Nghệ thuật ca, múa, nhạc Việt Nam: Hướng đến nghe - nhìn đều hấp dẫn

Dù gặp khó khăn do dịch Covid-19, nghệ thuật ca, múa, nhạc Việt Nam vẫn có bước chuyển mình mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng. Nhìn từ Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2021 vừa diễn ra tại Hải Phòng, có thể thấy, hoạt động sáng tạo ca, múa, nhạc chuyên nghiệp đang hướng đến xây dựng những chương trình hấp dẫn khán giả cả phần nghe và phần nhìn.

Bức tranh nghệ thuật đa sắc

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động ca, múa, nhạc thường xuyên phải tạm dừng phục vụ khán giả. Vì vậy, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Minh Tuấn, Trưởng ban tổ chức Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2021 cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2021, nhằm tạo môi trường để các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ sáng tạo, tập luyện, dàn dựng, biểu diễn, từ đó nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật, duy trì khả năng chuyên môn và cống hiến những tác phẩm mới cho khán giả.

Cuộc tụ hội hơn 1.000 nghệ sĩ chuyên nghiệp của 19 đơn vị nghệ thuật vừa qua cho thấy bức tranh nghệ thuật ca, múa, nhạc hiện nay đa dạng và hấp dẫn. Nếu như những kỳ liên hoan trước hiếm hoi có thể loại nhạc kịch, thì lần này, nhiều đơn vị nghệ thuật đã tham gia với tác phẩm ghi dấu ấn. Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam có vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”, với đội ngũ sáng tạo và nghệ sĩ là người Việt, đã thể hiện nỗ lực vượt bậc để đưa tinh hoa nghệ thuật thế giới phục vụ khán giả Việt Nam. Đoàn Ca múa Hải Phòng lại mạnh dạn thể hiện hình thức này với đề tài lịch sử “Huyền thoại nữ tướng Lê Chân”. Trong khi, nhạc kịch “Trại hoa vàng” của Nhà hát Tuổi trẻ lại tiếp cận vấn đề hướng nghiệp cho giới trẻ bằng những ca khúc, vũ điệu và hình ảnh tươi mới, trẻ trung, lãng mạn. Đặc biệt, chương trình “Thanh âm” của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long khai thác chủ đề môi trường tinh tế, hiện đại, vừa truyền tải nhiều thông điệp giá trị, vừa tạo hiệu ứng tốt về nghe, nhìn cho khán giả.

Các chương trình ca, múa, nhạc khác đều có bước tiến sáng tạo. Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh (tỉnh Bình Thuận) là đơn vị duy nhất ở khu vực phía Nam, với chương trình “Bình Thuận lung linh sắc màu” đã khai thác mượt mà, hiệu quả chất liệu dân tộc Chăm, K’ho… “Đêm huyền diệu” của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc sử dụng chất liệu dân gian nhưng được phối khí, dàn dựng đậm tính đương đại. Các chương trình “Sống trên đá - Thác về với đá” (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang), “Lào Cai - Bồng bềnh miền sương mây” (Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Lào Cai),… thấy rõ sự tìm tòi, nghiên cứu, sử dụng sáng tạo, uyển chuyển nhạc cụ dân tộc và chất liệu dân gian đặc trưng vùng, miền trong các tiết mục mới.

Theo dõi các chương trình nghệ thuật biểu diễn qua kênh YouTube Cục Nghệ thuật biểu diễn, chị Phạm Thu Hương (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Nhiều chương trình độc đáo, hấp dẫn, thỏa mãn khán giả cả phần nghe và phần nhìn. Tôi đặc biệt ấn tượng với tài năng của nghệ sĩ trong các vở nhạc kịch”.

Đáp ứng thị hiếu khán giả

Từ liên hoan lần này cho thấy, nghệ thuật ca, múa, nhạc nước ta đã có chuyển động linh hoạt để vừa đáp ứng thị hiếu khán giả, vừa phát huy tinh hoa nghệ thuật mà các đơn vị đang nắm giữ.

Nghệ sĩ nhân dân, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Đài, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật liên hoan đánh giá, hầu hết đơn vị nghệ thuật đã chú trọng dàn dựng chương trình có chủ đề, phát huy được thế mạnh của từng loại hình ca, múa, nhạc. Nhiều chương trình không chỉ có ca, múa, nhạc mà kết hợp với kịch, xiếc, breakdance, hiphop… và tận dụng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màn hình LED hiện đại, đem lại hiệu quả cao. “Đặc biệt, chúng ta đang có những nghệ sĩ nhạc kịch trẻ, tài năng, nhiệt huyết cần được đầu tư để đưa hình thức này phát triển tiệm cận với thế giới, chinh phục khán giả hiện nay”, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Đài kỳ vọng.

Về hoạt động sáng tạo, Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cho rằng, khán giả Việt Nam xứng đáng được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật ca, múa, nhạc chất lượng cao, được đầu tư nghiêm túc, xứng tầm. Do đó, theo nhạc sĩ Dương Cầm (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long), các đơn vị nghệ thuật phải nỗ lực xây dựng những chương trình nghệ thuật do người Việt thực hiện, kể câu chuyện đời sống, văn hóa Việt Nam, tuyên truyền các vấn đề được xã hội quan tâm bằng ngôn ngữ ca, múa, nhạc hiện đại, giàu tính giải trí, gần gũi với khán giả.

Ở góc độ nghệ sĩ, nghệ sĩ Quang Trọng (Nhà hát Tuổi trẻ) chia sẻ, tham gia vở nhạc kịch “Trại hoa vàng”, các diễn viên phải tập luyện rất nhiều để vừa hát, vừa nhảy, vừa diễn xuất tốt. Song, thách thức mới cũng tạo hứng khởi để nghệ sĩ phát huy sáng tạo, thay đổi bản thân, đem đến khán giả nhiều trải nghiệm nghệ thuật thú vị.

Để tiếp tục phát triển hoạt động ca, múa, nhạc Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng kênh phát sóng các chương trình nghệ thuật, tiết mục ca, múa, nhạc chất lượng trên nền tảng số phục vụ nhân dân trong nước và quốc tế. Các địa phương, đơn vị cũng cần đăng ký với Bộ giới thiệu những chương trình nghệ thuật đặc sắc dưới hình thức Nhà hát truyền hình. Từ liên hoan lần này, Cục sẽ định hướng tới từng địa phương, đơn vị để phát huy các loại hình nghệ thuật thế mạnh, đặc trưng, biểu diễn phục vụ khán giả.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục