Nghệ sĩ Ưu tú Phú Kiên: Bền bỉ níu giữ những giá trị

Tính tình chân chất, hiền lành nên Nghệ sĩ Ưu tú Phú Kiên (Trưởng đoàn Nghệ thuật truyền thống, Nhà hát Chèo Việt Nam) luôn được các đạo diễn phân những vai chính diện.

Đặc biệt, với khả năng hát, múa và diễn chèo nhuần nhuyễn, anh đã thể hiện thành công nhiều vai diễn trên sân khấu chèo, để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả như vai Bác Hồ trong vở “Những vần thơ thép”, vai Lưu Bình trong vở “Lưu Bình - Dương Lễ”...

1. Biết Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Phú Kiên đã lâu nhưng phải tới những ngày đầu xuân Tân Sửu tôi mới có dịp đến chơi nhà. Căn hộ mà gia đình anh sinh sống nằm trên tầng 2 của khu tập thể Nhà hát Chèo Việt Nam, khiêm nhường, giản dị hệt như con người anh ngoài đời vậy. Anh bảo, mình đã gắn bó với khu tập thể này gần nửa thế kỷ, bởi lẽ dù sinh ra ở quê mẹ - xã Lạc Đạo (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) nhưng mới lên 4 tuổi anh đã theo cha là NSƯT Duy Đính về đây sinh sống, học tập. Trong tâm trí của anh thì cha chính là người thầy lớn, tạo động lực cho anh trên con đường hoạt động nghệ thuật. Ông vốn là một thầy giáo dạy văn hóa nhưng rất mê chèo và đã tự học chèo từ các nghệ nhân, sau này dần trở thành nghệ sĩ kỳ cựu của Nhà hát Chèo Việt Nam.

Dù có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nghệ sĩ trong bầu không khí đậm chất nghệ thuật ở khu văn công Mai Dịch nổi tiếng, tuy nhiên nghệ thuật không phải là con đường mà Phú Kiên lựa chọn từ đầu. Cơ duyên đến với anh vào cuối năm 1985 khi Nhà hát Chèo Việt Nam tuyển sinh lớp diễn viên, nhạc công khóa 5. “Dù không có ý định theo đuổi con đường của cha, thế nhưng do cô em gái An Chinh (nay là NSƯT, công tác tại Phòng Nghệ thuật, Nhà hát Chèo Việt Nam) có năng khiếu âm nhạc, mong muốn dự thi nhưng lại nhút nhát nên cha bảo tôi dự thi để động viên em. Thật không ngờ, hai anh em đều đỗ với số điểm rất cao. Lúc ấy, phần vì thương cha với đồng lương ít ỏi không thể nuôi nổi mình ăn học nếu dự thi các trường khác, phần vì tôi bắt đầu nhận ra tình yêu của mình với nghệ thuật chèo nên quyết tâm nối nghiệp cha. Năm 1990, khi vừa vào nhà hát tôi đã giành Huy chương Bạc với vai hề trong vở “Từ Thức” tại Hội diễn Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc tại Thái Bình. Thành công đó trở thành động lực khiến tôi vững tin hơn vào con đường của mình”, nghệ sĩ Phú Kiên trải lòng.

2. Trong cuộc trò chuyện đầu xuân, nghệ sĩ Phú Kiên trăn trở rất nhiều về những thách thức đã và đang đặt ra với nghệ thuật truyền thống nói chung và từng nghệ sĩ nói riêng, đặc biệt là khi anh và rất nhiều nghệ sĩ phải làm nhiều nghề “tay trái” để mưu sinh. Anh kể đã có thời kỳ đi buôn linh kiện máy tính. Rồi anh cùng các nghệ sĩ tranh thủ tham gia diễn hài ở các chương trình bên ngoài...

Thế nhưng, có một nghề “tay trái” mà anh vô cùng yêu thích và giúp tên tuổi của anh đến gần hơn với khán giả, đó là đóng phim. Bộ phim truyền hình đầu tiên anh tham gia cũng là bộ phim dài tập đầu tiên của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) - “Mùa lá rụng” (13 tập) của đạo diễn Quốc Trọng chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng. Dù lần đầu lên hình nhưng anh không mất quá nhiều thời gian để nhập tâm vào vai diễn thầy giáo Cần, con trai út của ông Bằng (do Nghệ sĩ Nhân dân Chu Văn Thức, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam thủ vai). Đây cũng là bộ phim mà em gái của anh - nữ diễn viên An Chinh cũng tham gia với vai diễn người yêu cũ của thầy giáo Tự (do NSƯT Đỗ Kỷ thủ vai). Thế rồi qua thời gian, lối diễn dung dị, chân thật của anh đã lọt vào “mắt xanh” của nhiều đạo diễn. Đến nay, anh đã trở nên “quen mặt” với khán giả truyền hình qua hàng loạt bộ phim như: “Kết thúc là sự khởi đầu”, “Chúng tôi ngày ấy”, “Phóng viên thử việc”, “Luật đời”, “Tình yêu không hẹn trước”, “Ngõ lỗ thủng”, “Cảnh sát hình sự”...

3. Riêng trong lĩnh vực chèo, Phú Kiên ghi dấu ấn với vai diễn Lưu Bình trong vở “Lưu Bình - Dương Lễ”, một trong ba vở kinh điển của sân khấu chèo Việt Nam (cùng với “Quan Âm Thị Kính”, “Súy Vân”). Vai diễn này luôn là thử thách với bất kỳ nghệ sĩ nào bởi đó là vai có diễn biến tâm lý rất phức tạp, hát rất nhiều, diễn xuất phải tinh tế, đặc biệt diễn viên phải nghiên cứu lịch sử rất kỹ để hiểu được bối cảnh văn hóa đời sống của nhân vật thời bấy giờ. Trong suốt hơn 30 năm qua, Nhà hát Chèo Việt Nam đã rất nhiều lần công diễn vở này, nhiều diễn viên đã thử sức với vai Lưu Bình nhưng Lưu Bình “phiên bản” Phú Kiên vẫn được người xem ấn tượng hơn cả. 

Đặc biệt, điều khiến NSƯT Phú Kiên tự hào nhất là được thể hiện hình tượng Bác Hồ trong vở “Những vần thơ thép” của đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Đắc Sừ, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam. Anh chia sẻ, vào vai Bác Hồ là thử thách không nhỏ, bởi khác với sân khấu kịch và truyền hình, Bác Hồ trên sân khấu chèo phải rất toàn diện, vừa hát chèo, múa chèo và diễn chèo. Hơn nữa, vở diễn kéo dài 2 giờ 10 phút thì Bác xuất hiện đến 2 giờ trên sân khấu nên người diễn viên thủ vai Bác phải thể hiện thế nào để người xem không cảm thấy nhàm chán.

“Rất may là ngày tôi còn bé, NSƯT Văn Tân - người giữ kỷ lục là “người thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu và điện ảnh phục vụ nhân dân nhiều nhất” thường qua nhà chơi với cha tôi. Ông hay kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện về Bác Hồ và cách để thể hiện thành công hình tượng Bác qua ánh mắt, cử chỉ, dáng đi, giọng nói... Từ những hồi ức đó, tôi đã nghiên cứu rất kỹ tuyển tập “Nhật ký trong tù” rồi tham khảo thêm các tư liệu ở Bảo tàng Hồ Chí Minh và gặp Giáo sư Hà Minh Đức để nghe ông kể chuyện về Bác Hồ. Tôi cũng đặc biệt chú trọng nghiên cứu hình ảnh Bác khi Người mới ngoài 50 tuổi để thể hiện sao cho chân thật nhất”, nghệ sĩ Phú Kiên kể lại.

16 năm đã qua, vở diễn được diễn lại rất nhiều lần nhưng người xem vẫn có chung một đánh giá rằng, NSƯT Phú Kiên vào vai Bác Hồ khá nhuần nhuyễn, từ vóc dáng, cử chỉ đến tiếng nói, điệu hát đều rất mềm mại, uyển chuyển. Vở diễn đem đến cho Nhà hát Chèo Việt Nam giải Xuất sắc và nghệ sĩ Phú Kiên giành được Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005 ở Quảng Ninh.

Hơn 30 năm đắm đuối với nghệ thuật chèo và cũng là từng ấy năm phải đối mặt với nỗi lo “cơm áo gạo tiền” nhưng chưa khi nào NSƯT Phú Kiên cho phép mình lùi bước hay rẽ sang một con đường khác. Anh là vậy, luôn yêu và bền bỉ níu giữ những giá trị mà nhiều người dường như đang dần lãng quên bằng cách cảm nhận những giá trị ấy theo cách của riêng mình và thổi vào đó nguồn năng lượng tích cực.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục