Phát triển sân khấu đỉnh cao: Cần tập trung cho tài năng

Mặc dù có nhiều hoạt động sôi nổi, số lượng tác phẩm không ít, song từ nhiều năm nay, sân khấu vẫn bị đánh giá là thiếu tác phẩm đỉnh cao. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do thiếu vắng đội ngũ sáng tạo tài năng được đào tạo, học tập từ các nền nghệ thuật tinh hoa của thế giới.

Nhìn lại thời hoàng kim

Sân khấu Việt Nam đã có một giai đoạn hoàng kim nhờ lực lượng đông đảo các nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên, lý luận phê bình được đào tạo tại một số nước xã hội chủ nghĩa (XHCN). Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Mùi, Ủy viên Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đánh giá: Sau năm 1954, gần như 100% đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật được Đảng và Chính phủ ưu tiên cho đi đào tạo tại các nước Đông Âu và một số nước XHCN, họ đã trở thành đội ngũ chủ lực của văn nghệ Việt Nam hiện đại, tạo nên những thế hệ vàng và thời hoàng kim cho văn học nghệ thuật nước nhà.

Cụ thể, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, năm 1954, hòa bình trở lại miền Bắc, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bắt tay ngay vào xây dựng nền sân khấu Việt hiện đại, chuyên nghiệp, bằng cách cử người đi học nghề đạo diễn kịch ở các nước XHCN. Từ ấy, sân khấu Việt Nam đã được đổi mới căn bản về hàm lượng văn hóa - nghệ thuật... Kể từ năm 1960, đạo diễn Việt được đào tạo chính quy trong các đại học sân khấu uy tín nhất ở các nước XHCN như Trung Quốc, Liên Xô, Bungari, Rumani, Hungari, Ba Lan, Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức...

Trở về Việt Nam, thế hệ đạo diễn đầu tiên đã thành nhà sư phạm - sân khấu, nhà đạo diễn - thực hành dàn dựng nổi tiếng của Việt Nam, và mặc nhiên, thành thế hệ đạo diễn hàng đầu Trần Hoạt, Đình Quang, Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức, Ngô Y Linh, Ngọc Phương... Và chính những nhà sư phạm sân khấu này đã đào tạo lứa diễn viên kịch khóa đầu của Trường sân khấu Việt Nam thành những nghệ sĩ gạo cội của sân khấu kịch Việt hiện đại như Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Trần Tiến, Mỹ Dung, Nguyệt Ánh, Tú Mai, Hà Văn Trọng, Quang Thái, Bích Châu, Doãn Hoàng Giang, Thu Hằng, Thế Anh... Và cả thầy đạo diễn và trò diễn viên đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.

Phó Giáo sư Tất Thắng cũng khẳng định, việc tiếp nhận tinh hoa thế giới là một quy luật quan trọng của nghệ thuật kịch. Các đạo diễn sân khấu Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài, khi về nước đã tạo nên thời kỳ khởi sắc cho sân khấu Việt Nam.

"Nối" lại chuỗi đứt gãy  

Tuy nhiên hiện nay, lực lượng nghệ sĩ được cử đi đào tạo ở nước ngoài trước đây đã cao tuổi, nhiều người không còn. Sân khấu Việt gần như vắng bóng những nhân tố mới được đào tạo ở các nền nghệ thuật đỉnh cao, có tham vọng “thay da đổi thịt” sân khấu nước nhà. “Chúng tôi nhận thấy rõ sự thiếu vắng đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật trẻ có trình độ chuyên nghiệp, có thực tế, dày dặn vốn sống, giỏi nghề, và sự kế tục đang bị đứt gãy”, Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Mùi bày tỏ. Lực lượng được đào tạo trong nước gần như vẫn “bê nguyên xi” lý thuyết cũ vào trong thực hành sáng tạo và biểu diễn. Nhà biên kịch Nguyễn Hiếu nhìn nhận: “Trong khi truyền hình đến tận đầu giường và các loại hình nghệ thuật khác đổi mới hình thức để hấp dẫn khán giả thì hầu hết các vở kịch của ta so với 3, 4 chục năm trước hầu như không mấy đổi mới từ khâu viết kịch bản, đạo diễn dàn dựng, cách biểu diễn...”.

Nhận định này cho thấy, một trong những vấn đề quan trọng của văn hóa nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu hiện nay chính là thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong sáng tạo tác phẩm, những tinh hoa được đào tạo bài bản, tiếp cận nền nghệ thuật tiên tiến của thế giới. Kinh nghiệm từ một số nước có nền giải trí phát triển nhanh, mạnh mẽ như Hàn Quốc cũng cho thấy lực lượng nghệ sĩ được cử đi đào tạo ở nước ngoài có thể tạo ra sự thay đổi mang tính bứt phá. Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Mùi đề xuất, cần chú trọng đầu tư cho đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật bằng cơ chế đặc thù như gửi người đi học tập tại các nước phát triển để tiếp nối thế hệ tài năng cho văn học nghệ thuật. Xây dựng cơ chế đặc thù để đào tạo trong nước nhằm khắc phục sự khủng khoảng về đội ngũ sáng tạo của văn học nghệ thuật...

Vẫn biết cần phải đầu tư cho đội ngũ sáng tạo thì mới hy vọng tạo ra sự bứt phá cho sân khấu, tuy nhiên, đầu tư như thế nào cho hiệu quả trong giai đoạn hiện nay là câu hỏi không dễ trả lời. Trong lúc đó, người yêu sân khấu vẫn mong có những tài năng trẻ tự tìm con đường hoàn thiện mình để quay về phục hưng sân khấu Việt, có những nhà hát năng động trong việc kết nối với quốc tế để đưa tinh hoa sân khấu thế giới đến với công chúng trong nước, xóa đi tình trạng “trắng khán giả” như hiện nay.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục