“Lá đơn thứ 72” - vở diễn xúc động về hình tượng Bác Hồ

Những ngày đầu tháng 5, trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022), sân khấu kịch Lệ Ngọc đã kịp hoàn thành dàn dựng và ra mắt vở diễn “Lá đơn thứ 72”. Vở diễn mang đến nhiều xúc cảm cho người xem khi xây dựng thành công hình tượng Bác Hồ - vị Cha già kính yêu của dân tộc cùng những bài học ý nghĩa về công tác xây dựng Đảng, chăm lo đời sống nhân dân.

“Lá đơn thứ 72” được dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả Hoàng Thanh Du, với sự kết hợp đặc biệt của NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trong vai trò đạo diễn và NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong vai trò thiết kế sân khấu.

Vở diễn khai thác theo tư liệu có thật của Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ - nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, người đã tham gia giải mã nhiều vụ án oan sai. Trong đó có vụ án của ông Đỗ Văn Chồi - một đảng viên từng là cán bộ địa phương đã phải lĩnh án vì tội danh giết người. Trong suốt 8 năm ở trại cải tạo, ông Chồi liên tục gửi hơn 70 lá đơn kêu oan. Và đến lá đơn thứ 72, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được, vụ án mới được lật lại.

Lúc bấy giờ, khoảng năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký của Người chuyển đến Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao một lá đơn kêu oan của ông Đỗ Văn Chồi với lời nhắn: “Bác không hài lòng với lối làm việc cứ đùn đẩy cho nhau. Người ta đã gửi tới 70 lá đơn mà không cơ quan nào đứng ra giải quyết dứt điểm. Bác yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phải giải quyết việc này rồi báo cáo kết quả cho Bác biết”. Từ đó, án oan được điều tra lại và ông Chồi được minh oan.

Vở diễn khắc họa đậm nét hình tượng Bác Hồ.

Khi chuyển tải kịch bản, tác giả Hoàng Thanh Du đã đổi tên nguyên mẫu Đỗ Văn Chồi thành Đỗ Minh với thân phận phạm nhân 003. Dù phải chịu oan sai uất ức nhưng ông vẫn không tuyệt vọng, kể cả khi hàng chục lá đơn của ông gửi đi chỉ nhận về những dòng hồi âm ngắn ngủi: Án xử đúng, nên yên tâm cải tạo.

Trong những lá đơn, ông Đỗ Minh không xin giảm án mà chỉ mong được minh oan. Ông cũng luôn chấp hành nghiêm kỷ luật, chỉ tiêu lao động. Thậm chí hằng tháng, ông vẫn tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của người Đảng viên, để dành ít tiền của mình để đóng Đảng phí bởi ông tin vào Đảng, tin vụ án của mình sẽ được làm sáng tỏ. Trại không nhận, ông tự nguyện bỏ tiền hằng tháng vào ống nứa để chờ ngày ra tù nộp Đảng phí. Đây là chi tiết “đắt” được khai thác trong vở diễn và cũng chính niềm tin mãnh liệt vào Đảng của ông, vào Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp ông tìm lại công lý.

Vốn là một đạo diễn lão làng trong lĩnh vực sân khấu tuồng, khi "bước chân" sang sân khấu kịch, NSND Lê Tiến Thọ đã khiến nhiều người bất ngờ với lối dàn dựng chỉn chu, kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Tính cách, số phận của các nhân vật, dù chỉ là nhân vật phụ cũng đều hiện lên rõ nét. Đặc biệt, vượt qua những thách thức trong thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, đạo diễn đã lựa chọn những chi tiết, lát cắt tiêu biểu nhất để làm nổi bật phong cách giản dị, lối sống thân tình, gần gũi và luôn hết lòng vì dân, quan tâm tới cả những người yếu thế nhất.

Có nhiều chi tiết khiến người xem không khỏi rưng rưng: ấy là cảnh Bác Hồ đi vi hành chứng kiến nỗi khổ của dân, cảnh Người phê bình cấp dưới nhẹ nhàng mà thấm thía và hình ảnh Bác Hồ dang rộng vòng tay ôm các cháu thiếu nhi vào lòng… Để rồi từ đây, người xem được cảm nhận sâu sắc hơn tư tưởng, tấm lòng, mong muốn của Bác Hồ về một đất nước độc lập, tự do, người dân được ấm no, hạnh phúc.

Bên cạnh đó, cũng cần đề cập đến những sáng tạo ấn tượng trong lối thiết kế sân khấu đậm tính tượng trưng ước lệ. Thể hiện một vở diễn chuyển tải phong cách giản dị, gần gũi của Bác Hồ nên NSND Vương Duy Biên không lựa chọn lối thiết kế rườm rà mà chỉ sử dụng những tấm pano có thể ghép nối linh hoạt để tạo ra những không gian mở đầy biến hóa, khi là phòng làm việc của Bác, khi là viện kiểm sát, trại giam, phố phường.

Làm nên thành công của vở diễn, không thể không kể đến diễn xuất sắc sảo, tròn vai của đội ngũ diễn viên như: NSND Lệ Ngọc (vợ Đỗ Minh), nghệ sĩ Anh Tuấn (Đỗ Minh), NSƯT Hoàng Tùng (Vũ Kỳ), nghệ sĩ Hán Huy Bách (Viện trưởng Viện Kiểm sát), nghệ sĩ Lâm Cương, Công Phùng (cán bộ điều tra)… Nhất là sự vào vai khá “ngọt” của nghệ sĩ Văn Hải khi thể hiện hình tượng Bác Hồ với sự dụng công nghiên cứu ở cả tạo hình, hóa trang, động tác, cách thoại.

Dù khai thác dựa trên những tư liệu về vụ án đã diễn ra cách đây hơn 50 năm nhưng “Lá đơn thứ 72” vẫn vẹn nguyên những giá trị thời sự. Sự xuất hiện của một vở diễn có sức nặng về đề tài chính luận thêm lần nữa cũng cho thấy sự mạnh dạn, quyết tâm đầu tư cho những sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao của một đơn vị sân khấu xã hội hóa năng động hàng đầu miền bắc.

Theo BaoNhandan

Tin cùng chuyên mục