Chung sức tình nguyện vì sự nghiệp nhân đạo

- Năm 2021 đánh dấu chặng đường 75 năm lịch sử vẻ vang của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Đây là dịp để mỗi cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ (CTĐ) vinh dự, tự hào ôn lại bề dày truyền thống 75 năm của Hội, từng bước thực hiện có hiệu quả vai trò là lực lượng nòng cốt, cầu nối trong hoạt động nhân đạo.

Phát huy truyền thống

Ngày 23-11-1946, tại Đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) đã diễn ra Đại hội lần thứ nhất, chính thức thành lập Hội Hồng thập tự Việt Nam. Kể từ đó, ngày 23-11-1946 đã đi vào lịch sử của Hội CTĐ Việt Nam đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội từ thiện, nhân đạo của quần chúng.

Cùng với quá trình hình thành và phát triển của Hội CTĐ Việt Nam, ngày 22-9-1978, Hội CTĐ tỉnh Tuyên Quang được thành lập với tên gọi là Hội CTĐ tỉnh Hà Tuyên. Sau 13 năm hoạt động đến ngày 24-9-1991 khi tách tỉnh, Hội CTĐ Hà Tuyên thành Hội CTĐ Hà Giang và Hội CTĐ Tuyên Quang và từ đó gọi là Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tuyên Quang.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh chia sẻ, thời gian qua, Hội CTĐ Tuyên Quang tăng cường phát triển lực lượng của Hội và quản lý hội viên. Toàn tỉnh có 184 Hội cơ sở (138 Hội Chữ thập đỏ xã, phường, thị trấn; 46 Hội Chữ thập đỏ cơ quan, trường học), 2.141 chi hội với 47.703 hội viên và 40.327 thanh thiếu niên CTĐ, 1.043 tình nguyện viên CTĐ thường xuyên tham gia hoạt động. Nhiều mô hình hoạt động đặc thù, xuất sắc, tạo được uy tín, vị thế trong và ngoài nước như: Đội  cấp cứu Chữ thập đỏ Sông Lô Tuyên Quang, Đội tình nguyện viên Chữ thập đỏ Phổ Hiền (TP Tuyên Quang), Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ Tân Hòa (Sơn Dương)...

Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ huyện Lâm Bình phòng chống dịch Covid-19

Những năm qua, công tác cứu trợ xã hội, trợ giúp nhân đạo, chăm sóc, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, giúp đỡ người nghèo, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam được Hội triển khai toàn diện và thu được kết quả tích cực. Điển hình là phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo"... Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã chủ động đổi mới nội dung, hình thức huy động theo phương châm “Chuyên nghiệp và đáng tin cậy”. Hội đề cao việc tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí được hỗ trợ, tạo dựng niềm tin đối với các nhà tài trợ.

Nhờ đó nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Điển hình như: Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Agribank, chi nhánh Tuyên Quang, Ngân hàng Viettinbank chi nhánh tỉnhTuyên Quang, Ngân hàng Vietcombank; Công ty TNHH Thành Hưng; Ngân hàng BIDV chi nhánh Tuyên Quang...

Ông Phạm Quang Hiệp, Công ty TNHH Hiệp Phú (TP Tuyên Quang) cho biết "Đi đôi với việc tổ chức tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty chú trọng thực hiện các chương trình tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Do đó, tham gia chương trình nhân đạo, từ thiện là một hoạt động không thể thiếu đối với doanh nghiệp như chúng tôi. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp bày tỏ tấm lòng hướng tới cộng đồng, công tác an sinh xã hội.

Kết quả vận động năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2017, phong trào nhận được ủng hộ có giá trị hơn 3 tỷ đồng, thì đến năm 2021 lên tới gần 9 tỷ đồng với hơn 20.000 suất hộ nghèo và nạn nhân chất độc da cam, gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh được hưởng hỗ trợ.

Hoạt động “Tháng nhân đạo” với các hoạt động trợ giúp thiết thực cho người dân cũng thành công hết sức tốt đẹp. Chỉ tính riêng Tháng nhân đạo năm 2021 có trên 6 tỷ đồng đã được vận động từ các cấp Hội (riêng Hội CTĐ tỉnh đã vận động 5,5 tỷ đồng) vượt 500% so với kế hoạch là 1,2 tỷ đồng.

Đa dạng các hoạt động nhân đạo

Hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân dựa vào cộng đồng tiếp tục được tổ chức sâu rộng, khẳng định vai trò cầu nối của Hội. Trung bình mỗi năm tổ chức từ 10 - 12 đợt hiến máu tình nguyện. Nếu như năm 2017 tiếp nhận được gần 4.000 đơn vị máu thì đến năm 2021 là 6.000 đơn vị máu, phục vụ nhu cầu điều trị cho nhiều bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Các hoạt động cứu trợ khẩn cấp đồng bào bị thiên tai; hỗ trợ nạn nhân trong các vụ tai nạn, thảm họa được các cấp Hội tiến hành nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, các cấp Hội đã kịp thời cứu trợ những người bị nạn, thăm hỏi gần 800 hộ gia đình bị thiệt hại do hỏa hoạn, thiên tai trên địa bàn tỉnh. Điển hình như năm 2021, Hội CTĐ tỉnh đã cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo cho 197 hộ dân bị cách ly tại 3 thôn thuộc xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) trị giá trên 100 triệu đồng, phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ bán hỗ trợ hơn 10 tấn nông sản...

Hưởng ứng Chiến dịch “Kết nối cộng đồng - Vượt qua thách thức” do Trung ương Hội CTĐ Việt Nam phát động, Hội CTĐ tỉnh chủ trì phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai đợt vận động ủng hộ các sản phẩm nông sản, nhu yếu phẩm... để giúp đỡ nhân dân Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả đã vận động và tiếp nhận tổng số hàng trên 1.000 tấn, tổng trị giá trên 6 tỷ đồng.

Những ngày vừa qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp Hội Nông dân tỉnh vận động nhân dân các huyện và TP Tuyên Quang kịp thời ủng hộ nhu yếu phẩm hỗ trợ huyện Lâm Bình phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Kết quả, sau phát động đã thu được hơn 30 tấn gạo, gần 1.000 thùng mỳ tôm, hơn 10 tấn rau củ quả, nhu yếu phẩm và 12.500 khẩu trang, bộ đồ bảo hộ, nước sát khuẩn... Toàn bộ nhu yếu phẩm đã nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện dã chiến và các khu cách ly tập trung của huyện Lâm Bình.

Bằng những việc làm cụ thể, các cơ sở Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh đã trở thành “cầu nối” để các tổ chức, đơn vị cá nhân đến gần hơn với công tác nhân đạo. Giá trị nhân đạo hàng năm liên tục tăng nếu như năm 2017 hơn 10 tỷ thì đến năm 2021 là 40 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Hội tiếp tục tích cực tuyên truyền nhân rộng các mô hình từ thiện hướng tới mục tiêu xã hội hóa công tác nhân đạo.

 Bài, ảnh: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục