Nhà hát kịch Việt Nam ra mắt chương trình “Hồ Chí Minh - Tên Người sáng mãi”

Với 3 vở kịch ngắn đặc sắc, Nhà hát kịch Việt Nam vừa ra mắt chương trình “Hồ Chí Minh - Tên Người sáng mãi”, tối 4/4, tại sân khấu số 1 Tràng Tiền (Hà Nội), hướng tới kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 70 năm thành lập nhà hát.

Không chỉ mang ý nghĩa kỷ niệm, chương trình “Hồ Chí Minh - Tên Người sáng mãi” cũng là hoạt động hưởng ứng của tập thể các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam trong việc thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang được triển khai sâu rộng trên cả nước thời gian qua.

Chương trình bao gồm 3 vở kịch ngắn: “Đoàn kết là sức mạnh”, “Đôi mắt sáng”, “Bác Hồ và mùa xuân ấy”, đồng thời cũng là 3 câu chuyện về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, giúp khán giả có cái nhìn gần hơn về cuộc đời, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những tâm tư, tình cảm mà Người dành cho dân tộc, cho đất nước.

Đúng như tên gọi, vở “Đoàn kết là sức mạnh” đã thể hiện tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng lãnh đạo quân dân ta kháng chiến chống thực dân, đế quốc và cả sau này trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết-Thành công, Thành công, Đại Thành công”.

Vở diễn có nội dung xoay quanh câu chuyện nội bộ của Đại đoàn Tả ngạn trên chiến khu Việt Bắc trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Bắt đầu từ việc xử lý một tên chỉ điểm, dẫn giặc Pháp về càn quét, đốt phá bản, làng, phục kích bắn giết chiến sĩ trong đơn vị và người dân vô tội, gây nhiều căm phẫn trong chiến sĩ và nhân dân. Nhưng, đây cũng là đầu mối của những mâu thuẫn trong nội bộ chỉ huy đơn vị trong việc thẳng tay xử lý kẻ có tội và việc phải xét xử công bằng, cho họ cơ hội để lấy công chuộc tội. Bên cạnh đó là các xung khắc trong chỉ huy điều hành đơn vị chiến đấu và sinh hoạt, ứng xử làm ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm chiến sĩ.

Trong chuyến đi công tác bí mật, thăm các đơn vị chiến đấu, qua tìm hiểu từ người dân và chiến sĩ, Bác Hồ đã nắm được tình hình đơn vị và có những điều chỉnh qua cách giải quyết hợp lý, hợp tình, gắn kết tình đồng chí, tình quân dân, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân, sự ích kỷ, hẹp hòi, để lại bài học sinh động trong ứng xử, cảm hóa bằng tình người và lòng nhân ái với những người lầm đường, giúp họ trở lại con đường chính nghĩa của dân tộc.

Nếu như vở “Đoàn kết là sức mạnh” mang đậm ý nghĩa tư tưởng thì 2 vở “Đôi mắt sáng” và “Bác Hồ và mùa Xuân ấy” lại giúp người xem hiểu rõ hơn về đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, gần gũi, gắn bó với nhân dân và cán bộ chiến sĩ.

Từ cuộc gặp với Bác Hồ, những thương binh ở Trường thương binh hỏng mắt Hà Nội đã được tiếp thêm niềm lạc quan, tin vào tương lai, thêm phần quyết tâm làm theo lời Người “Thương binh tàn, nhưng không phế” để góp phần chung tay xây dựng quê hương, đất nước. Mang lại nhiêu cảm xúc cho khán giả là hình ảnh vị Chủ tịch nước bận trăm công, nghìn việc đã bất ngờ đến thăm, tìm hiểu cuộc sống của một gia đình nghèo ở 1 ngõ nhỏ Hà Nội trong đêm giao thừa.

Vở diễn cũng là sự nhắc nhở đến lãnh đạo các cấp chính quyền cần bám sát thực tế, quan tâm chăm sóc cuộc sống của người dân, nhất là những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và hơn hết là ý thức trách nhiệm, làm việc hết mình mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

Chương trình “Hồ Chí Minh - Tên Người sáng mãi” do Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam chỉ đạo nghệ thuật, được dàn dựng kỹ lưỡng và đầy tâm huyết, thể hiện nhiều tình cảm của các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Chương trình do các Nghệ sĩ Ưu tú: Lâm Tùng, Tạ Tuấn Minh và Bùi Phương Nga đạo diễn.

Theo BaoNhandan

Tin cùng chuyên mục