Trò chơi quay của người Mông

- Đồng bào Mông có cách tính Tết theo vòng thời gian cố định, hết một vòng quay của 12 tháng là ăn Tết. Tết của người Mông thường được tính từ 30 tháng mười một (Âm lịch) và trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng, nếu năm đó không nhuận. Do tập quán canh tác ở vùng cao chỉ làm được ruộng một mùa vụ, cho nên việc ăn tết của đồng bào thường kéo dài hàng tháng, thông thường những ngày đầu năm dương lịch thì các nhà mổ lợn, gà để cúng ông bà tổ tiên, cúng cho mưa thuận gió hòa, sau là ăn và chơi Tết.

Những mảnh ruộng rộng sau vụ gặt trở thành điểm chơi tết của bà con. Dập dìu trong tiếng khèn môi, khèn lá gọi bạn còn có các trò như đua ngựa, ném Pao, đẩy gậy và đánh quay.

Theo tiếng Mông, đánh quay là Tầu tù lu. Tù lu (con quay) được làm từ một loại cây gỗ cứng trên rừng, có đường kính 7-10 cm, đầu nhọn có tác dụng điểm chạm của quay; đầu kia gọt bằng, khi chơi thường là đánh điểm đánh của các con quay khác. Dây đánh quay gọi là Cua được se bằng lanh, dài khoảng một mét, được nối với một đoạn Pảng (gậy) nhỏ cỡ ngón tay cái dài khoảng 40 cm.

Khi chơi, từng cặp thanh niên dùng dây quấn con quay theo chiều thuận tay chơi. Khi có tiếng hô Tầu lâu (đánh đi) thì từng cặp hai người xuống quay để so tài, ai có quay “sống” lâu hơn thì được quyền đánh tiếp, người kia phải để quay chết làm điểm cho mọi người chọi chơi. Người chơi chọi trúng quay của đối phương mà không bị “chết” thì tiếp tục được vào vòng trong. Lần lượt sẽ chọn được một người chiến thắng.

Thú chơi quay rèn cho người chơi phải có sức khỏe, độ khéo léo, tinh nhanh và phán đoán tốt. Nhưng điều quan trọng là, người chơi được sự cổ vũ rất nhiệt tình của các thiếu nữ Mông đứng xem xung quanh. Không ít thiếu nữ đã chọn được bạn tình của mình trong những thanh niên chơi quay và nên vợ, nên chồng sống hạnh phúc trọn đời bên nhau.

Mai Linh

Tin cùng chuyên mục