Khi phụ nữ là văn nghệ sỹ

- Ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, số lượng văn nghệ sỹ nam “áp đảo” nữ, chỉ có 34 nữ hội viên/tổng số 148 hội viên. Điều đó nói lên một thực tế là đối với phụ nữ theo đuổi con đường này không phải chuyện đơn giản. Ở họ, vừa phải có tố chất thực sự, vừa phải khát khao cống hiến nghệ thuật một cách cháy bỏng, vừa phải nỗ lực dấn thân vượt qua những khó khăn thách thức của cuộc sống đời thường.

Các nữ văn nghệ sỹ cùng bạn đọc trao đổi về những tác phẩm mới.

Nhà thơ trẻ Vương Huyền Nhung, hội viên Phân hội Văn học - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh bộc bạch: “Em làm trong ngành Tài chính, cái nghề chẳng liên quan gì đến văn thơ. Nhưng trong con người em có một thứ gì đó luôn thôi thúc em phải cầm bút. Chỉ khi cầm bút, diễn tả được tư tưởng và tâm trạng của mình lòng em mới thấy thoải mái. Giờ văn thơ đối với em như cơm ăn nước uống hàng ngày, không thể không dùng. Là văn nghệ sỹ em biết vui đấy, nhưng cũng đầy gian nan thử thách. Đối với người phụ nữ, quỹ thời gian cực ít. Hàng ngày đi làm việc cơ quan, về nhà phải lo cơm nước gia đình, cho con cái học hành xong cũng khuya. Lúc đó mình đã thấm mệt, mọi cảm xúc đều bị đè xuống.

hính điều này giúp em phải sắp xếp lại thời gian, bố trí viết trong khung giờ hợp lý. Có những lần cảm xúc dâng trào, nhiều ý thơ hay tuôn ra trong đầu. Em đành lấy sổ ghi tốc ký tạm, để rồi đêm về nghiền ngẫm. Theo em, nam giới làm được gì thì nữ giới đều làm được. Chỉ có điều thiên chức người phụ nữ phải ôm đồm nhiều việc không thể giao phó cho ai được. Riêng việc cơ quan, gia đình đã mệt, lại còn việc xã hội, làng xóm, họ nội, ngoại, bạn bè. Văn chương không thể ngồi mãi ở nhà để sáng tác, mà phải đi trải nghiệm thực tế, giao lưu bạn văn, thơ. Mỗi lần đi là thấy cái hay, cái đẹp của cuộc sống để thả hồn mình vào sáng tác. Chùm thơ “Hoa lửa Pà Thẻn”, “Tiếng gọi đò bên sông Lô”, “Mùa hoa lê” đoạt giải Nhất Cuộc thi Thơ Tuyên Quang năm 2021 của em ra đời từ những trải nghiệm thực tế đó”.

Ở Phân hội Mỹ Thuật, Hội Văn học nghệ thuật có một số họa sỹ nữ như Ngọc Anh, Thu Hiền, Lương Hiện, Bàn Loan, Thùy Dung, Nguyễn Yến. Họa sỹ trẻ Nguyễn Yến cho rằng, làm nghệ thuật với phụ nữ cũng là một áp lực. Vì làm nghệ thuật tự do phải dành toàn tâm, toàn ý vào tác phẩm của mình mới cho ra lò được những sản phẩm tốt. Rất may họa sỹ Nguyễn Yến có người chồng làm nhiếp ảnh, cùng là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nên rất thông cảm, tạo điều kiện cho vợ có thời gian sáng tác. Nguyễn Yến thích vẽ đề tài người phụ nữ, ở họ ẩn chứa những nét duyên thầm dịu dàng, đằm thắm nhưng đầy nội lực.

Họa sỹ Nguyễn Yến bố trí việc nhà hợp lý để có thời gian vẽ.

Một số tác phẩm của mình mà Nguyễn Yến tâm đắc như tranh lụa “Mẹ yêu”, “Yếm thắm”, “Vi Oanh”... Còn họa sỹ Ngọc Anh thì tâm sư: “Chị theo nghề này cũng gian nan, vất vả lắm. Trước kia mới đi học tưởng nhàn nhã, đơn giản. Càng đi sâu vào nghề càng thấm thía rằng, để có nghệ thuật đỉnh cao phải đồ mồ hôi, sôi nước mắt. Yêu nghề thì theo nghề chứ thị trường ở Tuyên Quang bán tranh khó sống. Chị phải làm thêm đủ nghề, trong đó có nghề uốn tóc, may. Nay chị đã 64 tuổi, sức khỏe có giảm sút, cộng với dịch bệnh Covid-19 khó đi đâu được. Thi thoảng rỗi chị hay vẽ để giải tỏa tâm tư, cũng như ngồi thiền, quên bớt lo toan của cuộc sống đầy những khó khăn. Nhất là vẽ về những người phụ nữ sớm khuya vất vả, tần tảo nuôi chồng con”.

Mấy năm gần đây xuất hiện trên văn đàn xứ Tuyên một cây bút trẻ người dân tộc Tày, quê xã Khuôn Hà (Lâm Bình), đó là nhà thơ Trịnh Thứ -hội viên Phân hội Văn học - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn, Đại học Khoa học Thái Nguyên, Trịnh Thứ về công tác tại Trường Chính trị tỉnh. Niềm đam mê văn thơ với Trịnh Thứ có từ hồi nhỏ, mọi quyển sách, tờ báo hiếm hoi ở vùng cao đều được nhà thơ trẻ tìm đọc ngấu nghiến. Trịnh Thứ chia sẻ: “Em thích nhất là thơ về mẹ, ở đó cảm xúc thật tự nhiên tuôn trào. Mỗi lần đến Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 em lại đọc thơ sáng tác về mẹ. Bài “Dáng mẹ” có đoạn: “Mùa lật mình sang đông/Bàn chân mẹ nứt như chỉ rối/Cặm cụi với đồng/Sương sớm ngập thung”. Bài “Xa quê” tác giả viết “Con chưa bao giờ lớn cả/Đi làm mẹ đùm nào chuối, nào xôi/Nào cá, nào rau và từng cân gạo/Sợ con gầy ốm”. Bài “Lửa ấm lòng con” Trịnh Thứ viết “Con chạy men mùa nhớ/Tìm dòng suối tuổi trong con/Ru đời mình vội vã/Ngày nứt nẻ trên mi”.

Còn nhà thơ Anh Mai, Phân hội Văn học - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, nguyên Phó Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch trường Đại học Tân Trào mấy năm nay nghỉ hưu, bút lực lại dồi dào. Chỉ bảo “Trước kia thời gian dạy học, nghiên cứu khoa học, viết sách mất nhiều thời gian quá. Nay nghỉ hưu những kinh nghiệm trải qua là chất liệu tốt cho chị sáng tác. Mùng 8-3 chị có một bài thơ khen chồng “Lời khen muộn” có đoạn: “Bấy nhiêu năm sống bên nhau/Khen anh nay mới lần đầu thôi anh/Bấy lâu anh có tập tành/Mà lâu thế mới hình thành lời khen?Vì anh bận bịu ngày đêm/Làm sao thấy được làm em làm gì?”. Theo nhà thơ Anh Mai, phụ nữ tham gia văn học nghệ thuật cũng có nhiều điểm lợi, như trái tim dễ rung cảm, đồng điệu với các vấn đề, giọng điệu thơ lạ, phát hiện tinh tế. Còn hạn chế là tính cá nhân, cảm tính cao, song nó thể hiện cái tôi rõ nét, không lẫn vào đâu được.

Có thể nói nếu không có phụ nữ làm văn nghệ sỹ thì cuộc sống mất đi một nửa thi vị. Cách nghĩ, cách thể hiện của phái đẹp càng cho đấng mày râu hiểu hơn về một nửa thế giới của họ. Thế giới mà ở đó có tình yêu, sự bao dung, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó. Sự tần tảo để nuôi gia đình cả về thể chất và tinh thần, lan tỏa những điều tốt đẹp cho cộng đồng xã hội. Mùng 8-3, xin chúc họ những điều tốt đẹp nhất!

Bài, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục