Siết phim lậu để bảo vệ công nghiệp điện ảnh

Việc chia sẻ phi pháp, làm rò rỉ thông tin về các bộ phim sắp ra mắt có thể “giết chết” cả ngành công nghiệp điện ảnh. Chính vì vậy, nhiều nước đã siết chặt việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao nhận thức của người dân để bảo vệ ngành công nghiệp văn hóa này.

Phim lậu đe dọa "ngành công nghiệp trăm tỷ"

Công nghiệp điện ảnh được xem là một trong những ngành có tiềm năng bậc nhất của công nghiệp văn hóa. Theo ComScore, một công ty đo lường và phân tích truyền thông của Mỹ, năm 2018, doanh thu phòng vé toàn cầu đạt giá trị 41,7 tỷ USD. Nếu bao gồm cả phòng vé và doanh thu dịch vụ giải trí gia đình thì ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu đạt giá trị 136 tỷ USD. Mặc dù đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn tới giải trí toàn cầu song điện ảnh vẫn là ngành hái ra tiền.

Tuy nhiên, một trong những yếu tố đe dọa tới sự phát triển lành mạnh của ngành điện ảnh chính là nạn phim lậu. Nhiều người dùng dễ dàng thỏa mãn với những bộ phim chiếu lậu miễn phí trên mạng, nhưng chính hành động này đã khiến các nhà sản xuất phải chịu tổn thất nặng nề. Điều đó cũng có nghĩa các doanh nghiệp sẽ không thể tái sản xuất, nghệ sĩ không thể sống bằng vai diễn của họ và sẽ không có những bộ phim mới được đầu tư công phu để phục vụ khán giả.

Thay vì được trả cho các nhà sáng tạo để tái tạo, tiền lại đổ vào các trang web chiếu phim lậu thông qua việc thu hút quảng cáo trực tuyến dù họ không phải trả bất cứ khoản tiền sản xuất hay bản quyền nào. Theo số liệu của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPAA), có khoảng 710 triệu bộ phim điện ảnh và truyền hình được chia sẻ trên các web một cách phi pháp, gây thiệt hại hàng tỷ USD. Thống kê từ trang All Connect, “Game of Thrones” là bộ phim bị tải lậu và phát tán trên mạng Internet nhiều nhất trên thế giới. Đã có hàng tỷ lượt truy cập để tải phim vào năm 2015.

Việc vi phạm bản quyền phim cũng ngày một tinh vi. Việc tóm tắt các bộ phim trên mạng xã hội khiến ngành công nghiệp điện ảnh chịu tổn thất nặng nề. Theo báo cáo của Hiệp hội Điện ảnh và Anime Nhật Bản, hơn 2.100 video tóm tắt phim được thực hiện bởi 55 tài khoản trong năm qua, gây tổn thất hơn 90 tỷ yên Nhật (hơn 800 triệu USD) cho các công ty sản xuất.

Việc tóm tắt nội dung phim có thể “qua mặt” được công cụ quét bản quyền tự động của các mạng xã hội song nó lại gây thiệt hại nặng nề đến các nhà sản xuất bởi khán giả thường không còn hứng thú xem toàn bộ phim khi đã biết nội dung. Chính điều này đã khiến các công ty sản xuất kêu gọi khán giả tôn trọng bản quyền, thúc đẩy sáng tạo và yêu cầu xử lý mạnh tay hơn với những hoạt động vi phạm bản quyền ngày càng tinh vi.

Tại Trung Quốc, 17 hội điện ảnh, phim truyền hình, 54 công ty phim, các nền tảng video QQ, Iqiyi, Youku... cùng hơn 500 nghệ sĩ mới đây cũng đã ra kiến nghị chung về chấn chỉnh tình trạng các tài khoản mạng xã hội vi phạm bản quyền phim ảnh qua hình thức tóm tắt phim bằng video ngắn.

Người dùng cũng có thể bị hầu tòa

Trước nạn xâm hại bản quyền phim ngày càng diễn ra tinh vi, nhiều quốc gia đã áp dụng những biện pháp mạnh tay hơn với người dùng. Hồi tháng 6 vừa qua, Cảnh sát tỉnh Miyagi (Nhật Bản) đã bắt giữ nhóm 3 người vì làm video tóm tắt, bình luận phim khi chưa có bản quyền.

3 người này bị cáo buộc đã tự ý cắt ghép cảnh phim và đăng trên YouTube vào tháng 7-2020 một video dài khoảng 10 phút. Theo truyền thông Nhật, nhóm người trên bị bắt do bị Hiệp hội phân phối nội dung ở nước ngoài (CODA) của Nhật Bản tố giác.

Người dùng ở nhiều nước vẫn nghĩ rằng việc đưa phim không có bản quyền lên mạng nhằm mục đích thu lời mới là phạm pháp. Một nghiên cứu của Business Insider, báo điện tử về doanh nghiệp, người nổi tiếng và các tin tức tài chính, kinh doanh của Mỹ, cho thấy khoảng 23% người được hỏi nói rằng họ không biết việc tải phim là bất hợp pháp, còn 32% cho rằng họ không muốn trả phí để xem phim nên phải truy cập lậu.

Tuy nhiên, cả việc tải phim, phát tán hay xem phim không có bản quyền đều là hành vi bất hợp pháp ở hầu hết các quốc gia. Chẳng hạn như tại Mỹ, theo báo cáo của Văn phòng Bản quyền Mỹ, việc phát tán phim, nhạc hoặc tải tài liệu mà không được sự cho phép là điều bất hợp pháp. Người đăng tải hay xem, sử dụng nội dung không có bản quyền đều bị xem là phạm pháp vì đã xâm phạm quyền tác giả và sở hữu trí tuệ, đều có khả năng bị hầu tòa. Hiện việc phát trực tuyến chiếm tới 80% số vụ vi phạm bản quyền ở Mỹ, do vậy, quốc gia này đã có nhiều biện pháp, xử phạt mạnh tay hơn với hành vi vi phạm bản quyền kỹ thuật số.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục