Dịch vụ bánh chưng dịp Tết

TQĐT - Đối với mỗi gia đình người Việt, dù giàu hay nghèo, Tết đều phải có mấy cặp bánh chưng để cúng tổ tiên, sắp mâm cỗ ngày đầu xuân năm mới. Một số gia đình vẫn giữ nét truyền thống tự tay gói, luộc bánh chưng Tết. Nhưng hiện nay có rất nhiều gia đình chọn cách đặt dịch vụ gói bánh chưng, chỉ cần đến ngày là có bánh để bày Tết.

Một quầy hàng bán bánh chưng ở chợ Phan Thiết (TP Tuyên Quang) luôn đông khách.

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, thời điểm này dịch vụ gói bánh chưng Tết đang hối hả vào vụ. Chị Hà Thị Thoa, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) - một người gói bánh chưng chuyên nghiệp cho biết, gia đình đã nhận được đơn đặt hàng hơn 1.400 chiếc, số lượng còn tăng trong những ngày tới.

Để chuẩn bị cho “ra lò” một lượng bánh chưng tương đối lớn cho thị trường dịp Tết, chị đã phải trực tiếp đi các chợ đầu mối chọn mua lá dong đạt tiêu chuẩn. Lá dong tốt nhất là loại bánh tẻ, lá to, không có lông, xanh. Gạo chị nhập loại nếp cái hoa vàng, đỗ xanh hạt nhỏ loại ngon, thịt lợn ba chỉ và một số gia vị như hạt tiêu, muối.

Thường từ 15 tháng Chạp trở đi, những gia đình làm dịch vụ gói bánh chưng Tết lại tập trung gói, luộc bánh theo đơn đặt hàng của khách. Mỗi chiếc bánh chưng gói từ 3,5 - 4 lạng gạo, giá bánh dao động từ 25-50 nghìn đồng/cái tùy theo yêu cầu của khách. Để bánh bảo quản được lâu, không bị thiu thì khâu đãi gạo rất quan trọng. Gạo phải ngâm nước, đãi sạch, xóc muối trắng. Nhân đỗ có thể làm chín hoặc sống. Khi gói thịt phải được bao trong nhân đỗ, nhân đỗ được bao trong gạo nếp. Gói chặt tay, luộc tầm 9-10 tiếng liên tục, sau đó vớt ra treo bánh cho khô ráo. 

Chị Nguyễn Thị Xuân, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) đã nhiều năm nay làm dịch vụ gói bánh chưng chia sẻ, để có chiếc bánh chưng ngon, ngoài nguyên liệu, khâu làm bánh rất quan trọng. Để bánh xanh, rền đều, ăn vào thơm ngậy không bị hấy thì khâu chọn lá, ngâm gạo, trộn nhân, luộc phải đúng kỹ thuật. Có người đặt bánh gói khuôn, gói tay hay gói bánh tày dài, tùy sở thích. Có gia đình thích cỡ bánh loại nhỏ, nhưng cũng có gia đình thích loại tầm trung hay cỡ to, nhiều nhân hay ít nhân. Một số người còn yêu cầu trộn nước lá riềng vào gạo cho xanh bánh, hay khi luộc xong gói thêm một lượt lá mới để bày bàn thờ cho đẹp.

Với một số gia đình, việc đặt bánh chưng Tết đã được thực hiện nhiều năm nay. Nhưng để đặt được bánh ngon, ưng ý, mọi người đều lựa chọn những người có uy tín và làm nghề lâu năm. Ông Nguyễn Văn Thắng, phường Tân Quang chia sẻ, gia đình ông có 4 người, hai vợ chồng và hai con đang đi học. Nhiều năm nay, ông đều đặt bánh chưng Tết. Lý do là gia đình không ai biết gói bánh chưng.

Vì vậy, ông đặt khoảng 10 chiếc bánh chưng, hết 300 nghìn đồng là giải pháp tối ưu nhất. Ông Thắng đã gọi điện đặt bánh chưng theo yêu cầu, hẹn sáng 23 tháng Chạp lấy bánh sớm, để làm cơm tiễn ông Công, ông Táo chầu trời. Ông cũng cho rằng, ngày nào ra chợ đều có thể mua được bánh chưng, nhưng để có được những chiếc bánh ưng ý thì phải tìm hiểu kỹ người gói, nên ông thường đặt người quen.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay những nguyên liệu để làm bánh chưng như đỗ, lá dong, thịt lợn ổn định nên giá bánh không tăng nhiều. Người tiêu dùng luôn quan tâm, chú trọng đến chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, muốn làm nghề lâu dài ổn định, người gói không chỉ đáp ứng đúng yêu cầu của khách mà còn phải bảo đảm chất lượng và uy tín.          

Bài, ảnh: Quang Hòa             

Tin cùng chuyên mục