Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Khang: ''Nghệ sĩ là phải cống hiến, không cho phép mình được nghỉ ngơi''

Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Ngọc Khang được công chúng yêu nhạc coi là một trong những nghệ sĩ hát nhạc Nga hay nhất. Sở hữu chất giọng nam cao trong sáng, trữ tình đầy sâu lắng, ông có vinh dự hát cho nhiều nguyên thủ, trong đó có 2 lần hát tặng Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và một lần hát cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.

1. Gặp và trò chuyện với NSƯT Ngọc Khang trong những ngày tháng 11-2021, lẽ tất nhiên chủ đề liên quan luôn là về sự nghiệp biểu diễn, giảng dạy đáng tự hào của ông và đặc biệt không thể thiếu được những kỷ niệm của ông với nước Nga yêu dấu.

Có 7 năm theo học tại xứ sở Bạch dương, với Ngọc Khang, nước Nga không chỉ cho ông kiến thức để trở thành một nghệ sĩ hát thính phòng tài năng mà còn để lại trong ông rất nhiều tình yêu thương. Ông chia sẻ: “Cuối năm 1989, tôi sang Liên Xô học tập sau khi tốt nghiệp xuất sắc Trung cấp Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Kỷ niệm có lẽ không bao giờ quên chính là lần đầu tiên tôi đặt chân đến trường, tôi nghĩ rằng cô giáo sẽ giúp tôi luyện thanh nhưng cô đã dành cả buổi hôm đó để tâm sự, dặn dò như thể tôi là đứa con của bà”.

Sau 7 năm miệt mài, nỗ lực với tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc, Ngọc Khang về nước, công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cho đến nay. Ông đã đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới, được hát cho nhiều nguyên thủ các nước đến Việt Nam, nhưng những lần biểu diễn cho nguyên thủ nước Nga vẫn mang lại cảm xúc thật đặc biệt. Ông đã hai lần hát tặng cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, lần đầu vào năm 2010 khi ông Medvedev sang thăm Việt Nam, lần thứ 2 vào năm 2012 khi ông trở lại Việt Nam trong tư cách là Thủ tướng. Năm 2013, ông lại được chọn để hát cho Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến sang thăm Việt Nam với hai bài hát nổi tiếng của nước Nga là “Nước Nga Tổ quốc tôi” và “Thời thanh niên sôi nổi”.

NSƯT Ngọc Khang được công chúng yêu nhạc đánh giá là một trong những nghệ sĩ hát nhạc Nga hay nhất.

"Khi lời ca cất lên, nhìn Tổng thống Putin đung đưa theo điệu nhạc, tôi thấy một nỗi hạnh phúc trào dâng. Đến khi hát bài thứ hai, đích thân Tổng thống Putin và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên bắt tay, cảm ơn các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình, tôi đã rất xúc động. Được đứng cạnh người mà mình thầm ngưỡng mộ từ lâu, cảm giác như không có ngôn từ nào diễn tả nổi cảm xúc khi đó. Đến đoạn dạo nhạc, tôi quay sang nói với Tổng thống bằng tiếng Nga: "Tôi rất kính trọng và ngưỡng mộ ngài. Tôi xin được chúc ngài mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công thật lớn trong chuyến công tác này". Tổng thống Nga mỉm cười đôn hậu, nói cảm ơn tôi và cảm ơn đã hát về những bài hát truyền thống của nước Nga rất hay. Sự bình dị của một vị nguyên thủ quốc gia khiến tôi lặng đi”, nghệ sĩ Ngọc Khang kể lại.

2. NSƯT Ngọc Khang thường tự hào mình có gen di truyền giọng hát từ người mẹ. Bà vốn chỉ là công nhân bình thường nhưng có giọng hát rất hay. Niềm say mê âm nhạc đến một cách tự nhiên mỗi ngày khiến ông từ yêu thích chuyển thành mê đắm. Ngay từ khi học lớp 5, Ngọc Khang đã theo thầy học guitar và một năm sau đã chơi tốt nhạc cụ này. Ông từng tham gia Đoàn Ca múa tỉnh Nam Định trước khi lên Hà Nội học hệ Trung cấp tại Nhạc viện Hà Nội. Người thầy đầu tiên và có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của Ngọc Khang là Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Quý Dương - một giọng ca thính phòng hàng đầu Việt Nam.

Tên tuổi của Ngọc Khang đã sớm được biết đến khi giành giải nhất cuộc thi "Giọng hát Hà Nội" lần thứ hai với ca khúc “Tùy hứng qua cầu” của nhạc sĩ Trần Tiến vào năm 1989. 10 năm sau (năm 1999), ông được các nghệ sĩ Pháp mời tham gia đóng vai chính trong vở opera “Cuộc sống Paris” trình diễn nhiều đêm tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đó cũng là cơ hội để ông tiếp cận với những nền âm nhạc tiên tiến trên thế giới để hoàn thiện thêm kỹ thuật thanh nhạc của mình. Năm 2000, ông giành Huy chương Vàng Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc với bài hát “Chảy đi sông ơi” của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ông cũng để lại dấu ấn trong các ca khúc về Bác Hồ như “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, “Người là niềm tin tất thắng”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”...

Nhiều người luôn thắc mắc rằng là người được đào tạo về dòng nhạc thính phòng một cách bài bản nhưng Ngọc Khang lại chọn Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam chứ không phải là Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Lý giải điều này, ông cho biết: “Chất giọng của tôi tham gia diễn xuất trong các vở opera là hợp lý nhất, nhưng nước mình có đặc thù khác. Công chúng của dòng nhạc hàn lâm chưa nhiều, nên theo đuổi con đường đó nghệ sĩ sẽ cực kỳ chật vật khi đi tìm khán giả. Tôi nghĩ rằng khi hát được nhạc thính phòng thì bạn sẽ không khó để hát được các dòng nhạc khác. Bởi thế mà hiện tại tôi vẫn hát nhạc nhẹ. Tuy nhiên, khi nhà tổ chức sự kiện mời hát nhạc thính phòng thì tôi vẫn tham gia.

3. Ngoài biểu diễn, NSƯT Ngọc Khang còn tham gia giảng dạy tại hai ngôi trường âm nhạc hàng đầu là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. Một số học trò của ông đã thành danh như NSƯT Ploong Thiết, NSƯT Thanh Bình, ca sĩ Đinh Mạnh Ninh... Theo ông, giảng dạy thanh nhạc đòi hỏi người thầy phải dạy bằng cái tâm, cái đức cộng với tài năng của mình. Nói về người thầy của mình, NSƯT Ploong Thiết (Nhà hát Ca múa nhạc quân đội) cho rằng: “Là lứa học trò thứ 2 của NSƯT Ngọc Khang, tôi cảm nhận rất rõ sự tâm huyết, trách nhiệm với sự nghiệp “trồng người” của thầy. Thầy dạy tôi rất bài bản về các kỹ thuật như luyện thanh, nhả chữ, lấy hơi... Ở thầy có phương pháp dạy học khoa học, giúp chúng tôi có thể hiểu được bài một cách hiệu quả nhất. Kết quả là hiện nay các học trò của thầy trở về các đoàn công tác đều trở thành những đơn ca quan trọng. Thầy cũng là người đầu tiên hướng dẫn tôi về phong cách biểu diễn trên sân khấu làm sao phải thật tự tin và làm chủ được sân khấu”.

NSƯT Ngọc Khang đã tổ chức một số liveshow riêng như “Thời gian và kỷ niệm” (năm 2000), “Khúc tự tình mùa đông” (năm 2001) và đêm nhạc “Khoảng lặng tâm hồn” (năm 2011). Trong đêm nhạc “Khoảng lặng tâm hồn”, ông đã chọn biểu diễn các ca khúc nhạc nhẹ trữ tình sâu lắng, những bài hát "nằm lòng" của công chúng như “Lời hò hẹn cuối cùng”, “Mùa xuân đầu tiên”, “Người Hà Nội” hay “Nước Nga Tổ quốc tôi”... Là ca sĩ nổi tiếng nhưng ông rất thận trọng khi làm liveshow. Ông bảo: “Tôi cần sự chuẩn bị thật chu đáo, kỹ lưỡng. Tôi cũng phải tìm ra một cái mới, những điểm nhấn khác lạ để công chúng không thấy nhàm chán. Tôi không phải người ăn xổi ở thì, được chăng hay chớ...”.

Với NSƯT Ngọc Khang, nghề của ông không có khái niệm nghỉ hưu. Ông lấy ví dụ, những người thầy, người anh của mình như NSND Trần Hiếu, NSND Quang Thọ... vẫn ca hát, vẫn giảng dạy như chưa hề có gánh nặng tuổi tác đè lên vai. Ông quả quyết, nghệ sĩ là phải cống hiến, nghệ sĩ thì không cho phép mình được nghỉ ngơi. Ông cũng dành lời khuyên đến các sinh viên thanh nhạc rằng: “Đến với âm nhạc đôi khi mình phải biết hy sinh. Hãy học thật tốt, cố gắng thật tốt chứ đừng vội nghĩ đến việc kiếm tiền...”.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục