Nghệ sĩ nhân dân Thế Dân: Bền bỉ truyền lửa tình yêu âm nhạc truyền thống

Nhắc đến đàn nhị, người ta thường liên tưởng đến âm thanh não nề, ai oán, một nhạc cụ thường được sử dụng trong các đám hiếu và khá lạc lõng với nhịp sống hiện đại. Nhưng với Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Thế Dân, đàn nhị luôn có vị trí đặc biệt bởi nó diễn tả tâm trạng, tình cảm con người đa dạng nhất, âm thanh của đàn nhị trữ tình, sâu lắng, không thua kém bất cứ loại nhạc cụ nào, kể cả khi đứng trong giàn nhạc giao hưởng.

Gần nửa thế kỷ qua ông đã dành trọn tâm huyết cho cây đàn này với mong muốn tôn vinh, đưa tiếng đàn nhị dân tộc ra thế giới...

1. NSDN Thế Dân bảo rằng ông may mắn khi được sinh ra trong một gia đình “có gen nghệ thuật”. Cha ông là diễn viên tuồng gạo cội của đoàn tuồng Thanh Quảng, còn mẹ ông được mệnh danh là “bà cả” của Đoàn chèo Thanh Hóa. Anh cả theo nghiệp hát chèo của mẹ, anh hai Nguyễn Thiếu Hoa hiện là NSND chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, anh thứ ba theo học mỹ thuật, anh thứ tư NSƯT Nguyễn Mạnh Đức hiện theo nghề hát tuồng của cha...

Cha mẹ đều là nghệ sĩ nên cả tuổi thơ của ông là những tháng ngày biền biệt vắng mẹ, vắng cha bởi hai người phải "đi biểu diễn quanh năm suốt tháng, hết huyện nọ đến xã kia” như lời ông nói. Mãi đến khi ông học lớp 5, cha ông về hưu và nhận lời giảng dạy tại Trường Văn hóa nghệ thuật âm nhạc Thanh Hóa, ông mới có cơ hội tiếp xúc với cha nhiều hơn. Chứng kiến cha dạy học trò, nghe cha hát... rồi giai điệu của âm nhạc dân tộc cứ thế ngấm vào ông lúc nào chẳng hay. Năm 14 tuổi, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) về các tỉnh để tuyển học sinh, khi về Thanh Hóa, thầy Đức Tùy đã phát hiện ra Thế Dân và lập tức chọn ông ngay sau phần thử năng khiếu. Và thế là chưa đầy 15 tuổi ông khăn gói lên Hà Nội, bắt đầu con đường gắn kết với âm nhạc truyền thống.

NSND Thế Dân với cây đàn nhị độc đáo của mình.

Kể về những ngày đầu đầy ngây ngô của mình với cây đàn nhị, nghệ sĩ Thế Dân bảo: “Hồi ấy nhà trường phân cho học bộ môn nhạc cụ nào thì học bộ môn nhạc cụ đó chứ không được lựa chọn như bây giờ, nên ấn tượng ban đầu với cây đàn nhị bình thường lắm. Chỉ biết nó là một nhạc cụ của dân tộc mình, vậy thôi”. Mãi về sau này, khi được học về nhạc lý, được cảm thụ cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân tộc, nắn nót từng ngón đàn, ông mới thấy đàn nhị có một thanh âm thật đặc biệt.

Chọn rồi mới yêu, nhưng khi đã yêu rồi thì ông kiên định theo con đường của mình, bỏ ngoài tai mọi lời chê bai của người đời rằng “cái đàn ấy chuyên kéo trong đám ma”, rằng nếu cứ tiếp tục thì tương lai không mấy sáng sủa... Lạc quan hơn, ông cho rằng nhạc cụ nói chung và đàn nhị nói riêng không có lỗi, mà lỗi ở người chơi đàn không biết cách làm cho nó hay lên, nâng tầm được vị trí của nó trong lòng người yêu âm nhạc. Nghĩ là làm, ông mày mò cải tiến, bóc ra ghép lại, mỗi năm cải tiến một chút, sau mấy chục năm ông mới hài lòng với thiết kế của cây đàn nhị bây giờ.

Không dừng lại với thiết kế của cây đàn nhị thông thường, ông sáng chế ra chiếc đàn nhị từ tre đằng ngà, loại cây mang tính biểu trưng cho dân tộc Việt Nam. Chiếc đàn gồm hai phần, có thể tháo rời riêng biệt và lắp nối liền với nhau bởi một khớp nối, nhìn giống hình dạng từng đốt của một cây tre đằng ngà. Cùng với cây đàn nhị, đàn “cây tre” đã cùng ông đưa âm nhạc truyền thống của dân tộc đến Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Canada, Thụy Sỹ, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Ấn Độ, Thái Lan...

2. Tham gia biểu diễn một thời gian, NSND Thế Dân nhận thấy, thực tế có quá ít tác phẩm dành cho đàn nhị nói riêng và cho dàn nhạc dân tộc Việt Nam nói chung. Ông luôn trăn trở với việc thiếu vắng này và đã tự học sáng tác, tự học hòa âm, phối khí, chỉ huy dàn nhạc qua băng nhạc, đĩa nhạc và xem nhiều chương trình biểu diễn ở trong và ngoài nước. Rồi ông đã viết một số tác phẩm cho đàn nhị, chuyển soạn, phối khí nhiều tác phẩm độc tấu dành cho các nhạc cụ truyền thống và hòa tấu dàn nhạc dân tộc, tiêu biểu như “Bè xuôi về bến”, “Âm vang núi rừng”, “Nét dạo ngày xuân”, “Ước vọng”, “Hội ngộ mùa xuân...”.

Ông cùng đồng nghiệp nhiều đêm thức trắng nghiên cứu, thử nghiệm để thanh âm của nhạc cụ dân tộc Việt Nam có thể ngân lên, hòa điệu cùng các nhạc cụ phương Tây như piano, violin, cello, contrabass... trong dàn nhạc của thế giới. Tiếng đàn của ông ghi dấu ấn đậm nét qua màn độc tấu nhị “Thăng Long ngàn năm hội ngộ”, “Ước vọng” cũng như khi hợp cùng dàn nhạc giao hưởng quốc tế và dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tại Festival Âm nhạc mới Á - Âu lần thứ II...

Ông còn thể hiện những nhạc phẩm kinh điển, giai điệu nổi tiếng thế giới bằng cây đàn nhị Việt Nam một cách nhuần nhuyễn, đầy sáng tạo, gây được ấn tượng lớn trong lòng người yên nhạc như “Sambario” (nhạc Italia), “Tình ca du mục” (Nga), “Top of the world” (Mỹ), “Hana” (Nhật Bản)...  Hầu hết sáng tác của ông đều đạt giải thưởng, được dùng giảng dạy tại các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp và phát sóng trên truyền hình trong và ngoài nước.

3. Không chỉ vang danh trong lĩnh vực biểu diễn, NSND Thế Dân còn được biết đến là một nhà giáo tâm huyết. Hiện nay, ông là Trưởng bộ môn Đàn nhị và Trưởng bộ môn Hòa tấu dàn nhạc dân tộc, khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Học trò của ông có nhiều người thành danh và có sự nghiệp vững vàng như nghệ sĩ Nguyễn Thu Thủy cùng các thành viên ở ban nhạc “Mặt trời đỏ”, nghệ sĩ Trần Văn Xâm, nghệ sĩ Nguyễn Thành Nhân, nghệ sĩ Thúy Anh (giảng viên đàn nhị Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội)...

Nhiều năm đứng trên bục giảng với trách nhiệm truyền lửa tình yêu âm nhạc truyền thống đến những thế hệ sau, ông luôn tin thế hệ trẻ luôn dành tình yêu cho âm nhạc dân tộc. Ông nhận ra tình yêu ấy sau những cái gật đầu quả quyết của học trò khi ông hỏi họ đã sẵn sàng chưa, ông cảm nhận được tình yêu ấy khi chứng kiến học trò của mình dù bố mẹ có những định hướng khác vẫn một lòng yêu thích và học đàn dân tộc một cách say mê.

Chính vì thế, ông không áp đặt học trò phải làm thế này, phải làm thế kia mà chỉ gợi mở. Ông muốn là tấm gương để học trò nhìn vào, để chúng thấy nếu thực sự yêu âm nhạc dân tộc, hết mình vì nó thì sẽ được đền đáp. Ông luôn tin người Việt Nam vẫn thích nhạc Việt Nam, luôn tin bản sắc của dân tộc Việt Nam không thể mất đi miễn là vẫn còn những người “giơ cao ngọn đuốc”, truyền lửa đam mê âm nhạc dân tộc. Và ông nguyện nếu trời còn cho sức khỏe thì ông sẽ vẫn giương cao ngọn đuốc ấy, dành trọn tâm huyết để gìn giữ và lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt Nam qua tiếng đàn dân tộc.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục