“Cây cao, bóng cả” tỏa mát muôn nhà

- “Tóc bạc, lưng còng”, nhưng người cao tuổi (NCT) trên địa bàn tỉnh vẫn sống vui, sống khỏe. Tuổi cao, chí càng cao, lòng nhiệt tình, ý thức trách nhiệm và bề dày kinh nghiệm là những lợi thế để họ tiếp tục lao động, sản xuất, hăng hái tham gia hoạt động xã hội tại địa phương. Họ được ví như “Cây cao, bóng cả” tỏa sáng muôn nhà.

Đóng góp cho cộng đồng

Đội tình nguyện viên Chữ thập đỏ Tân Hòa (Sơn Dương) hiện có 52 thành viên, trong đó có 40 thành viên là NCT. Hơn 10 năm qua, đội đã làm rất nhiều việc như biểu diễn văn nghệ, rửa xe, làm tương, gói bánh chưng, vận động quyên góp, xin đồ dùng, quần áo cũ về sửa chữa... để giúp đỡ các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hiện nay, có hơn 74 địa chỉ nhân đạo được Đội tình nguyện thường xuyên giúp đỡ.

Ông Trịnh Đình Bồng, 70 tuổi, Đội trưởng Đội tình nguyện viên Chữ thập đỏ Tân Hòa cho biết, các thành viên đều là các ông, các bà cao tuổi và chung mong muốn giúp đỡ người khó khăn, kém may mắn. Vì lẽ đó, dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng các thành viên vẫn miệt mài làm nhân đạo. Đoàn kết, thống nhất làm nhân đạo, không chỉ làm đẹp cho đời, sống khỏe, sống có ích, mà còn là tấm gương cho thế hệ trẻ.

Còn CCB Đào Xuân Chiến, thương binh hạng 2/4, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) bị thương do bom xăng và nhiễm chất độc da cam/dioxin quá trình tham gia chiến tranh chống Mỹ. Ông gắn bó Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã ngay từ những ngày đầu lập hội. Gần chục năm làm “thủ lĩnh” Hội là bấy nhiêu năm ông “vác tù và” đi từng ngõ, gõ từng nhà đồng hành sẻ chia mất mát, đau thương cùng hội viên. Không một đồng trợ cấp, hỗ trợ, mỗi lần lên huyện hay xuống bản cùng anh em, ông đều tự bỏ tiền túi đổ xăng xe.

Người cao tuổi thành phố Tuyên Quang tham gia biểu diễn văn nghệ tại hội nghị tổng kết công tác Hội NCT nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Dù tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng ông Hà Văn Đạo, tổ dân phố Tân Thắng, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) vẫn quan niệm “còn sức còn cống hiến”. Ông Đạo có 10 năm tham gia công tác thôn Tân Thắng, xã Thắng Quân (nay là tổ dân phố Tân Thắng, thị trấn Yên Sơn) với nhiều cương vị khác nhau, như: trưởng thôn, công an viên và nay là Trưởng Ban công tác mặt trận tổ dân phố. Ông luôn nêu gương sáng trong mọi việc. Điển hình như phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới. Đầu năm 2021, Tân Thắng làm nhà văn hóa thôn, tuy nhiên, thôn thiếu quỹ đất. Để đảm bảo diện tích đất xây dựng nhà văn hóa theo quy định, ông Đạo đã bàn với gia đình tình nguyện hiến 125 m2 đất vườn trồng cây lâu năm để thôn xây dựng.

Từ hành động đẹp của mình, ông Đạo đã vận động thêm 5 hộ dân hiến 1.000 m2 đất để thôn có đủ diện tích đất xây nhà văn hóa theo quy định. Trước đó, năm 2019, gia đình ông cũng đã tình nguyện hiến 200 m2 đất làm đường giao thông nội đồng theo Nghị quyết 03 HĐND tỉnh. Ngoài ra, cùng với Ban công tác mặt trận thôn, ông Đạo đã vận động nhân dân đóng góp 180 triệu đồng xây nhà văn hóa thôn, góp 125 triệu đồng bê tông 3 tuyến đường giao thông nội đồng. Việc làm của ông Đạo đã tạo sức lan tỏa và nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân. Từ những tuyến đường đẹp đã thúc đẩy bà con làm tuyến đường thắp sáng, đường hoa, diện mạo thôn từng bước được thay đổi. 

Xông pha trên trận tuyến mới

Với nhiều người, khi tuổi cao là lúc bản thân được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già. Nhưng với ông Hà Ngọc Thuyền, thôn Pác Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) thì đây là thời gian ông khẳng định vai trò của mình trong phát triển kinh tế. Với niềm đam mê phát triển kinh tế trang trại, sau khi nghỉ hưu, ông Thuyền bắt tay ngay vào xây dựng trang trại tổng hợp VAR trồng các loại cây ăn quả, chăn nuôi cá và trồng rừng. Bình quân hàng năm, trang trại xuất ra thị trường hàng chục tấn quả như bưởi ngọt, bưởi diễn, bưởi da xanh, cam vinh, quýt, mít, ổi, chanh, thanh long, trám... Đây là trang trại duy nhất tại xã Linh Phú. Cá nhân ông Thuyền là tấm gương sáng làm kinh tế giỏi ở địa phương.

Hay ông Hoàng Ngọc Chỉ, 72 tuổi, tổ dân phố Nặm Đíp, Thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) một trong những tấm gương điển hình về phát triển một số cây trồng vật nuôi đặc sản có lợi thế theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa II). Thấy 3 loại cây đặc sản: bò khai, giảo cổ lam, cây rau ngót rừng dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao, ông Chỉ đã lên rừng tìm cây giống về ươm và nhân giống trồng ở vườn. Với tổng diện tích 3.000 m2, mỗi năm gia đình ông xuất bán gần 400 kg các loại rau. Từ bán rau, trung bình gia đình lãi gần 50 triệu đồng/năm. Hiện gia đình ông đã liên kết với các nhóm hộ cùng trồng rau đặc sản để cung cấp cho các cơ sở homestay, nhà hàng trên địa bàn xã. Mô hình góp phần đa dạng các loại rau đặc sản, thu hút khách du lịch, vừa nâng cao đời sống gia đình.

Toàn tỉnh hiện có hơn 85.000 người cao tuổi. Với trí tuệ và kinh nghiệm của mình, NCT trong tỉnh đã và đang vượt qua trở ngại tuổi tác để cống hiến sức mình trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Sự kiên trì, nhẫn nại cùng những kinh nghiệm quý báu của họ đã góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... Đồng thời là “điểm tựa” của gia đình, tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

  Bài, ảnh: Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục