Những điểm sáng trong đời sống văn hóa cơ sở

- Thời gian qua, sự lan tỏa, phát triển mạnh mẽ của các tổ, đội văn nghệ quần chúng (VNQC), các Câu lạc bộ (CLB) sở thích... tại các nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố... là những điểm sáng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Bóng chuyền hơi là môn thể thao yêu thích và được tập luyện thường xuyên tại xã Tân Long (Yên Sơn).

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến tháng 12/2021, toàn tỉnh có 134/138 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa (đạt 97%); có 1.653/1.733 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa (đạt 95%). Nhà văn hóa không chỉ là nơi tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; triển lãm, tuyên truyền phục vụ các ngày lễ lớn của đất nước, các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, mà  còn là nơi duy trì, phát triển các tổ, đội VNQC, các CLB sở thích... đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.

Đồng chí Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Bình cho biết: huyện Lâm Bình hiện nay có 100 đội văn nghệ thôn, bản; 24 đội văn nghệ trường học; 7 CLB hát then, đàn tính, trong đó, sôi nổi nhất phải kể đến CLB hát Then đàn tính Thượng Hà và CLB hát Then đàn tính Hoa Mộc Miên (Lâm Bình). Mỗi CLB có khoảng trên dưới 30 người thuộc các lứa tuổi, từ cao niên tới các cháu thiếu nhi. Đặc biệt, hiện nay địa phương đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng, nên hoạt động văn hóa văn nghệ đã nhanh chóng được nhân rộng, phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Hiện nay, 50 homestay trên địa bàn huyện đều có hoạt động văn hóa văn nghệ, các đội văn nghệ thường xuyên tập luyện, biểu diễn để phục vụ du khách... Các hoạt động này không chỉ thu hút đông đảo người dân tham gia, giúp gắn kết cộng đồng, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ở cơ sở mà còn tạo được nguồn thu cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Một trong những hoạt động sôi nổi, tạo nên điểm nhấn đầy ấn tượng trong phong trào hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được nhân rộng thời gian gần đây đó là hoạt động của các CLB dân vũ thể thao. Khi hai huyện Na Hang, Hàm Yên khai trương hoạt động chợ đêm và tuyến phố đi bộ, để đảm bảo duy trì lâu dài hoạt động này, đội văn nghệ của các xã, thị trấn; các nhóm nhảy, CLB dân vũ của Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ các xã, thị trấn... được huy động luân phiên tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân, du khách vào dịp cuối tuần. Đồng chí Hà Khánh Huyền, Bí thư Đoàn thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) cho biết: từ ngày tuyến phố đi bộ và chợ đêm Hàm Yên hoạt động đã mở ra không gian kết nối đầy cảm hứng, các chương trình, tiết mục biểu diễn được xây dựng công phu, chất lượng, mang nét đặc trưng riêng của từng xã, góp phần tạo nên những sắc màu văn hóa đa dạng, thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm...

Hội diễn VNQC được tổ chức tại nhà văn hóa xã Phù Lưu (Hàm Yên) năm 2022.

Không chỉ tập trung ở hoạt động của tuyến phố đi bộ và chợ đêm, “sức nóng” của các vũ điệu thể thao đã lan tỏa và nhanh chóng được nhân rộng ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Ngay từ những ngày đầu quý I/2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã duy trì hiệu quả chương trình “Bước nhảy khỏe đẹp” tại 2 sân khấu vườn hoa của tuyến phố đi bộ (TP Tuyên Quang), tổ chức thành công Hội thi dân vũ thể thao trực tuyến năm 2022 thu hút hàng trăm thí sinh đến từ các CLB, đội, nhóm dân vũ thể thao của các xã, phường trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, là hoạt động “Liên hoan các nhóm nhảy Thanh niên năm 2022”, thu hút nhóm nhảy đến từ các trường học; các huyện đoàn, thành đoàn của Tỉnh đoàn Tuyên Quang...

Từ môi trường công sở, “vũ điệu thể thao” của khối thi đua các cơ quan Đảng tỉnh cũng đã thổi một luồng gió mới mẻ vào sân chơi đầy hứng khởi này. Đầu tháng 9 vừa qua, tại Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan, thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn), Liên hoan dân ca, dân vũ được tổ chức với sự tham gia của 20 đội dân ca, dân vũ, trên 200 diễn viên đến từ các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện với màn đồng diễn dân vũ quy mô, độc đáo của hơn 200 diễn viên... Đây thực sự là những tín hiệu đáng mừng, đánh dấu sự khởi sắc trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, góp phần phát triển kinh tế du lịch, nâng cao đời sống nhân dân...

Xã Đại Phú (Sơn Dương) được biết đến là nơi có phong trào hoạt động văn hóa văn nghệ sôi nổi ở cơ sở. Xã có 27 thôn, gồm 3 dân tộc chủ yếu là: Cao Lan (70%); Kinh (25%) và người Hoa (5%). Nhà văn hóa xã có sức chứa 250 chỗ ngồi, được xây dựng từ năm 2017 theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Anh Nguyễn Anh Hùng, công chức văn hóa xã hội xã Đại Phú cho biết: với phần lớn dân số trên địa bàn là đồng bào Cao Lan, từ hoạt động ban đầu của “CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan” tại thôn Mãn Hóa, đến nay xã đã nhân rộng được mô hình này tới các thôn Đồng Xay, Hữu Vu, Cây Thông, Thạch Khuôn... Anh Hùng bảo, thế mạnh của xã tập trung ở phong trào bóng chuyền hơi và dân vũ thể thao. Hiện nay ở xã Đại Phú, có những thôn có tới 3 - 4 đội bóng chuyền hơi, còn hoạt động dân vũ thể thao thì đã được “phủ sóng” đều khắp ở cả 27/27 thôn trong xã, duy trì tập luyện thường xuyên, hoạt động hiệu quả...

Có thể thấy, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đã lan tỏa, nhiều nơi, nhiều địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay, thiết thực trong việc khơi dậy, phát huy sức sáng tạo văn hóa của nhân dân, kịp thời nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, gắn các hoạt động với phát triển du lịch cộng đồng, tạo thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục