Hoạt động kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam

Hướng tới kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 68 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong tháng 5, tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc, thu hút du khách.

Một trong số các sự kiện chính là “Xúc cảm tháng Năm - Nhớ Bác”, tổ chức cho đồng bào các dân tộc tại Làng viếng Lăng Bác, tìm hiểu về cuộc đời của Bác. Ngoài ra còn có các chương trình kể chuyện, đọc chuyện cho nhau nghe về Bác Hồ tại các cụm các dân tộc phía bắc, cụm Tây Nguyên, cụm Nam Bộ… 

Cùng với đó, còn có chương trình “Thương nhớ áo chàm” của đồng bào hoạt động hằng ngày tại Làng gồm giao lưu văn hóa, văn nghệ với các tiết mục dân ca dân vũ của đồng bào dân tộc Tày, Nùng hát về Bác với những làn điệu sli, lượn, đàn tính, hát Then, tiếng tính tẩu gợi nhớ một không gian Việt Bắc cùng áo chàm thân thương hướng về Bác kính yêu. 

Trong khuôn khổ các hoạt động tháng 5, còn có Trưng bày hình ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc, trong đó ngoài việc vận động sưu tầm, hiến tặng tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sưu tầm hiến tặng tư liệu, hiện vật, hình ảnh vật dụng sinh hoạt, những sáng tác văn học - nghệ thuật, câu chuyện, bài báo... về Bác Hồ hướng tới kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022). Không gian trưng bày về Bác còn được tiếp tục tăng cường các hình ảnh, câu chuyện của Bác Hồ với đồng bào dân tộc. Đồng thời, Trưng bày cũng kết hợp giữa hình ảnh, âm thanh tạo không gian giới thiệu sinh động tới du khách.

Một số đồng bào (là những người lính Trường Sơn, những người con mang họ Hồ) đã từng gặp Bác, sưu tầm những hình ảnh, hiện vật và lưu giữ những câu chuyện về Bác cũng sẽ được mời đến để chia sẻ với đồng bào và khách du lịch tại Làng.

Cũng trong tháng 5, các hoạt động tại Làng còn có Lễ Phật đản tại chùa Khmer, ngôi chùa Khmer thứ 454 và cũng là ngôi chùa duy nhất theo Phật giáo Nam tông giữa lòng Hà Nội, góp phần quảng bá với du khách trong nước và quốc tế về văn hóa tôn giáo, tinh thần đoàn kết của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Ngoài ra, tại Làng vẫn có các hoạt động hằng tuần, trải nghiệm nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của các dân tộc như múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, nghệ thuật hát Then, đàn Tính, các điệu múa chuông, múa rùa, hát Ay ray, loại hình kịch Rôbăm, các điệu múa Rom vông, Lâm lêu, Xazavan… Du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian như ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đi cầu kiều, đánh yến, tó má lẹ... Đồng bào các dân tộc cũng sẵn sàng phục vụ du khách ẩm thực đặc sắc của dân tộc mình như xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu… của dân tộc Mường; mật ong rừng, phấn hoa, cà-phê, ca-cao… của dân tộc Ê Đê; khau nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi… của dân tộc Tày, Nùng; cá nướng, gà nướng, xôi màu… của dân tộc Thái. 

Đặc biệt, trong dịp này, du khách còn được trải nghiệm hoạt động tương tác tại một trong các làng dân tộc được luân phiên nhau theo các cụm tuyến điểm: Tày (bánh dày tím), Dao (bánh rợm), Nùng (bánh gai),  Mường (bánh uôi), Thái (xôi màu), Tà Ôi (bánh a quát - bánh tình yêu) Xơ Đăng (bánh ốc sên), Ê Đê (tìm hiểu về quy trình làm bột cà-phê), Khmer (bánh tét)… Du khách sẽ được nghe đồng bào kể những câu chuyện từ những món ăn, trực tiếp thưởng thức thành quả và mang quà về cho gia đình.

Khách đến tham quan Làng trong dịp này cũng được trải nghiệm nhiều nghề thủ công truyền thống như hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc nam…

Bên cạnh đó là các hoạt động hằng ngày, cuối tuần, hội xuân, chương trình du lịch homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Theo BaoNhandan

Tin cùng chuyên mục