Bước đột phá trong hoạt động xét xử

- Tranh tụng tại phiên tòa thực chất là quyền cho phép bên bị buộc tội và bên buộc tội đưa ra những lý lẽ để chứng minh những căn cứ của kiểm sát viên thực hành quyền công tố là đúng hay sai, từ đó hội đồng xét xử (HĐXX) sẽ đưa ra được bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Hiện nay, tranh tụng tại phiên tòa đang ngày càng đổi mới, bị cáo có quyền tự bào chữa, luật sư cũng có quyền thu thập chứng cứ gỡ tội cho bị cáo...

Hội đồng xét xử có nghĩa vụ lắng nghe các bên tranh tụng để đưa ra phán quyết cuối cùng.

Tại các phòng xử án của tòa án đều sắp xếp vị trí của kiểm sát viên ngang hàng với vị trí của người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng, đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tranh tụng tại phiên tòa. Theo Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nguyễn Minh Hùng, việc bố trí lại vị trí tại phiên tòa được coi là khâu đột phá của hoạt động cải cách tư pháp, trọng tâm là đổi mới công tác xét xử. Từ đây, sau khi nghe các bên tranh luận, HĐXX có đủ căn cứ để xem xét đầy đủ, toàn diện những chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, luật sư, bị cáo và những người tham gia tố tụng để đưa ra bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Tòa án nhân dân huyện Sơn Dương đã giải quyết 371 vụ án trong tổng số 492 vụ được thụ lý. Bà Hoàng Thị Minh Khánh, Chánh án Tòa án nhân dân huyện cho biết: nếu việc xét xử tại tòa chỉ căn cứ vào tài liệu đã được cơ quan điều tra thu thập, Viện Kiểm sát nhân dân xác minh và chuyển lên cho HĐXX thì rõ ràng là không khách quan, nhiều khi không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi của bị cáo. Vì vậy, cải cách tư pháp đã xác định toàn bộ tài liệu, chứng cứ, vật chứng liên quan đến vụ án phải được xem xét, đánh giá công khai tại tòa và được các bên tranh tụng. Theo quy định, trong phần tranh tụng HĐXX sẽ lắng nghe câu hỏi và nghĩa vụ chứng minh giữa các bên để đưa ra quyết định cuối cùng, không dựa vào tài liệu có sẵn trong hồ sơ như trước đây để buộc tội bị cáo, điều này giảm án oan sai, xét xử đúng người, đúng tội.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành Tòa án tỉnh đã thụ lý 2.175 vụ việc, trong đó đã đưa ra xét xử 1.473 vụ việc, đạt tỷ lệ giải quyết 67,7%. Nhiều vụ án được làm sáng tỏ, đúng người, phán quyết đều diễn ra sau những cuộc tranh tụng tại phiên tòa. Chánh tòa Hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh Hồ Thanh Sơn cho biết, vụ án Triệu Văn Chanh, thôn Phúc Long 2, xã Thành Long (Hàm Yên) phạm tội giết người là 1 ví dụ về tính mở trong tranh tụng tại tòa. Trước đó, vào tháng 11- 2021 tại nhà ông Đặng Văn Chai, cùng thôn, do bực tức trong việc loa đài hát Karaoke nhà ông Chai mở to khiến Chanh không ngủ được, sẵn có hơi men, Chanh đã tìm ông Chai để gây xích mích. Bất ngờ anh Bàn Văn Bằng từ nhà đi ra, nghĩ là do anh Bằng khiêu khích, Chanh đã dùng dao đâm anh Bằng tử vong.

Một phiên tòa tại Tòa án nhân dân tỉnh đảm bảo yếu tố tranh tụng công khai, khách quan.

Trong quá trình xét xử, mất rất nhiều thời gian, nhiều ngày Chanh đứng lên thanh minh, giải thích hòng giảm nhẹ tội, như trước đó đã uống rượu, bức xúc bị dồn nén đã lâu, đã nhiều lần góp ý nhà ông Chai nhưng không được hồi đáp. Luật sư tham gia tố tụng cũng xin thời gian để thu thập chứng cứ, nếu như trước đây, nếu không có phần tranh tụng thì vụ án sẽ kết thúc nhanh theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, nhưng theo quy định mới của Bộ luật Tố tụng Hình sự cho phép các bên tranh tụng, HĐXX kiên trì lắng nghe từ các bên, tuy nhiên, với chứng cứ xác đáng, những tình tiết, chứng cứ đều không có cơ sở để giảm nhẹ được tội, HĐXX nhận thấy bị cáo đủ năng lực hành vi dân sự, nên đã tuyên phạt bị cáo tù chung thân với tội danh giết người. Bản án được tuyên thuyết phục các bên, nhất là đối với bị cáo dẫu có lý lẽ phạm tội do say rượu, nhưng luật quy định phạm tội trong tình trạng say vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự vì trước đó bị cáo hoàn toàn nhận thức được uống rượu là sẽ say, ảnh hưởng đến cảm xúc và năng lực hành vi. 

Là người có nhiều năm kinh nghiệm bào chữa tại các phiên tòa, luật sư Vũ Trung Kiên, Văn phòng luật sư Vũ Kiên (TP Tuyên Quang) nêu quan điểm, việc luật sư và bị cáo được tranh tụng, có quyền đưa ra các bằng chứng mới tự mình thu thập là bước đột phá trong thực hành quyền dân chủ tại phiên tòa. Tuy nhiên, để thực hiện tốt điều đó, luật sư phải có bản lĩnh, am hiểu luật pháp và truyền thống văn hóa để bào chữa, góp phần cung cấp cho HĐXX chứng cứ khách quan, đưa ra bản án đúng người, đúng tội.

Có thể thấy, việc tranh tụng tại phiên tòa là phần việc quan trọng trong công tác xét xử, đảm bảo sự công khai, minh bạch, nêu bật quyền được ý kiến, tự bào chữa của bị cáo và luật sư. Nếu trước đây, khi bị can đang trong quá trình tạm giam, tài liệu mà luật sư thu thập chỉ được coi là tài liệu thường, nhưng hiện nay luật đã quy định rất rõ, tài liệu đó có thể được công nhận là chứng cứ nếu thỏa mãn các điều kiện của chứng cứ theo quy định. 

Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nguyễn Minh Hùng nhấn mạnh, tinh thần cải cách tư pháp luôn được ngành Tòa án thực hiện nghiêm túc, toàn bộ phán quyết của HĐXX đều dựa trên các quy định pháp luật, các tình tiết, chứng cứ, lập luận sẽ được kiểm tra, xem xét đầy đủ từ các bên liên quan tại phiên tòa, không thiên vị và định kiến. HĐXX luôn giữ thái độ công tâm, quan điểm xuyên suốt là không bỏ sót bất cứ vấn đề pháp lý hoặc tình tiết, chứng cứ nào có liên quan đến vụ án, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, hạn chế tối đa án oan sai.

Bài, ảnh: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục