Tạo không gian văn hóa lành mạnh cho người trẻ

- Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng số, mạng xã hội đã mang lại nhiều tiện ích trong việc sử dụng, khai thác thông tin phục vụ công việc, học tập. Tuy nhiên, đây cũng là nguy cơ, thách thức với người trẻ trong việc nâng cao bản lĩnh, kiến thức, kỹ năng... để không rơi vào vòng xoáy của bão thông tin mạng.

Anh Bế Quang Trường, Bí thư Đoàn trường THPT Xuân Huy (Yên Sơn) cho biết: Đoàn trường luôn chú trọng phối hợp tốt với giáo viên và phụ huynh để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho học sinh, uốn nắn kịp thời nhận thức, hành vi của học sinh trong tham gia khai thác, sử dụng mạng xã hội, phòng ngừa, hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của tin giả, xấu, độc tới học sinh. Cùng với đó, Đoàn trường cũng tập trung đưa những thông tin tốt, thiết thực, tổ chức các hoạt động ngoại khóa bổ ích cho học sinh như tổ chức cho học sinh xây dựng các video với chủ đề “Sắc màu Yên Sơn” đăng trên Fanpage của trường. Lan tỏa các video đẹp, đồ họa sinh động từ các nguồn thông tin chính thống... thu hút học sinh tham gia vào các hoạt động lành mạnh, giảm bớt sự phân tán vào các luồng thông tin có hại. Đoàn trường có biện pháp nhắc nhở, uốn nắn học sinh không phát ngôn bừa bãi, thiếu ý thức, không tiếp tay lan tỏa những thông tin nhảm nhí, không tham gia tạo rác trên mạng xã hội...

Học sinh Trường PT Dân tộc nội trú THPT tỉnh tham gia các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức.

Trong một thế giới tràn ngập thông tin, thật, giả lẫn lộn, thêm vào đó, các thuật toán thông minh hoàn toàn có thể thao túng, dẫn dắt đám đông theo khuynh hướng mà công nghệ muốn. Do vậy, hơn bao giờ hết, người trẻ cần được trang bị hành trang, các kỹ năng mềm, những “bộ lọc” bản lĩnh, tỉnh táo để không a dua và bị dẫn dắt bởi hội chứng đám đông... Quan tâm, chia sẻ quan điểm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, tạo cảm thụ thẩm mỹ tốt, nuôi dưỡng tâm hồn cho người trẻ, cô giáo Sái Thị Luyến, giáo viên Ngữ văn, trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THPT tỉnh cho biết, trong các giờ giảng của mình, cô luôn chú trọng khơi dậy cái hay, cái đẹp, những rung cảm thẩm mỹ tích cực cho học trò, đa dạng hóa bài học cho các em bằng hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học, vẽ tranh, phổ nhạc cho thơ, giúp các tiết học hào hứng, hấp dẫn hơn, tạo môi trường học đường lành mạnh để các em học tập, phát triển...

Em Phạm Ngọc Lan, học sinh lớp 11B6, Trường THPT Xuân Vân (Yên Sơn) cho biết, hiện nay, người trẻ bị chi phối khá lớn vào màn hình công nghệ. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, người trẻ đã là chủ sở hữu của một nguồn tin, có thể tương tác rộng trên mạng xã hội. Nếu không chủ động chuẩn bị cho mình một bản lĩnh, một “bộ lọc” và hành trang cần thiết sẽ dễ bị cơn lốc công nghệ cuốn đi, ích lợi cũng có, mà độc hại, hệ lụy cũng nhiều. Quan trọng nhất khi tham gia mạng xã hội vẫn là nhận thức, khi có những hiểu biết nhất định, khi ấy tin giả và các luồng thông tin xấu độc ít có cơ hội để lan tỏa, phát tán, cũng có nghĩa không tạo thêm những hệ lụy xấu trên môi trường không gian mạng...

Chúng ta đang sống trong thời kỳ hội nhập, công nghệ tác động rất lớn đến cuộc sống, chi phối các ứng xử, hành vi trong cuộc sống thường nhật. Để thích ứng với sự phát triển như vũ bão của đời sống công nghệ trong kỷ nguyên thông tin và chuyển đổi số, hơn lúc nào hết cần kịp thời trang bị cho người trẻ một nhận thức mới, một tư duy mới. Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người trẻ, cần đặc biệt chú ý đến sức mạnh mềm trong kiến tạo văn hóa. Văn hóa được coi là phần tinh tế nhất, là nhu cầu cao cấp trong đời sống tinh thần của con người. Chăm lo xây dựng môi trường, không gian văn hóa tốt đẹp là chăm lo sức mạnh nội sinh để kích thích con người sống đẹp, hành động đẹp. Điều đó phụ thuộc rất lớn ở nhận thức, ở sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền, giáo dục và đặc biệt là sự chung tay hành động của tuổi trẻ trong kỷ nguyên số.

Bài, ảnh: Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục