Chữa lành tự kỷ bằng “liệu pháp” yêu thương

- Trẻ mắc chứng tự kỷ cần được quan tâm, thấu hiểu và đón nhận tình yêu thương từ gia đình, nhà trường cũng như xã hội. Nếu được can thiệp sớm, đúng cách bằng cả tâm huyết và sự yêu thương, trẻ tự kỷ có thể được chữa lành, phục hồi và sớm hòa nhập cộng đồng.

Đối với những trẻ tự kỷ thì ông bà, cha mẹ,  người thân chính là những bác sỹ tốt nhất trong suốt quá trình trị liệu kéo dài. Chị V.T.H, xã Bình Xa (Hàm Yên) tâm sự, cuối năm 2020, khi con gái chị được hơn 12 tháng tuổi thì chị phát hiện con không bi bô tập nói như những đứa trẻ khác, cũng không có sự giao tiếp bằng ánh mắt hàng ngày. Khi ấy, chị đã đưa con đi khám và được biết về chứng tự kỷ.  Được sự hỗ trợ của các bác sỹ, kỹ thuật viên Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen, vợ chồng chị đã dành nhiều thời gian tìm hiểu “thế giới riêng” của con. Từ đó tìm ra phương án tốt nhất để hướng dẫn con thay đổi hành vi, trị liệu ngôn ngữ, luyện tập vận động… Đến nay, con gái chị đã có thể nói được nhiều từ ghép và tương tác với mọi người nhiều hơn.

Công việc can thiệp trị liệu hàng ngày cho trẻ tự kỷ không quá phức tạp nhưng đòi hỏi sự nhẫn nại, kiên trì và nhiều tình thương. Hơn 10 năm gắn bó với việc can thiệp điều trị cho trẻ tự kỷ, kỹ thuật viên Vũ Thị Mỹ Vân, Khoa Vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu,  Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen hiểu rằng đây không phải là công việc dễ dàng. Chị tâm sự, trẻ mắc chứng tự kỷ thường rất nhạy cảm, dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh, nếu không khéo léo thì không thể kết nối với trẻ. Mặt khác, các con cũng có nhận thức, tình cảm bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng lại khó bộc lộ hơn. Công việc của mỗi kỹ thuật viên hàng ngày không chỉ là can thiệp cá nhân, can thiệp nhóm, điện xung hầu họng kích thích nói mà còn cần phải thấu hiểu để hướng dẫn trẻ hòa nhập cộng đồng sau khi được giáo dục chuyên biệt.

Trẻ tự kỷ được can thiệp trị liệu tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen.

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về nguyên nhân phát sinh chứng tự kỷ, tuy nhiên các nhà khoa học trong và ngoài nước vẫn chưa tìm ra nguyên do chính xác. Một số yếu tố có nguy cơ làm gia tăng chứng tự kỷ đó là do di truyền, quá trình mang thai mẹ tiếp xúc với nhiều chất độc hại, mẹ mắc bệnh trong quá trình mang thai hoặc sử dụng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sỹ, trẻ sinh non… Ngoài ra, một số yếu tố có thể khiến bệnh trầm trọng hơn đó là trẻ không được chăm sóc đúng cách, trẻ xem tivi, điện thoại nhiều…

Theo bác sỹ CK II Trần Thị Kim Thoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen, thời điểm ''vàng'' để phát hiện và can thiệp tự kỷ là giai đoạn từ 18 đến 36 tháng tuổi. Nếu được điều trị tốt, trẻ có thể phục hồi từ 70-80%. Các bậc phụ huynh cần theo dõi các dấu hiệu nghi ngờ mắc tự kỷ như khi trẻ 12 tháng tuổi không có cử chỉ như vẫy tay, bắt tay hay bày tỏ cảm xúc như lắc đầu phản đối, gật đầu đồng tình; 16 tháng tuổi trẻ không nói từ đơn; 24 tháng tuổi không nói câu 2 từ trở lên; mất kỹ năng giao tiếp hoặc kỹ năng ngôn ngữ; không đáp lại khi được gọi tên… Ngoài ra, nếu trẻ có biểu hiện tăng động, giảm chú ý, phụ huynh cũng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời. Khi trẻ được điều trị sớm, các khiếm khuyết như kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức, tư duy sẽ dễ được phục hồi, từ đó trẻ có nhiều cơ hội để hòa nhập với cộng đồng hơn.

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục