Gìn giữ nét xưa, phát huy vốn cũ

Nhìn bề ngoài, Tu viện Huệ Quang nằm trên đường Hòa Bình, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh không có gì đặc biệt để khiến chúng tôi nghĩ rằng, nơi đây là một trung tâm dịch thuật Hán Nôm nổi tiếng mà bất cứ ai nghiên cứu chuyên ngành Hán Nôm đều muốn được tham quan, học hỏi, tìm kiếm tư liệu, cũng như là nơi cất giữ một thư viện Phật giáo lớn nhất Việt Nam.

Thế nên, nếu không đến đây đúng dịp lễ tưởng niệm húy nhật lần thứ 2 cố đại lão Hòa thượng Thích Minh Cảnh, thấy chư tăng, các phật tử cử hành lễ, chúng tôi đã tưởng đang có mặt ở một thư quán chỉ có sách và sách. Hòa thượng Thích Minh Cảnh chính là người đã đưa Tu viện Huệ Quang đi vào một lĩnh vực đặc thù thiết yếu, bổ sung vào khoảng trống mà giáo dục Phật giáo còn bỏ ngỏ, đó là con đường đào tạo và dịch thuật Hán Nôm.

Vóc dáng nhỏ gầy nhưng nhanh nhẹn, Lê Thị Ngọc Hà, cô gái sinh năm 1997 người Long An, dẫn chúng tôi lên từng bậc thang để tới phòng đọc thuộc Thư viện Huệ Quang. Trong một không gian rộng rãi, thoáng mát với hai mặt có cửa sổ và cây xanh, với gần 10 tủ sách dựng ở đây, phòng đọc có thể phục vụ, hỗ trợ bạn đọc trong việc đọc, mượn và khai thác tư liệu, nhất là tư liệu liên quan Phật giáo. Điều đáng nói là số sách báo cất trên gần 10 tủ sách đó mới chỉ là một phần trong kho tư liệu có hơn 100.000 đầu sách, báo của thư viện, như lời Thầy Thích Không Hạnh chia sẻ trước đấy.

Ngọc Hà cho biết, Thư viện Huệ Quang trực thuộc Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang và được đưa vào hoạt động năm 2007. Tuy là một thư viện chuyên về Phật giáo nhưng ngay từ ban đầu, Thư viện Huệ Quang đã chủ trương hình thành một trung tâm tư liệu không phân biệt nội điển (sách Phật giáo) hay ngoại điển (sách ngoài Phật giáo) để gìn giữ, bảo tồn và đáp ứng nhu cầu đọc, tra cứu của mọi bạn đọc trong nước và nước ngoài.

Vì thế, dù đã bước vào kho tư liệu cất giữ hơn 10.000 đầu sách và báo chí trước năm 1975, chúng tôi vẫn ấn tượng nhất với khối lượng tư liệu Hán Nôm đồ sộ của thư viện, khoảng 3.000 cuốn. Như Thầy Thích Không Hạnh chia sẻ ban đầu, nguồn tư liệu Hán Nôm được thư viện rất chú trọng bởi chúng có nguy cơ bị mai một rất nhanh trong bối cảnh chữ Quốc ngữ gần như hoàn toàn thay thế. Đó là chưa kể việc trùng tu các tự viện (nhà tu của Phật giáo), diện tích các tự viện ngày càng bị thu hẹp cũng làm cho loại sách vốn chiếm nhiều không gian này ngày càng ít được quan tâm.

Được biết, nhiều năm trước Thư viện Huệ Quang đã tổ chức những chuyến đi sưu tầm tài liệu Hán Nôm trong các ngôi chùa ở Nam Bộ hay gần đây là năm 2019, thư viện có thư ngỏ về việc tiếp tục góp nhặt tư liệu từ các đơn vị, tự viện và cá nhân. Trong thư, Thầy Thích Không Hạnh đã kính ngỏ: "Số sách báo mang về sẽ được lựa chọn những bản chưa có lưu vào thư viện. Tích tiểu thành đại, mỗi nơi một ít với mục đích để có một trung tâm lưu trữ tư liệu Phật giáo tương đối đầy đủ cho mọi người tham khảo, tra cứu - điều mà chúng ta chưa làm được".

Nhờ đó, chưa cần đến khi Ngọc Hà mở kho tư liệu đầu tiên, chúng tôi đã cảm nhận rõ ràng mùi băng phiến đậm đặc dùng để bảo quản sách chắc có lẽ bám trên cả cánh cửa qua hàng chục năm ở bên ngoài, rồi mùi giấy cũ lúc bước vào và đập vào ngay mắt chúng tôi là dòng chữ "GS Nguyễn Đăng Thục" trên một tủ sách trước mặt. Ngọc Hà cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi về việc góp tư liệu, gia đình Giáo sư Nguyễn Đăng Thục (1909-1999) đã trao tặng thư viện toàn bộ kho sách của ông và để tri ân, thư viện cũng lập ra những tủ sách tư nhân mang tên người tặng.

Sau khi nhận được sách tặng, phòng đọc sẽ tiến hành phân loại. Đối với những đầu sách mà thư viện chưa có thì sẽ làm mã đưa lên kệ phục vụ bạn đọc, còn những tựa sách dư, thư viện sẽ lưu lại để tổ chức các đợt tặng sách nhằm đưa các quyển sách đến tay những bạn đọc cần. Tuy vậy, điều thú vị như Thầy Thích Không Hạnh cho biết, Thư viện Huệ Quang từ lâu đã định hướng hoạt động theo mô hình thư viện điện tử Phật giáo.

Do đó, bên cạnh việc sưu tầm, bổ sung tư liệu, thư viện đã số hóa nhiều hạng mục tiến tới số hóa toàn bộ, nhất là mảng sách, báo Hán Nôm, xây dựng đội ngũ số hóa, điều hành trang web và ảnh ấn những đầu sách đã được số hóa theo đúng bản gốc. Chẳng hạn như sau khi được số hóa, tư liệu Hán Nôm sẽ được in lại trên chất liệu giấy dó, may theo lối cổ, quét cậy và nước củ nâu ở mép sách để bảo quản.

Vì thế, ngoài phòng đọc, Thư viện Huệ Quang còn có những phòng chức năng khác như phòng phục chế hay phòng chế bản, trong đó phòng phục chế có nhiệm vụ tu sửa tư liệu gốc, đóng sách nghệ thuật và phục chế tư liệu Hán Nôm theo lối cổ; phòng chế bản có nhiệm vụ ảnh ấn và số hóa tư liệu.

Điểm chung giữa các phòng chức năng là đều nhằm đa dạng hình thức bảo tồn, thêm hình thức tư liệu đến với bạn đọc và cũng là để tạo kinh phí bổ sung sách, duy trì hoạt động trong thư viện. Nhờ đó, ở thư quán của Thư viện Huệ Quang, chúng tôi có thể nhìn thấy những đầu sách hiếm được ảnh ấn theo nội dung và hình thức gốc, với số lượng chỉ vài chục ấn bản, hay những ấn bản đặc biệt có bìa da rất đẹp theo lối châu Âu, in chữ mạ vàng, ép kim, cạnh sách được trang trí bằng kỹ thuật thủy ấn.

Thậm chí, như Thầy Thích Không Hạnh chia sẻ, Thư viện Huệ Quang tự hào đã đi đầu trong việc in sách đẹp, sách đặc biệt thông qua việc hợp tác với nghệ nhân Nguyễn Đức Khuynh, chẳng hạn như năm 2018 xuất bản bộ Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Của (1830-1908) biên soạn và xuất bản cách đây hơn 100 năm.

Tiếp nối người đi trước

Tu viện Huệ Quang do hòa thượng Thích Huệ Hưng khai sơn vào năm 1970. Ban đầu, tu viện chỉ chuyên về thiền. Sau đó, để phù hợp nhu cầu tu học của các lưu học tăng và phật tử trong vùng, việc tu tập ngoài thời khóa tọa thiền còn có tụng kinh trì chú. Khi viên tịch vào năm 1990, hòa thượng có để lại di chúc với ba ước vọng lớn là: Thành lập một lớp hoằng giới, thành lập tu viện chuyên tu và mở lớp huấn luyện trụ trì.

Tầm nhìn giáo dục đó cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị và đã được người kế nhiệm là hòa thượng Thích Minh Cảnh tiếp nối, trong đó có vấn đề đào tạo và dịch thuật Hán Nôm, trong khi Thư viện Huệ Quang ra đời là nhờ vào nguồn sách do hai vị hòa thượng xây dựng với ý nguyện thành lập một thư viện chung để mọi người cùng tham khảo.

Người quản lý Thư viện Huệ Quang hiện nay là Thầy Thích Không Hạnh, một người từng tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Còn cô gái dẫn chúng tôi tham quan thư viện là Lê Thị Ngọc Hà, người đã tốt nghiệp Khoa Sử, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và hiện đang học cao học. Giọng nói nhỏ nhẹ, nhiệt tình và ân cần, cô gái người Long An khiến chúng tôi bất ngờ khi tiết lộ cô đã có ba năm làm việc tại Thư viện Huệ Quang.

Ngọc Hà tâm sự, ngày còn là sinh viên, dù vất vả đi đi lại lại giữa Long An và Thành phố Hồ Chí Minh, cô vẫn quyết định ứng tuyển vào Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang và hiện nay, cô chịu trách nhiệm quản lý phòng đọc. Mất một thời gian để làm quen với các thuật ngữ trong Phật giáo, chuyên ngành Hán Nôm, còn nhiều bỡ ngỡ khi phân loại tư liệu nội điển, cô gái 25 tuổi này giờ đã biết tư liệu nào thuộc thể loại giáo lý, văn học Phật giáo, kinh giảng, khất sĩ, kinh, kỷ yếu, luận, luật, mật tông, ngữ lục... Hay chỉ cần bạn đọc tìm tư liệu thuộc danh mục gì, cô sẽ biết nó nằm ở tủ sách nào, vị trí nào.

Tuy vậy, nghĩ đến việc chỉ có hai người như Ngọc Hà ở phòng đọc và một số tình nguyện viên giúp đỡ, việc phân loại sách, báo, làm mã đưa lên kệ hay chỉ đơn giản là công tác bảo quản sách chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian và công sức. Vì thế, hơn một nửa số sách mà thư viện sưu tầm và bạn đọc trao tặng vẫn chưa được làm mã.

Đó là chưa kể những công việc liên quan cần phải làm như xử lý thuốc mối định kỳ cho các phòng, trong khi ở những tủ và kệ sách, họ dùng các gói tiêu sọ do thư viện tự mua và may thành từng gói, còn những đầu sách hiếm hay báo, tạp chí phải được cất trong túi ni-lông.

Và không riêng gì phòng đọc, việc số hóa các đầu sách của thư viện cũng không thể diễn ra nhanh, hiện mới làm được khoảng 500 đầu sách, do không đủ người, cơ sở vật chất thiếu thốn. Mặc dù thế, trong 15 năm hoạt động, các hòa thượng, cư sĩ, thầy giáo, cô giáo, sinh viên... đã nỗ lực xây dựng Thư viện Huệ Quang trở thành thư viện Phật giáo lớn nhất Việt Nam, đưa Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang trở thành một địa chỉ nghiên cứu, đào tạo về chuyên ngành Hán Nôm hàng đầu.

Để thấy rõ hơn, năm 1994, Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang đã bắt tay vào biên soạn bộ Từ điển Phật học Huệ Quang sau khi khóa đầu tiên hoàn thành lớp cao cấp luyện dịch Hán Nôm. Tám tập của bộ từ điển được hoàn thành vào năm 2007, dày 7.260 trang với hơn 23.000 mục từ. Hay qua sáu năm từ 1998 đến 2004, Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang cho ra mắt ấn phẩm Suối Nguồn do Hòa thượng Thích Minh Cảnh chủ biên, Thầy Thích Nguyên Hiền biên tập; một số tác phẩm như: Kinh Đại thừa Vô Lượng Thọ trang nghiêm thanh tịnh bình đẳng giác, Công đức niệm Phật, Tại sao phải làm Phật sự, Luận tịnh độ... Ấn tượng không kém là năm 2007, Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang triển khai chương trình phiên dịch Đại tạng kinh từ Hán sang Việt và dự kiến tiến hành trong 20 năm.

Hoặc theo thống kê của Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang trong những năm đầu thì từ 1998 đến 2011, trung tâm đã tổ chức được chín khóa luyện dịch Hán Nôm. Số học viên thi vào lên đến hàng nghìn người nhưng số lượng tốt nghiệp chỉ khoảng 100 và số người gắn bó với công việc này cũng chỉ không quá 1/3 số người đã tốt nghiệp...

Phải nói rằng, bên cạnh việc phát triển nguồn tư liệu rộng nhưng có định hướng về sách Hán Nôm, sách Phật giáo, báo chí-kỷ yếu Phật giáo… thông qua Thư viện Huệ Quang, công việc giáo dục và đào tạo cũng là chủ đề xuyên suốt của Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang, đúng như những gì hai vị hòa thượng đi trước là Thích Huệ Hưng và Thích Minh Cảnh mong muốn về việc lấp đầy khoảng trống giáo dục mà Phật giáo bỏ ngỏ.

Vẫn biết mục đích của thư viện nào là cũng giống nhau ở chỗ sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị của tư liệu nhưng mỗi thư viện do đặc điểm riêng sẽ có thêm những mục đích khác. Ở Thư viện Huệ Quang còn liên quan đến Hán Nôm và Phật giáo nhưng như Thầy Thích Không Hạnh cho biết thêm, con đường chung vẫn là lan tỏa văn hóa đọc. Vì thế, Thư viện Huệ Quang sẽ cố gắng hài hòa giữa mục đích phục vụ Phật giáo và cộng đồng, nhất là khi nhiều người chưa biết đến nguồn tư liệu giá trị, phong phú tại đây.

Khó khăn là vậy, sức tới đâu làm tới đó nhưng trừ giai đoạn đại dịch Covid-19, Thư viện Huệ Quang vẫn duy trì hoạt động mà không bỏ, khung thời gian phục vụ vẫn là từ 7 giờ sáng đến 8 giờ tối. Thậm chí, chỉ cần một người lâu lâu đến thư viện tra cứu được tư liệu họ cần thì vai trò của tư liệu xem như đã phát huy tác dụng.

Suy nghĩ đó của Thầy Thích Không Hạnh có lẽ cũng là niềm vui của những người làm công tác liên quan đến sách, thư viện bởi nếu chỉ vì vấn đề kinh tế thì sẽ không có những cư sĩ, cô giáo đã gắn bó với Tu viện Huệ Quang hay Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang hơn 20 năm qua. Và nói như Thầy Thích Không Hạnh thì trong những chặng đường Tu viện Huệ Quang đi qua, bên cạnh công sức từ bên trong, bên ngoài có thể thấy còn có những đóng góp lặng lẽ từ xa, âm thầm ẩn kín. Tất cả đều vì công tác bảo tồn và phát huy vốn cổ văn hóa dân tộc, đúng như chủ trương của Thư viện Huệ Quang là "Gìn giữ nét xưa, phát huy vốn cũ"

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục