Phát triển sân khấu kịch nói Việt Nam tầm vóc, nhanh nhạy

Ngày 21-10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921-2021).

Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; đại diện các bộ, ngành và các nghệ sĩ sân khấu nước nhà.

Tại lễ kỷ niệm, Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã ôn lại những trang sử vàng của sân khấu kịch nói Việt Nam từ dấu mốc là vở kịch "Chén thuốc độc" của tác giả Vũ Đình Long, công diễn lần đầu trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 21-10-1921.

Một thế kỷ qua, sân khấu kịch nói đã tiếp thu tinh hoa sân khấu thế giới, phát huy sự sáng tạo, đóng góp cho quá trình xây dựng và phát triển nền sân khấu cách mạng Việt Nam những thành tựu to lớn, góp phần thắp sáng chủ nghĩa anh hùng và lòng yêu nước. Các thế hệ nghệ sĩ tài năng của sân khấu kịch nói đã lao động sáng tạo miệt mài, tạo nên hàng nghìn tác phẩm phản ánh những vấn đề nóng bỏng của xã hội, phục vụ và tác động tích cực đến đời sống nhân dân.

Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi khẳng định, đây là dịp để giới hoạt động sân khấu kịch nói nhìn lại, được tiếp lửa từ thế hệ đi trước, tích cực phấn đấu góp phần gìn giữ và phát huy sức sáng tạo, tiếp tục là "người đối thoại thân thiết và đáng tin cậy" của công chúng Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những nỗ lực sáng tạo của nhiều thế hệ nghệ sĩ sân khấu kịch nói đã luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết với nghề, sáng tạo không ngừng để có nhiều tác phẩm, vở diễn xứng đáng là thể loại sân khấu sắc bén, nhanh nhạy nhất, đồng thời giàu bản sắc dân tộc, đóng góp vào thành tựu chung của nền sân khấu và văn học, nghệ thuật nước nhà.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng nhận định, trong xu thế hiện nay, do yêu cầu đổi mới và phát triển của nghệ thuật kịch nói, do đòi hỏi ngày càng nghiêm túc và khắt khe của khán giả, các nghệ sĩ phải nỗ lực sáng tạo thêm những tác phẩm kịch nói có ý nghĩa về nội dung, có giá trị về nghệ thuật, kịp thời phản ánh được những yếu tố mới của hiện thực cuộc sống hôm nay, mang tầm vóc quốc gia và sánh vai cùng đồng nghiệp quốc tế.  

Nhân dịp này, từ ngày 21 đến 27-10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam với nhiều hoạt động như: Công diễn vở kịch "Chén thuốc độc" - Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (tối 21-10), diễn vở "Người tốt nhà số 5" - Nhà hát Kịch Việt Nam (tối 22-10), hội thảo "100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển" (ngày 23-10), diễn vở "Ai là thủ phạm" - Nhà hát Tuổi trẻ (tối 24-10), diễn vở "Bạch đàn liễu" - Sân khấu LucTeam (tối 25-10), diễn vở "Phải có ba đồng" - Nhà hát Kịch Hà Nội (tối 26-10), gala "Tinh hoa hội tụ 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam" (tối 27-10).

Cùng với đó, tối 23-10, Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh tổ chức gala "Tinh hoa hội tụ 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam" tại thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục