Nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên ''mặt trận'' chống dịch: ''Khoảng lặng vàng''

Sân khấu đóng cửa, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật “đóng băng” trong giãn cách xã hội để phòng dịch. Nhưng dưới “lớp băng” ấy, người ta vẫn thấy được nhịp điệu sôi nổi của hoạt động sáng tạo cá nhân, từ sáng tác, luyện tập lẫn mày mò tìm cách đưa tác phẩm đến với công chúng..., cho thấy tình yêu nghề và trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ.

Gác lại nhiều dự định

Mặc quần áo đẹp, khẩu trang 3 lớp, hăng hái ra ngoài đường chỉ để đi... đổ rác - Nghệ sĩ Nhân dân Tuấn Hải tếu táo như vậy về “cảm giác được đi làm việc duy nhất trong ngày” khiến nhiều bạn bè trên facebook của anh bật cười.

Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, một đạo diễn năng động, say nghề như nghệ sĩ Tuấn Hải không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng. Anh chia sẻ: “Gần hai năm qua, dịch Covid-19 hoành hành làm ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của giới sân khấu. Cụ thể là các nhà hát, các đoàn nghệ thuật không thể sáng đèn, khán giả không thể đến rạp, sự tương tác giữa người biểu diễn và người thưởng thức không còn... Những chương trình đang thực hiện phải dừng lại, những vở diễn đang dàn dựng dở dang đành cất đấy... Tuấn Hải cũng vậy. Rạp hát dừng biểu diễn, sàn sân khấu dừng tập luyện, vì thế tất cả chương trình nghệ thuật mà Tuấn Hải đang thực hiện cũng đành xếp lại. Đó là Hội thi toàn quân của lực lượng Quân đội nhân dân, Hội diễn toàn quốc của lực lượng Công an nhân dân (Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh Phòng cháy chữa cháy). Đặc biệt, vở diễn “Tình mẹ” của Hội Sân khấu Hà Nội vừa khởi động để tham dự Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc cũng tạm thời xếp lại”.

Trong thời gian giãn cách xã hội, họa sĩ Nguyễn Trường Linh tập trung hoàn thiện các tác phẩm hội họa.

Ngày 18-7, họa sĩ Nguyễn Trường Linh thông báo với bạn bè facebook rằng khu vực anh đang ở bị phong tỏa 14 ngày, đến ngày 1-8 thì tiếp tục cách ly do phát sinh ca F0. Với cương vị Trưởng khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, quả thật với anh những ngày này như “ngồi trên đống lửa” bởi ngồi nhà để xử lý khối lượng công việc ngồn ngộn ở trường quả không dễ, nhất là khi năm học cũ chưa kết thúc và năm học mới đã cận kề. Tuy nhiên, do yêu cầu phòng dịch nên với mọi công việc như hướng dẫn thi tốt nghiệp, tuyển sinh..., anh cùng các đồng nghiệp đều phải thực hiện qua hình thức online. Đồng thời, họa sĩ sơn mài nổi tiếng này quyết định dành thời gian cho sáng tác.

Trước đây, cứ vào chiều chủ nhật hằng tuần, hàng chục thành viên của nhóm Ký họa đô thị Hà Nội (Urban Sketchers Hà Nội - USK) lại cùng nhau ngắm phố, vẽ phố và thưởng thức các món ăn đường phố, chất phố đã ngấm vào tinh thần của mọi người. Từ dịp Tết thiếu nhi 1-6, nhóm chuyển sang làm triển lãm online, vẽ cảnh đẹp đường phố, cuộc sống quanh mình, tri ân đội ngũ y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch...

Ở nhà nhưng không ngồi im

Thực hiện nghiêm quy định về giãn cách xã hội, các nghệ sĩ đã hướng năng lượng của mình vào hoạt động sáng tạo cá nhân trong khoảng "thời gian vàng" mà giãn cách xã hội vô tình mang lại. 

Từ thành phố Hồ Chí Minh, nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm chia sẻ, giãn cách là dịp để trở về với nghiên cứu cơ bản - nền tảng cho những sáng tạo sắp tới. Đây cũng là thời gian lý tưởng để nhìn lại những gì đã làm, sắp xếp và chuẩn bị cho những dự án nghệ thuật mới. “Dạo” một vòng trên trang facebook cá nhân của một số họa sĩ, thấy họ đều ở trong tâm thế ấy. Với tâm niệm “tiếp tục vẽ, làm việc để hướng tới những ngày tươi đẹp”, họa sĩ Nguyễn Trường Linh đang dốc sức hoàn thiện bức sơn mài khổ lớn có tên gọi “Trong tâm dịch”, đồng thời thực hiện một số phác thảo cho các dự án sắp tới. Họa sĩ, đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên say sưa hoàn thiện tác phẩm tượng Trần Hưng Đạo sau giờ trực ở cơ quan. Họa sĩ Thành Chương cũng vừa giới thiệu trên trang cá nhân bức “Về quê” mà nhiều người xem nhận ra bóng dáng của những câu chuyện, con người trong những chuyến hồi hương tránh dịch. Các thành viên của nhóm Ký họa đô thị Hà Nội cũng đang say sưa với thử thách về các món ăn Hà Nội sinh động, đầy màu sắc.

Kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy, Trưởng nhóm USK chia sẻ: “Cũng như đợt giãn cách năm 2020, lần này nhóm Ký họa đô thị Hà Nội tiếp tục tổ chức vẽ và triển lãm online. Chúng tôi mời các thành viên trong nhóm và bạn bè gần xa cùng tham gia vẽ các món ăn, quán ăn ngon trên phố cổ Hà Nội. Những bức vẽ chất lượng sẽ được tuyển chọn để in trong cuốn sách sắp xuất bản của nhóm về ẩm thực phố cổ Hà Nội”.

Nghỉ ở nhà nhưng bận chẳng khác đi làm, đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Tuấn Hải vẫn xử lý công việc bằng hình thức online. Anh chia sẻ: “Trong thời gian giãn cách ở nhà, chúng tôi vẫn tiếp tục trau chuốt cho các tác phẩm của mình, tính toán kỹ càng ý tưởng cho từng tiết mục, chuẩn bị chu đáo các phần hỗ trợ khác như âm nhạc, trang trí, đạo cụ... Đặc biệt là làm việc online với diễn viên của vở diễn, phân tích kịch bản từng cảnh, từng nhân vật, nói rõ ý đồ dàn dựng... để sẵn sàng hoạt động khi chấm dứt lệnh giãn cách. Như vậy để thấy các nghệ sĩ của Hà Nội dù ở nhà nhưng vẫn chủ động, sẵn sàng "xung trận”.

Mang đến sự lạc quan cho công chúng

Chính lao động nghệ thuật thầm lặng của nghệ sĩ cũng là thông điệp truyền cảm hứng lạc quan đến công chúng. Về lý do liên tục đưa ra những thử thách vẽ cho nhóm của mình, kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy cho biết: “Trong thời gian giãn cách, chúng tôi động viên nhau tiếp tục vẽ, lan tỏa nghệ thuật bằng nỗi nhớ, bằng tình yêu Hà Nội. Thông qua các hoạt động vẽ và triển lãm online, chúng tôi mong muốn lan tỏa năng lượng, tiếp thêm vitamin tích cực, cổ vũ chính mình và cộng đồng có lối sống lành mạnh, an toàn, khỏe về thể chất và tinh thần nhằm tăng thêm sức đề kháng chống lại dịch bệnh”.

Sôi nổi và có sức lan tỏa mạnh đến công chúng, không thể không kể tới các sáng tác trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn được thực hiện bởi cá nhân nghệ sĩ. Nhận định về “bức tranh” đời sống nghệ thuật cá nhân trong những ngày giãn cách, Nghệ sĩ nhân dân Tuấn Hải cho biết: “Sân khấu không thể hoạt động nhưng các nghệ sĩ của Hà Nội không chịu ngồi yên. Vì nhớ nghề, nhớ khán giả, nhớ sân khấu và cái quan trọng nhất là được biểu diễn. Nhiều người đã sáng tác ca khúc để động viên tinh thần chống dịch. Giờ đã thành một phong trào sáng tác và biểu diễn tiết mục ca ngợi những người ở tuyến đầu chống dịch, những bác sĩ, cán bộ chiến sĩ công an, quân đội; động viên nhân dân giữ vững tinh thần phòng, chống dịch.

Các tiết mục này được thể hiện bằng nhiều hình thức nghệ thuật như chèo, cải lương, dân ca, quan họ Bắc Ninh... Các nghệ sĩ đã thực hiện những clip có chất lượng về âm thanh và hình ảnh, có những MV được đầu tư kỹ lưỡng, chất lượng cao... Đặc biệt, trước thông tin Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam sẽ trao giải cho các tiết mục xuất sắc, các nghệ sĩ càng phấn khởi và nô nức tham gia hưởng ứng, đăng tải trên trang của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Hội Sân khấu Hà Nội. Họ vẫn tìm cách tiếp cận khán giả để truyền đi thông điệp của mình, truyền đi tình yêu nghệ thuật và mong ước mau chóng dẹp tan dịch bệnh...”.

Tận dụng thời gian giãn cách xã hội để tập trung cho các hoạt động cá nhân hay gia đình là cách mà người Hà Nội thích nghi dần với những đòi hỏi của công tác phòng, chống dịch Covid-19. Và, những người nghệ sĩ cũng đã tận dụng tốt thời gian này, coi đó như một “khoảng lặng vàng” cần thiết để tĩnh lại, để kết nối sâu hơn với công chúng, và trên hết là để lan tỏa thông điệp đẹp mà lao động sáng tạo nghệ thuật xưa nay luôn hướng tới, đó là niềm tin yêu, sự lạc quan vào cuộc sống!

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục