Nhiều di tích ở Hà Tĩnh đang bị lãng quên

Là địa phương có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, tỉnh Hà Tĩnh sở hữu kho tàng di tích đồ sộ với 86 di tích được xếp hạng quốc gia. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, do chưa được quan tâm đúng mức, một số di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng, chưa phát huy được giá trị của di sản.

Theo chân Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Viên, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) Phan Tiến Thành, chúng tôi đến di tích khảo cổ quốc gia Phôi Phối-Bãi Cọi - một trong những di sản đặc sắc, hiếm có trong hệ thống di tích khảo cổ học Việt Nam.

Nếu không có giới thiệu của ông Phan Tiến Thành thì chúng tôi không thể hình dung ra đây chính là nơi gặp gỡ, giao thoa và hội tụ của các nền văn hóa cổ (Đông Sơn ở khu vực phía bắc và văn hóa Sa Huỳnh ở khu vực Nam Trung Bộ).

Không biển chỉ dẫn, không hàng rào bảo vệ. Khu vực được giới thiệu là khuôn viên di tích đang tồn tại nhiều dấu vết ngổn ngang của việc đào xới cát, chăn thả gia súc. Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Viên, Phan Tiến Thành cho biết, hiện trạng này đã tồn tại từ nhiều năm nay.

Hà Tĩnh sở hữu kho tàng di tích đồ sộ với 86 di tích được xếp hạng quốc gia. Nhưng, nhiều năm qua, một số di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng, chưa phát huy được giá trị của di sản.

“Sau khi các cơ quan chức năng tiến hành khai quật và đưa các hiện vật về trưng bày, lưu giữ ở Hà Nội và Bảo tàng Hà Tĩnh, chưa 1 cơ quan, đơn vị chuyên môn nào đứng ra quản lý, bảo vệ di tích này. Với thẩm quyền, trách nhiệm của mình, chính quyền địa phương cũng chỉ đứng ra nhắc nhở, ngăn cản người dân đến khu vực di tích khảo cổ để khai thác cát", Chủ tịch UBND xã Xuân Viên cho biết thêm.

Trước tình trạng di sản của cha ông bị lãng quên, xâm hại, các nhà nghiên cứu, những người có tâm huyết với di sản đã không ít lần lên tiếng, mong muốn cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp triển khai các giải pháp quản lý, gìn giữ, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản hiếm có này. Bởi nếu cứ để “di sản chết” thì hiểu biết của thế hệ trẻ về những giá trị do ông cha để lại ngay trên chính mảnh đất quê hương sẽ dần mai một theo thời gian.

Theo chia sẻ của Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Viên, Nguyễn Thị Hà Phương, trong những giờ học ngoại khóa, giáo viên rất muốn giới thiệu với các em học sinh về truyền thống lịch sử, văn hóa quê hương bằng những bài học cụ thể, thiết thực ngay trên chính những di tích trên địa bàn. Tuy nhiên, di tích khảo cổ quốc gia Phôi Phối-Bãi Cọi hiện chỉ là 1 bãi đất trống, không hiện vật, không nhà trưng bày nên rất khó để học sinh có thể hình dung được.

Đem những trăn trở này trao đổi với Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, Bùi Việt Hùng, được biết, để bảo tồn, phát huy giá trị di tích Quốc gia Phôi Phối-Bãi Cọi, huyện Nghi Xuân đã có tờ trình xin kinh phí để quy hoạch trên tổng diện tích khu di tích 3ha.

Sau khi có kinh phí, địa phương sẽ tiến hành xây dựng hàng rào bảo vệ khuôn viên di tích và xây dựng 1 nhà trưng bày các hiện vật khảo cổ tại di tích để phục vụ cho việc tham quan, giáo dục truyền thống văn hóa địa phương.

Ngoài di tích khảo cổ Phôi Phối-Bãi Cọi, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đang bị lãng quên hoặc chưa được quan tâm, đầu tư và bảo tồn đúng mức, tiêu biểu như: lũy đá cổ Kỳ Anh, đền Liên Minh, đền Đinh Lễ (huyện Đức Thọ), đền Song Trạng (thị xã Hồng Lĩnh), nhà lưu niệm Nguyễn Phan Chánh (thành phố Hà Tĩnh)...

Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, Hà Tĩnh hiện có 86 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và 529 di tích cấp tỉnh.

Giai đoạn từ năm 2014-2020, ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh đã phân bổ hơn 60 tỷ đồng từ nguồn chống xuống cấp (Trung ương hỗ trợ 1 tỷ đồng/năm, tỉnh bố trí bình quân từ 9 đến 12 tỷ đồng/năm) và huy động xã hội hóa hàng trăm tỷ đồng để trùng tu gần 300 lượt di tích.

Tuy vậy, 2 năm gần đây, nguồn hỗ trợ từ chương trình này không còn nữa. Vì vậy, tỉnh Hà Tĩnh mong muốn Chính phủ có các chính sách hỗ trợ địa phương trong việc trùng tu, tôn tạo di tích.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định, giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hà Tĩnh là nền tảng, nguồn lực thúc đẩy kinh tế, xã hội tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Do đó, bên cạnh mong muốn có được sự hỗ trợ kịp thời, tích cực từ Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh cần quan tâm hơn nữa công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nhất là các di sản đã được UNESCO vinh danh, các di tích cấp quốc gia đặc biệt gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, du lịch bền vững.

Đi kèm với đó là việc xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, đền làng, miếu mạo phù hợp truyền thống, hướng thiện cho con người, khơi dậy nét đẹp văn hóa của từng làng quê.

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục