Nhìn từ thất bại

Sau các liên hoan, giải thưởng, người ta thường nhớ về những người thắng cuộc, những nụ cười trên đỉnh vinh quang. Nhưng cũng có những người lặng lẽ rời cuộc chơi với một tâm thế vẫn yêu và tin vào ngày trở lại thắng lợi hơn. Họ đã dốc sức cho cuộc chơi nghệ thuật vốn không dễ dàng gì.

Sau Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII, như mọi cuộc chơi khác, nhiều nhà làm phim phải ra về tay trắng. Mừng cho đồng nghiệp thắng giải nhưng họ cũng hiểu, cuộc chơi nghệ thuật thực sự không dễ dàng gì. Suốt 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, rạp chiếu phim phải đóng cửa trong thời gian dài, nhiều nhà làm phim phải “ngậm đắng nuốt cay” với những thất bại nặng nề về doanh thu. Bên cạnh một vài cái tên tiêu biểu như “Mắt biếc”, “Bố già”… với doanh thu hàng trăm tỷ đồng thì hàng loạt bộ phim như “Người cần quên phải nhớ”, “Cậu vàng”, “Sám hối”, “Võ sinh đại chiến”… có số thu về không bằng một phần nhỏ số tiền đầu tư. Tuy nhiên, phải thấy rằng trong nghệ thuật, thất bại là không vô nghĩa. Ngay cả những đạo diễn, nhà sản xuất đình đám cũng có phim thất bát. Thậm chí cả chuyện vô duyên với giải thưởng cũng sẽ mang đến cho nhà làm phim những bài học, là thước đo để họ hiểu mình đang thiếu gì, cần phải làm thêm gì. Một nền nghệ thuật chỉ thực sự buồn khi không có những nhà làm phim dám làm, dám dấn thân trong sáng tạo. Lỗ 22 tỷ đồng và “trắng tay” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX nhưng nhà sản xuất “Ngốc ơi tuổi 17” vẫn quả quyết họ sẽ tiếp tục làm những bộ phim chất lượng hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam. Đó là một tinh thần đáng được biểu dương!

Điện ảnh Việt đã trải qua những thăng trầm, thị trường điện ảnh cũng đang có những bước phát triển mới mẻ, ngay cả thị hiếu của công chúng cũng được đánh giá là “khó đoán”… Đó là khó khăn không nhỏ với những người đang dấn thân vào cuộc chơi tốn kém và khắc nghiệt này. Trân trọng cả những thất bại sẽ giúp người làm nghề duy trì được đam mê với nghệ thuật, tạo ra nền tảng cho điện ảnh Việt phát triển.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục