Tăng tính hấp dẫn của tác phẩm văn học, nghệ thuật: ''Chìa khóa'' chinh phục công chúng

Trong đời sống, văn học, nghệ thuật không chỉ đáp ứng nhu cầu tinh thần của công chúng, mà còn hướng con người vươn đến đích cao cả, nhân văn. Trước sự cạnh tranh của nhiều hình thức giải trí hiện đại, việc đầu tư sáng tạo để tăng tính hấp dẫn của tác phẩm văn học, nghệ thuật chính là “chìa khóa” để chinh phục công chúng hôm nay.

Dấu ấn sáng tạo

Ở địa hạt văn học, tác giả có sức hút bền bỉ với công chúng nhiều thế hệ hiện nay phải kể đến đầu tiên là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Năm nào ông cũng ra mắt tác phẩm mới và chúng đều trở thành hiện tượng của giới xuất bản, khi phát hành hàng trăm nghìn bản mỗi lần và tái bản nhiều lần. Điển hình, cuốn sách mới nhất - “Con chim xanh biếc bay về”, ra mắt cuối năm 2020 có số lượng in 150.000 bản. Nhiều cuốn sách của ông còn được chuyển thể thành phim, kịch, nhạc kịch gây tiếng vang. Các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh hấp dẫn bởi ông luôn tìm tòi, bắt kịp nhu cầu của độc giả để thay đổi câu chuyện, tình huống, cách kể…

Mới chỉ ra mắt 2 cuốn sách, nhưng tác giả Bình Ca đã tạo dấu ấn trên văn đàn đương đại. “Quân khu Nam Đồng” - tác phẩm đầu tay của ông đến nay đã tái bản 16 lần, với khoảng hơn 32.000 bản. Tiểu thuyết “Đi trốn” mới đây cũng gây ấn tượng khi tái bản chỉ sau 1 tháng ra mắt, với tổng lượng phát hành 13.000 cuốn. Mảng thơ có tác giả Nguyễn Phong Việt đều đặn ra mắt những tập thơ cho giới trẻ, bán được hàng chục nghìn bản in. Mảng truyện tranh có tác giả RED với bộ truyện “Con nhà lính” cũng gây “sốt” mỗi khi ra tập truyện mới...

Lĩnh vực sân khấu đang có dự án “Huyền sử Việt” với 4 vở diễn kết hợp nghệ thuật cải lương và xiếc do Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện, thu hút công chúng. Ở vở diễn đầu tiên - “Cây gậy thần”, nghệ thuật xiếc không chỉ hấp dẫn khán giả nhỏ, mà còn chinh phục khán giả lớn tuổi. Tác phẩm cũng kéo nhiều khán giả của nghệ thuật xiếc đến với sân khấu truyền thống. Sân khấu Lệ Ngọc trở thành điểm hẹn quen thuộc của khán giả Thủ đô, với hàng trăm buổi diễn “cháy vé” mỗi năm nhờ việc lựa chọn kịch bản, lối dàn dựng tăng tính tương tác cũng như đầu tư sân khấu, phục trang hiện đại, bắt mắt.

Trong lĩnh vực điện ảnh, các phim truyện “Bố già”, “Hai Phượng”, “Em chưa 18”… hay phim truyền hình “Về nhà đi con”, “11 tháng 5 ngày”, “Hương vị tình thân”… thu hút bởi cách làm phim hiện đại, đề tài gần gũi, thiết thực, trúng tâm lý khán giả.

Âm nhạc - lĩnh vực sở hữu đông đảo khán giả cũng có nhiều chuyển động để tăng tính hấp dẫn. Có thể kể đến các ca khúc “Nam quốc sơn hà”, “Để Mị nói cho mà nghe”, “Kẻ cắp gặp bà già”, “Mục hạ vô nhân”… Đặc biệt, nhiều nghệ sĩ trẻ đã sử dụng các chất liệu âm nhạc thịnh hành để gửi gắm những câu chuyện đời sống, vấn đề xã hội đang tạo dấu ấn, như ca khúc: “Đi về nhà”, “Ghen Cô Vy”, “Việt Nam ơi! Đánh bay Covid”…

Anh Lê Tuấn Việt (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Công chúng hiện nay thích những tác phẩm gần với cuộc sống, thông điệp tinh tế, vừa hài hước, vừa cảm động, đồng thời có nhiều hiệu ứng hiện đại”.

Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao

Theo nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác phẩm văn học, nghệ thuật hấp dẫn phải đạt tiêu chí nghệ thuật, đem lại mỹ cảm cho người thưởng thức, nuôi dưỡng cảm hứng cho họ tiếp tục khám phá thông điệp tác giả gửi gắm trong tác phẩm, kích thích họ hướng tới những điều tốt đẹp.

Còn theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tính hấp dẫn quyết định sự thành công của tác phẩm văn học, nghệ thuật. Trong lĩnh vực văn học, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Tác phẩm hấp dẫn hay không được xác lập ngay từ những câu văn đầu tiên. Câu đầu quyết định tốc độ, giọng điệu, hồn vía của tác phẩm. Bản thân tôi thấy viết mở đầu khó nhất. Người viết có thể chọn nhân vật, cảnh vật hay tình huống để gây ấn tượng, “bắt vít” độc giả vào con chữ, đồng thời phải duy trì sự cuốn hút đến những dòng cuối cùng”.

Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho rằng, muốn tăng sức hấp dẫn, nhất là ở loại hình nghệ thuật truyền thống phải tạo những trải nghiệm mới, mang tính giải trí cao, phù hợp thị hiếu. Ngoài ra, nội dung tác phẩm phải đề cập hoặc gắn với đời sống đương đại, gần gũi, thiết thực với khán giả.

Ở góc nhìn rộng, theo nhà báo, nhà phê bình văn học, nghệ thuật Nguyễn Hoài Nam, trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tác phẩm văn học, nghệ thuật phải được xem như một loại hàng hóa đặc biệt. Hàng hóa này muốn hấp dẫn thì phải tạo sự choáng ngợp và khâm phục cho công chúng. Chẳng hạn, một cuốn sách bên cạnh nội dung hay, thì thiết kế bìa ấn tượng, tranh minh họa bắt mắt, được quảng bá tốt sẽ thu hút nhiều độc giả hơn. Hay một tác phẩm múa không chỉ hấp dẫn ở ngôn ngữ cơ thể, mà cần chú trọng đầu tư âm nhạc, thiết kế sân khấu, phục trang, ánh sáng…

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương cho rằng, văn học, nghệ thuật hôm nay phải đáp ứng nhu cầu của công chúng mới, đặc biệt là công chúng của kỷ nguyên số với đòi hỏi ngày càng cao. Vì vậy, người sáng tạo phải nỗ lực học hỏi, bắt kịp xu thế thời đại, cập nhật những phương pháp tiếp cận khán giả mới. Ngoài ra, các cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp cần đầu tư, tạo điều kiện để các văn nghệ sĩ sáng tác, đưa tác phẩm đến công chúng.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục