Thẩm định và phân loại phim truyện: Cần bộ tiêu chí rõ ràng

Việc góp ý vào Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang nóng lên với nhiều ý kiến xoay quanh việc phân loại và cấp phép phổ biến phim truyện điện ảnh. Làm thế nào để những người làm phim không còn cảm giác “thấp thỏm” hay “ấm ức” mỗi khi mang phim đi duyệt là mong mỏi, cũng là yêu cầu đặt ra đối với Luật Điện ảnh trong việc tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng cho nghệ thuật thứ 7 phát triển.

Hạn chế nhận định cảm tính

Trong buổi tọa đàm “Ai góp ý giơ tay lên” được một số nhà làm phim tổ chức trực tuyến để góp ý vào Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) mới đây, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã mở đầu bằng câu chuyện liên quan tới vấn đề duyệt phim.

Là thành viên của Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện, đạo diễn này thừa nhận Luật Điện ảnh hiện hành đang có những quy định mang tính cảm tính khiến cho có phim, ngay cả ý kiến giữa các thành viên trong hội đồng cũng không thống nhất. Chẳng hạn với những cảnh quay nhạy cảm, không có thước đo cụ thể nên với người này như thế là vừa đủ, với người khác lại là kéo dài...

Đồng cảm với nhận định này, nhiều đạo diễn, nhà sản xuất cũng đưa ra những ví dụ cho thấy Luật Điện ảnh hiện hành và cả Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) chưa đáp ứng được yêu cầu cần có khung tiêu chí rõ ràng đối với việc phân loại và cấp phép phổ biến phim.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nhìn nhận: “Nhiều điểm trong điều 10 Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) quy định về “Những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh” có nội dung không rõ ràng, dẫn tới việc áp dụng nó có thể tùy thuộc vào ý chí của người sử dụng và biện dẫn luật, đây là điều rất nguy hiểm”. Chẳng hạn, theo đạo diễn này, cần quy định rõ thế nào là “mê tín dị đoan, trái tự nhiên” (điểm k, khoản 1, điều 10). Nếu quy định chung chung như vậy thì các phim siêu anh hùng, phim giả tưởng... đều là trái tự nhiên, dẫn đến dòng phim kỳ ảo xem như bị cấm ở Việt Nam? Rồi quy định về tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư cá nhân, thì cá nhân ở đây là bất kỳ cá nhân nào hay cá nhân nổi tiếng; cấm xuyên tạc sự thật thì đó là “sự thật?” nào, phim huyền sử, dã sử có bị coi là xuyên tạc?...

“Kinh nghiệm cá nhân của tôi, khi làm phim “Tiệc trăng máu”, trong thoại của nhân vật có nhắc đến tên Ngô Thanh Vân và Ngọc Trinh, hội đồng duyệt bắt phải đi xin chữ ký của 2 người này mới cho chiếu là quá vô lý. Cần phải hiểu phim là một tác phẩm nghệ thuật hư cấu, thể hiện góc nhìn của nhà làm phim. Mỗi bộ phim không đại diện cho một sự thật nào ngoài sự thật về góc nhìn của nhà làm phim, không thể đánh giá đó là hiện thực xã hội” - đạo diễn này thẳng thắn chia sẻ.

Cần có “bộ tiêu chí”

Chính vì có thể tồn tại nhiều cách hiểu, biện dẫn khác nhau về các nội dung bị cấm trong Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), nhiều nhà làm phim cho rằng, thay vì quy định chi tiết các điều cấm trong Luật Điện ảnh, nên ban hành khung tiêu chí có định lượng cụ thể để tránh những nhận định mơ hồ. “Các quy định cấm cần phải được diễn giải chi tiết hơn, rõ ràng rành mạch hơn trong một văn bản dưới luật” - đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nêu ý kiến.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng chia sẻ kinh nghiệm về việc các nhà làm phim phát hành trên mạng internet rất cẩn trọng và thực hiện nghiêm quy định của các nền tảng như YouTube, Facebook..., bởi nếu vi phạm họ sẽ bị cấm chiếu trên nền tảng đó. Nếu Luật Điện ảnh cũng có quy định rõ và cơ chế xử phạt mạnh tay như vậy thì chắc chắn các nhà làm phim sẽ tự kiểm duyệt, giảm gánh nặng cho Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện.

Từng có phim bị cấm phát hành, đạo diễn Charlie Nguyễn hy vọng với việc góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), chúng ta sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, cơ hội cho những bộ phim mới lạ ra đời. Còn đạo diễn Trần Thanh Huy, nổi tiếng với phim “Ròm”, thì bày tỏ mong muốn có bên thứ ba để phân xử trong trường hợp phim bị cho là “có vấn đề”, để nhà làm phim được nói lên tiếng nói bênh vực tác phẩm của mình.

Mỗi bộ phim ra đời không chỉ là tâm huyết, công sức của ê kíp sáng tạo mà đôi khi còn là cả gia sản mà nhà làm phim đặt cược vào đó. Cùng với sự phát triển của thị trường điện ảnh, kinh phí mà các nhà đầu tư bỏ ra để sản xuất một bộ phim ngày càng cao. Bên cạnh đó, có những bộ phim, ê kíp phải mất nhiều năm mới hoàn thành. Chính vì vậy, việc yêu cầu có những tiêu chí phân loại phim minh bạch, rõ ràng làm “đường biên” cho sáng tạo nghệ thuật là đòi hỏi hết sức chính đáng của nghệ sĩ.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục