Đón đọc báo Tuyên Quang cuối tuần phát hành ngày 23-4

- Sách là kho kiến thức bất tận của nhân loại mở ra những chân trời mới. Bởi thế, ở bất cứ thời đại nào sách vẫn giữ được vị thế và tầm quan trọng. Đó cũng là thông điệp báo Tuyên Quang cuối tuần gửi đến độc giả nhân ngày Sách Việt Nam 21-4 với chủ đề: Điều kỳ diệu từ sách.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, nhà báo Mai Linh có bài viết trong chuyên mục Chuyện cuối tuần với tiêu đề: Nuôi dưỡng tình yêu với sách (trang 2).

Tác giả phân tích, có rất nhiều định nghĩa về sách, nhưng có thể nói một cách ngắn gọn: Sách là tri thức, là nơi con người có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, trau dồi và rèn luyện bản thân. Đọc sách ngoài việc giúp chúng ta nâng cao kiến thức, còn giúp chúng ta biết yêu thương và trân trọng những người xung quanh mình. Khẳng định vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách, Mai Linh cũng bày tỏ quan điểm: Đọc sách như thế nào, cách đọc sách ra sao cũng là vấn đề cần phải chú ý. Bởi những vấn đề chúng ta cần tìm hiểu từ sách sẽ trở nên có ý nghĩa hơn khi nó thực sự phù hợp và cần thiết với cuộc sống của chúng ta. Từ đó, nhà báo khẳng định: Mỗi người để không bị tụt hậu, để có thể tự tin hơn trong cuộc sống thì việc đọc sách là cực kỳ cần thiết và nên thực hiện mỗi ngày.

Để khai thác nguồn tri thức bất tận từ sách, nhà báo Thái An có bài viết: Cần tạo "đường dẫn" (trang 3).

Theo tác giả, ngày nay với sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông mới, văn hóa đọc càng có nguy cơ mai một. Bằng chứng là, Việt Nam có trên 90 triệu dân, nhưng doanh thu bán sách cả năm chỉ đạt 0,18 tỷ USD. So với Hàn Quốc, Malayxia, Thái Lan thì nước ta có doanh thu từ sách thấp nhất, đồng nghĩa với việc có ít người mua sách, đọc sách nhất. Từ thực tế này, tác giả cho rằng, để khôi phục văn hóa đọc hiện nay, không nên cứng nhắc cách đọc là phải cầm quyển sách giấy mà bỏ qua việc nghe sách (audiobook) hoặc đọc sách điện tử (ebook). Và quan điểm được tác giả đưa ra là: Với sự phát triển của internet hiện nay, phát triển văn hóa đọc không nên chỉ quan tâm đến các thư viện truyền thống mà cần khai thác chính từ các phương tiện truyền thông mới, tạo các "đường dẫn" để đưa người đọc đến gần với việc đọc chủ động, để trở thành những người đọc thường xuyên và tự nhiên.

Xoay quanh chủ đề về sách và văn hóa đọc, ấn phẩm có một số bài viết khẳng định giá trị của sách và một số giải pháp để lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng:

- Điều kỳ diệu từ sách của Giang Lam (trang 2+3).

- Về văn hóa đọc hiện nay của Trần Liên (trang 4).

- Đưa sách đến với trẻ em vùng cao của Lý Thu (trang 5)

Đặc biệt, bắt đầu từ tháng 4-2022, mỗi tháng trên Báo Tuyên Quang Cuối tuần dành một trang giới thiệu sáng tác của các em thiếu nhi, nhằm tạo không gian để các em thiếu nhi được thể hiện, rèn luyện năng khiếu và sức sáng tạo của mình. Trang thiếu nhi lần đầu ra mắt bạn đọc là các tác phẩm thơ, tản văn trong trẻo, thơ ngây của các em học sinh đến từ các trường học trên địa bàn tỉnh:

- Thơ (trang 9): Buổi đi chơi đáng nhơ của Đỗ Gia Hiển (trường THCS Phan Thiết, TP Tuyên Quang); Hương rừng của Hải Anh, trường THCS-THPT Thượng Lâm huyện Lâm Bình; Tản văn Huyền thoại quê em của Bế Hoàng Linh, Trường THCS – THPT Thượng Lâm huyện Lâm Bình tỉnh Tuyên Quang.

Ấn phẩm tiếp tục duy trì trang truyện ngắn cùng các chuyên mục quen thuộc: Tác giả - Tác phẩm, Mỗi tuần một cuốn sách, Tản văn, Tin tốt trong tuần, Quốc tế...

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.  

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục