Sơn Dương gìn giữ làn điệu Sình ca

- Hai sênh dắt nhơn kênh dắt sênh/Kênh cụ bốn pin pằng dân vênh/Cò sì mấy tồng pằng mục sên/Tây hăm su lài kênh dắt sên (Mở lời xin hát bài kính chúc/Chúc cho bạn bè bốn phương vui/Lời hát không hay đừng cười nhé/Vì anh mới đến chẳng hay gì). Những lời hát mộc mạc, dân dã trong những làn điệu Sình ca của người Cao Lan huyện Sơn Dương đã để lại ấn tượng đẹp đối với người nghe.

Trong đời sống sinh hoạt của người Cao Lan huyện Sơn Dương thì hát Sình ca là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu. Người Cao Lan hát Sình ca vào tất cả những lễ tiết quan trọng của năm. Những câu hát về tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên, về lòng biết ơn Đảng, ơn Bác Hồ... vẫn vang lên mỗi ngày. Những câu hát từng làm mê đắm biết bao lòng người đã và đang đóng góp một phần quan trọng vào kho tàng văn hóa phi vật thể của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Chị Hà Thị Thúy Dịu, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sơn Dương cho biết, năm 2015, hát Sình ca của người Cao Lan trên địa bàn huyện đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để bảo tồn, phát huy những làn điệu đặc sắc của người Cao Lan, Trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của huyện, hệ thống truyền thanh cơ sở các xã, thị trấn, tổ chức các hội thi tiếng hát Sình ca nhằm tạo sân chơi bổ ích cho đồng bào dân tộc Cao Lan trên địa bàn.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ hát Sình ca xã Vân Sơn (Sơn Dương).

Thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú là nơi cư trú của đông đảo người dân tộc Cao Lan. Ở đây có Nghệ nhân Nhân dân Sầm Dừn, người đã miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và thực hiện các nghi lễ của dân tộc Cao Lan gần 30 năm nay. Hiện ông đang lưu giữ rất nhiều đầu sách cổ và 5 tập sách hát Sình ca, các nhạc cụ như trống sành, kèn pí lè, chũm choẹ, sóc nhạc... Không chỉ có vậy, Nghệ nhân Sầm Dừn đã truyền dạy hát Sình ca và múa cho các thế hệ diễn viên quần chúng với gần 80 người. Tại thôn cũng đã thành lập Câu lạc bộ hát Sình ca từ năm 2015, cho tới nay đã có tới 40-50 hội viên tham gia tích cực và được sự quan tâm của mọi người trong thôn. Câu lạc bộ này đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa của hầu hết người dân trong thôn. Em Sầm Văn Diễn, thành viên nhỏ tuổi nhất của câu lạc bộ cho biết, tham gia câu lạc bộ em đã học được rất nhiều bài hát bằng tiếng dân tộc Cao Lan. Em mong muốn những làn điệu của dân tộc mình được giữ gìn và phát triển.

Huyện Sơn Dương hiện có gần 20 xã có Câu lạc bộ hát Sình ca với gần 500 thành viên. Mỗi câu lạc bộ có phương thức hoạt động khác nhau nhưng cùng chung mục đích bảo tồn, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Xã Văn Phú hiện có hơn 50 người tham gia các Câu lạc bộ hát Sình ca trong xã. Sau những giờ lao động căng thẳng, các thành viên trong câu lạc bộ lại tập trung luyện tập những làn điệu cổ, những bài hát mới. Đặc biệt mỗi khi chuẩn bị cho các chương trình văn nghệ quần chúng, hội thi thì ai cũng háo hức luyện tập hết mình.

Chị Âu Thị Thu Hà, cán bộ văn hóa phụ trách lĩnh vực thông tin và tuyên truyền xã Văn Phú cho biết, những năm trở lại đây, các hoạt động gìn giữ, phát triển các Câu lạc bộ Sình ca trên địa bàn xã đã nhận được sự quan tâm từ cấp ủy, chính quyền địa phương. Đã có những chính sách đầu tư kinh phí cho việc tham gia các cuộc giao lưu, liên hoan nghệ thuật quần chúng để tăng cơ hội cọ sát, trau dồi kỹ năng biểu diễn.

Hiện nay, với guồng quay của cuộc sống hiện đại, việc bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa hát Sình ca của người dân tộc Cao Lan cần phải được đầu tư và nghiêm túc thực hiện. Bởi những làn điệu Sình ca không chỉ là món ăn tinh thần mà còn là cơ hội góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn.

Bài, ảnh: Linh Chi

Tin cùng chuyên mục