Cần dẹp bỏ quán ăn di động trước cổng trường học

- Thực phẩm không an toàn đang là vấn nạn của toàn xã hội, từng ngày, từng giờ đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng. Mối nguy tiềm ẩn này đang len lỏi khắp mọi nơi, lo lắng nhất là ở trong không gian học đường, thế hệ tương lai của quê hương, đất nước.

Mối nguy hiểm luôn rình rập

Khảo sát tại một số trường học trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố vào lúc đầu giờ và lúc tan trường chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh học sinh “nhiệt tình” mua quà ăn vặt tại các hàng, quán trước cổng trường với các món ăn nhanh như: Phô mai que, xúc xích, thịt xiên nướng, các loại bánh kẹo đóng gói... Điểm chung của các thực phẩm này là được chế biến ngay bên lề đường trong điều kiện khói bụi và nguyên liệu có khi đến người bán cũng không rõ nguồn gốc. Thế nhưng, những món ăn 3 không (không nguồn gốc, không xuất xứ, không hạn sử dụng) vẫn cuốn hút học sinh và trở thành mối nguy hại cho sức khỏe của thế hệ tương lai.

Một cửa hàng thức ăn di động không được che đậy cẩn thận như thế này tại trường Tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang) tiềm ẩn mất an toàn thực phẩm cho học sinh. Ảnh: Quốc Việt

Có mặt tại cổng trường THCS Phan Thiết (TP Tuyên Quang) trước giờ vào học và tan học, chúng tôi được chứng kiến cảnh từng tốp học sinh sà vào các hàng quán quanh khu vực cổng trường. Em mua que kẹo mút, em mua gói bim bim, gà cay, chân gà, bò khô, tăm cay… Các đồ ăn này đều có đặc điểm chung là màu sắc sặc sỡ, bao bì bắt mắt, được in bằng chữ nước ngoài… Giá cả của những món ăn vặt này cũng rất rẻ, chỉ từ 1.000 - 10.000 đồng/sản phẩm.

Chị Ma Thị Hồng Duyên, thị trấn Na Hang (Na Hang) có con đang học tại trường Tiểu học thị trấn Na Hang chia sẻ, chị thực sự lo ngại trước “ma trận” thực phẩm đang bày bán tại các cổng trường bởi các em học sinh còn nhỏ tuổi, chưa nhận thức đầy đủ về đảm bảo an toàn thực phẩm mà chỉ cần đẹp, rẻ tiền là mua. Chị cũng khuyên con không được ăn những thực phẩm đó và thậm chí không cho con tiền để mua nhưng nhiều khi bạn bè ăn, chia sẻ với cháu thì mình rất khó quản lý.

Lo lắng của chị Duyên cũng là nỗi lo chung của nhiều phụ huynh vì học sinh là nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm độc cao nhất do sức đề kháng yếu.

Cần có những biện pháp lâu dài

Dẹp hàng quán trước cổng trường là việc làm cấp thiết. Tuy nhiên, muốn dẹp bỏ đòi hỏi cần có sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Cô giáo Trần Thanh Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết: Nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở những người bày bán hàng ở trước cổng trường nhưng lần nào họ cũng ậm ừ cho qua rồi đâu lại hoàn đó. Do họ buôn bán ngoài khu vực trường quản lý nên trường không thể ngăn cấm; việc cho bán hay không phải có sự can thiệp của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Về phía nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở học sinh không mua và ăn các loại thực phẩm bày bán trước cổng trường. Nhưng thú thật, tình trạng nhiều học sinh mua quà ăn vặt tại các hàng quán di động trước cổng trường vẫn còn khá phổ biến.

Anh Nguyễn Văn Hiệu, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang), một phụ huynh học sinh trường Tiểu học Bình Thuận cũng bộc bạch, nếu chấm dứt được việc buôn bán trước cổng trường thì đó là điều quá tốt. Nhiều lúc con trẻ đòi mua cái này, cái kia không mua thì thương con, con người ta có, con mình không, nghĩ cũng tội nghiệp. Mua thì lo sợ không hợp vệ sinh, gây ngộ độc thực phẩm. Bởi hàng quán toàn là những thực phẩm ăn uống với đủ màu sắc, hương vị tổng hợp không rõ nguồn gốc. Tác hại thì chưa nhìn thấy ngay nhưng về lâu dài ảnh hưởng đến nòi giống dân tộc, các cháu sẽ bị mắc các bệnh đường ruột, tiêu hóa, lo ngại nhất là sau này mắc ung thư từ thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Đề cập đến vấn đề quản lý hàng rong nơi cổng trường học, ông Lê Xuân Vân, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Hàng năm, các cơ quan chức năng đều tổ chức các đợt thanh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc kiểm tra thường chỉ tập trung ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các cửa hàng kinh doanh lớn còn hàng quà bán rong tại cổng các trường học là những loại thực phẩm được chế biến dùng để ăn, uống ngay thuộc nhóm thức ăn đường phố. Theo phân cấp, việc quản lý loại hình kinh doanh này thuộc trách nhiệm của UBND phường, xã, thị trấn sở tại. Cũng theo ông Vân, riêng tại khu vực trường học, nhiều năm nay, Sở Y tế đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các huyện, thành phố thường xuyên chỉ đạo, tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tập thể của các trường học. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm trong nhà trường.

Nói về việc kiểm tra các hàng quán trên địa bàn phường, nhất là tại khu vực cổng các trường học trên địa bàn, đồng chí Cù Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Minh Xuân cho biết, hiện nay phường có 7 trường học từ bậc mầm non đến THCS. Phường đã thành lập tổ công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân bán hàng quán tại cổng trường học nhưng hiệu quả chưa cao. Trong thời gian tới, phường sẽ thực hiện quyết liệt hơn bảo đảm việc bán hàng đúng quy định, bảo vệ sức khỏe cho học sinh.

Để bảo đảm sức khỏe cho trẻ đến trường và tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra, nhà trường và phụ huynh cần phối kết hợp trong việc giáo dục cho các em ý thức tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc và đưa ra những giải pháp mang tính lâu dài để chấm dứt tình trạng hàng quán mất vệ sinh bày bán tràn lan trước cổng trường học.

Thái Bảo

Tin cùng chuyên mục