Bước đệm cho những “đột phá” mới

- Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTT&MN) giai đoạn 2021 - 2030 đã được Quốc hội khóa XIV phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019, phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 và được Chính phủ triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020. Nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết, ngay trong năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo các nội dung làm nền móng vững chắc để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Ông Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, ngay từ đầu năm 2020, Ban Dân tộc đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh đưa nội dung thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH vào Chương trình hành động số 01-CTrHĐ/TU ngày 18/11/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh. Ban Dân tộc tỉnh chủ động xây dựng đề cương, nhiệm vụ của Đề án trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố khảo sát, đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội ở 121 xã thuộc địa bàn vùng DTTS&MN; xác định đối tượng, phạm vi, nhu cầu vốn thực hiện của 10 dự án thành phần làm cơ sở trình tại Hội nghị lần thứ 5, BCH Đảng bộ tỉnh, khóa XVII.

Người dân ở xã Quý Quân (Yên Sơn) tích cực chuyển đổi cây trồng, thoát nghèo nhờ cây bưởi.

Thời gian qua, khó khăn bước đầu trong thực hiện Đề án là Chính phủ chưa phê duyệt báo cáo khả thi, chưa ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí về nội dung, định mức kinh phí phân bổ vốn và chưa bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện chương trình. Do vậy, việc triển khai xây dựng Đề án của cả giai đoạn, kế hoạch của năm 2021 gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là việc xác định định mức đầu tư, hỗ trợ, tổng nhu cầu vốn thực hiện các dự án và tiến độ phê duyệt Đề án. Song để tận dụng tối đa về thời gian, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

Với tinh thần tích cực, khẩn trương, ngày 6/9/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 147/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia gồm 7 mục tiêu cụ thể; 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, mục tiêu đầu tiên là góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đối với 3 xã khu vực III và 1 xã khu vực II thuộc vùng DTTT&MN. Toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 3%/năm. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ hỗ trợ khoảng 2.500 hộ nghèo về làm nhà ở đảm bảo 3 cứng theo quy định, nước sinh hoạt phân tán, chuyển đổi nghề. Các cấp, ngành phối hợp thực hiện di chuyển, ổn định dân cư cho 30 hộ. Phấn đấu đến hết năm 2021, tỉnh sẽ có 3 tuyến đường trung tâm xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn được đầu tư theo hướng đô thị. Chương trình sẽ góp phần hoàn thành kế hoạch chuyển đổi 05 trường phổ thông thành trường phổ thông dân tộc bán trú. Mục tiêu cuối cùng, tỉnh ta sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thôn bản theo tiêu chí nông thôn mới. Thực hiện tốt các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ, trẻ em. 

Hiện nay, UBND tỉnh lựa chọn 3 dự án trong tổng số 10 dự án để thực hiện khảo sát, lập hồ sơ thiết kế và lập dự toán nhằm chủ động, chuẩn bị đầu tư đảm bảo chương trình sẽ được thực hiện ngay sau khi Trung ương phân bổ kinh phí cho tỉnh theo kế hoạch. Đó là, dự án số 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN và các cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc. Dự án số 5 về phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Dự án số 9 về đầu tư tạo sinh kế, phát triển kinh tế nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.

Đời sống của đồng bào Dao, xã Sơn Phú (Na Hang) được nâng lên khi có tuyến đường bê tông nông thôn.

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh hiện đã tham mưu, đề xuất kế hoạch, nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2022 và giai đoạn 2022-2024. Ban Dân tộc tỉnh cũng đã phối hợp với UBND các huyện dự kiến danh mục các công trình cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia sử dụng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới trình UBND tỉnh cáo cáo, đề xuất với Ủy ban Dân tộc. Trong đó, UBND tỉnh đã đề nghị tổng số 14 dự án gồm 10 dự án là công trình giao thông; 4 dự án là công trình trường học. Ban Dân tộc tỉnh cũng đã khảo sát thực tế địa điểm một số công trình dự kiến đưa vào kế hoạch thực hiện năm 2021 tại các huyện Hàm Yên, Sơn Dương, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình.

Ngày 14-10-2021 vừa qua, Chính phủ đã ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 với dự kiến tổng mức vốn 137.664,959 tỷ đồng. Tin tưởng rằng, với sự chủ động của Ban Dân tộc tỉnh, các dự án trong Đề án của tỉnh ta đề ra trong năm 2021 khẩn trương đi vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2022-2025.

Bài, ảnh: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục