Kết nối, nuôi dưỡng mạch nguồn sáng tạo

Năm 2021 đánh dấu 50 năm Ngày thành lập Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (1971 - 2021). Nửa thế kỷ ra đời và phát triển, đặc biệt là trong những năm gần đây, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - VICAS (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) là nhân tố xuất hiện liên tục, thường xuyên với vai trò chủ thể và là cầu nối trong các hoạt động thúc đẩy văn hóa, sáng tạo.

Với chức năng nghiên cứu, triển khai hoạt động khoa học và đào tạo sau đại học về văn hóa nghệ thuật, VICAS đã có những bước đi gắn bó chặt chẽ giữa khoa học và thực tiễn, nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng như góp tiếng nói quan trọng khẳng định rõ nét đường lối phát triển văn hóa của đất nước.

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã phối hợp tích cực với Thành phố Hà Nội trong việc thực hiện Hồ sơ ứng cử Thành phố sáng tạo của UNESCO thuộc lĩnh vực thiết kế (ảnh có tính minh họa). Ảnh: Trần Yên

Một thuở ban đầu

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, tiền thân là Viện Nghệ thuật Việt Nam, được thành lập năm 1971, qua các lần đổi tên như Viện Lý luận và Lịch sử Nghệ thuật, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật..., vẫn kiên định mục tiêu lấy nghiên cứu khoa học, tư vấn làm trọng tâm và đào tạo sau đại học làm nòng cốt để góp phần vào sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam nói riêng, cũng như cả nước nói chung.

Nhớ lại thuở ban đầu, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định: Trong những ngày gian khổ, ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Viện đã nhanh chóng đi vào quỹ đạo của một cơ quan nghiên cứu khoa học. Thật vậy, lực lượng nhà khoa học mà Viện thu hút và tập hợp trong suốt 50 năm qua là minh chứng sống động cho chặng đường lao động cống hiến của VICAS. Trong đó có những tấm gương tiêu biểu như nhà lý luận Hà Xuân Trường được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; GS.NGND Trần Đình Thọ, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, TSKH Phan Hồng Giang được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Đến nay, gần 100 cán bộ, nghiên cứu viên, người lao động của VICAS đang kế thừa bước đi và tâm huyết của những người đi trước, thể hiện qua khối lượng công việc đồ sộ đã, đang được hoàn thành và có tác động trực tiếp tới sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.

Trổ những mùa vàng

Với riêng Thủ đô Hà Nội, nhắc đến VICAS là nhắc đến đơn vị đã phối hợp tích cực với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Sở Văn hóa và Thể thao trong việc thực hiện hồ sơ Hà Nội ứng cử Thành phố sáng tạo của UNESCO thuộc lĩnh vực thiết kế, giúp Thủ đô chính thức gia nhập mạng lưới này vào ngày 30-10-2019.

Đóng góp của VICAS vừa là trách nhiệm nhưng cũng là niềm tự hào của một đơn vị nằm trong danh sách 41 Viện quốc gia đầu ngành theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trước những đòi hỏi phát triển văn hóa ngày càng mạnh mẽ.

Để có được những thành quả cụ thể như vậy, phải nhắc đến thành tựu nghiên cứu khoa học của VICAS như một cơ sở, nền tảng cho các hoạt động tư vấn của đơn vị.

Trong chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, Viện đã thực hiện được 9 đề tài, trong đó có nhiều đề tài tiêu biểu. Cụ thể, đề tài “Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 9-6-2014 về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước". Đề tài “Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế” phục vụ trực tiếp cho quá trình thực hiện xây dựng các chiến lược quốc gia về phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Phía sau những bước đi chiến lược của văn hóa nước nhà, có thể thấy rõ dấu ấn các nhà khoa học của VICAS. “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030” mà Viện tham gia xây dựng được Chính phủ phê duyệt năm 2016. Mới đây nhất, tháng 11-2021, Viện tham gia xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030".

Trong số 12 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận, VICAS góp sức xây dựng thành công 7 Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, mới nhất là năm 2016 với hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

Cùng với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cơ bản, có thể không nhiều người biết VICAS còn là địa chỉ sưu tầm, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam với kho dữ liệu đồ sộ về hàng nghìn di sản được lưu trữ tại Trung tâm Dữ liệu di sản văn hóa của Viện. Trong đó có hơn 5.000 phút phim tư liệu, hơn 90.000 ảnh tư liệu và hơn 60.000 trang báo cáo khoa học về các dữ liệu di sản văn hóa. Công việc số hóa dữ liệu tiến hành từ năm 2017 từ nhiều nguồn kinh phí.

Đi tiếp chặng đường thúc đẩy văn hóa, sáng tạo

Trước thềm 50 năm ngày thành lập, ngay trong bộn bề nhiệm vụ chuẩn bị cho Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 - diễn ra cuối tháng 11, VICAS đã kịp ra mắt IchLinks - nền tảng trực tuyến “Phát triển cơ sở dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể và nội dung số ở Việt Nam”. IchLinks giúp các nhà nghiên cứu, người thực hành, nhà hoạch định chính sách và công chúng quan tâm có thể dễ dàng tìm kiếm nhiều nội dung về di sản văn hóa phi vật thể từ ngân hàng dữ liệu đồ sộ của Viện với sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật số. Từ đây hứa hẹn nhiều hoạt động hợp tác, quảng bá di sản văn hóa, phục vụ phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo. Đây là kết quả hợp tác của VICAS với Trung tâm mạng lưới và thông tin quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dưới sự bảo trợ của UNESCO (ICHCAP).

Trên cơ sở những bước đi và thành tựu cụ thể nói trên, từ nay đến năm 2030, hướng phát triển của VICAS vẫn là tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu những vấn đề chiến lược, phát triển văn hóa, tham mưu cho Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoạch định chính sách, quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật...; nghiên cứu cơ bản những vấn đề lý luận, lịch sử, văn hóa, gia đình, công nghiệp văn hóa, sức mạnh mềm văn hóa..., đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Nhiều người còn nhớ đến những hoạt động của VICAS cùng Hội đồng Anh trong việc đồng hành cùng các nghệ sĩ sáng tạo Việt Nam qua dự án “Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam” từ tháng 6-2018. Tại buổi tổng kết dự án này, đạo diễn Phan Đăng Di, người sáng lập không gian “Gặp gỡ mùa Thu” - kết nối các cá nhân trong giới làm phim tại Việt Nam, đã gọi việc tham gia tích cực từ đầu của VICAS là sự lắng nghe có hệ thống giữa một cơ quan đại diện Nhà nước với những không gian văn hóa ngoài công lập.

Chặng đường phía trước với VICAS là chặng đường dài đồng hành cùng đất nước với nhiệm vụ quan trọng trên một mặt trận đặc biệt - mặt trận văn hóa. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã xác định rõ sẽ tiếp tục khẳng định vị thế là đơn vị nghiên cứu hàng đầu về chiến lược, chính sách phát triển văn hóa nghệ thuật quốc gia; là đối tác tin cậy của các tổ chức khoa học, các trường đại học trong nước và quốc tế; ngày càng có nhiều đóng góp cho sự phát triển văn hóa của các cộng đồng, địa phương.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục