phim dành riêng cho thiếu nhi. Đó cũng là “khoảng trắng” đáng tiếc ngay cả với phim truyền hình trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi đó, phim hoạt hình tham dự liên hoan tuy có số lượng lớn (31 phim) nhưng đều là phim ngắn và gần như không có bộ phim nào tạo được hiệu ứng đáng kể về mặt khán giả trong thời gian qua.

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII được tổ chức với nỗ lực duy trì truyền thống và tạo thêm động lực cho người làm điện ảnh trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn như hiện nay, nên khó có thể đặt ra nhiều kỳ vọng. Song, đây chắc chắn sẽ là một hoạt động có ý nghĩa, đánh dấu sự trở lại của hệ thống rạp chiếu sau một thời gian dài “đóng băng”, mang đến cho khán giả nguồn cảm hứng mới với những bộ phim Việt đa dạng, hấp dẫn.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục