Đón đọc báo Tuyên Quang cuối tuần với chủ đề Mùa hiếu hạnh

- Vu lan thường được tổ chức vào ngày Rằm tháng Bảy, với mục đích tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tỏ lòng hiếu thuận với các bậc sinh thành. Đây chính là sự thể hiện tính nhân văn, phản ánh truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của người con đất Việt. Đó là thông điệp ấn phẩm Tuyên Quang cuối tuần gửi đến bạn đọc với chủ đề: Mùa hiếu hạnh, phát hành ngày 13-8.

Ngay trong trang mở đầu, chúng ta cùng lắng lại lòng mình, nghe những chia sẻ của nhà báo Đức Anh qua bài viết: Nếu thời gian trở lại (trang 3).

Đó là câu chuyện hết sức bình dị, như việc làm mâm cỗ ngày rằm, quây quần bên bữa cơm, nghe kể về ý nghĩa của ngày rằm... Ẩn sau câu chuyện đó là hình bóng về người mẹ tần tảo sớm hơm, cả đời hi sinh vì hạnh phúc của con, cháu. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng nhận ra tình mẫu tử thiêng liêng mà cứ mải miết theo đuổi những hoài bão của mình. Dòng cảm xúc của tác giả như dồn nén biết bao nỗi đau và sự tiếc nuối: Vu lan năm nay, chúng con không được nghe lại câu chuyện của mẹ nữa rồi. Nhiều lúc con thường giật mình và vẫn không thể nào tin được là con không còn mẹ. Những đớn đau và nuối tiếc làm cho chúng con suy nghĩ, nếu thời gian có thể quay trở lại.

Cũng vẫn dòng cảm xúc thành kính, thiêng liêng, ở một góc nhìn khác, nhà báo Duy Đức gửi đến thông điệp về thực hành lễ Vu lan: Hãy thành tâm (trang 3)

Theo tín ngưỡng dân gian, Rằm tháng 7 là ngày “xá tội vong nhân” và cũng là ngày Vu Lan báo hiếu cha mẹ. Tuy nhiên, dịp này cũng là thời điểm nóng của việc đốt nhiều vàng mã gây nhiều rủi ro cháy nổ, lãng phí cần được hạn chế và tiến tới cần được dẹp bỏ. Để hạn chế tình trạng đốt vàng mã của người dân, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản hướng dẫn, tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự tín ngưỡng, trong đó có việc hạn chế đốt vàng mã, đồ mã. Tuy nhiên, để phát huy ý nghĩa tích cực của văn hóa tín ngưỡng tôn giáo, đồng thời hạn chế những tiêu cực nảy sinh trong quan niệm thực hành lễ Vu Lan, mỗi người cũng nên tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa cách hành lễ truyền thống để có những hành động thiết thực, tích cực cho gia đình và cho xã hội.

Xoay quanh chủ đề về Vu lan, ấn phẩm có các bài viết đáng chú ý sau:

- Mùa hiếu hạnh của Quang Hòa (trang 2+3).

- Khi tuổi xế chiều của Thủy Châu (trang 4).

- Nghĩ về chuyện phóng sinh của Trần Liên (trag 5).

 Trang văn học - nghệ thuật số này cũng là các bài viết đậm sâu về mùa hiếu hạnh: Những trang văn hướng thiện (trang 6) và Những giai điệu đẹp về Mẹ (trang 7).

Dòng cảm xúc về đấng sinh thành dạt dào, sâu lắng trong trang thơ, truyện ngắn:

- Truyện ngắn Những bông hồng trắng của Y Nguyên (trang 8).

- Thơ (trang 9): Tiếng vọng phía chân mây (Đức Long), Đóa vu lan màu đỏ (Tịnh Bình), Gọi cha (Trần Kế Hoàn), Đôi vai của mẹ (Hạ Vy), Vườn mẹ (Trần Văn Lợi).

Ấn phẩm duy trì các chuyên mục quen thuộc: Tản văn, Mỗi tuần một cuốn sách, Tin tốt trong tuần, Ẩm thực xứ Tuyên, Thể thao...

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục