Đổi thay ở Phúc Bình

- Những ngày giáp Tết Nhâm Dần có dịp trở lại thôn Phúc Bình, xã Đông Lợi (Sơn Dương), chúng tôi được chứng kiến sự thay đổi đáng kể của mảnh đất nhiều gian khó ngày nào. Những ngôi nhà xây kiên cố khang trang, đường bê tông nối dài đến tận các hộ gia đình, rồi những mô hình kinh tế hiệu quả ngày càng được nhân rộng. Người dân hăng hái thi đua phát triển kinh tế...  Tất cả tạo nên diện mạo mới ở miền quê Phúc Bình.

 Anh Đinh Mạnh Hùng, thôn Phúc Bình, xã Đông Lợi (Sơn Dương) phát triển nghề mộc để nâng cao thu nhập.

Đồng chí Riêu Thị Đồng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phúc Bình cho biết, thôn có trên 65% là đồng bào dân tộc Cao Lan. Trước kia, Phúc Bình là thôn khó khăn của xã, trình độ dân trí không đồng đều, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, sản xuất nông nghiệp manh mún, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ... Từ năm 2010, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Chi bộ đã xác định, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên trong chi bộ phải gương mẫu đi đầu thực hiện. Nhờ công tác dân vận khéo của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, từ nguồn xi măng được hỗ trợ, các hộ dân trong thôn đóng góp cát, sỏi, và ngày công để bê tông hóa các tuyến đường nội thôn. Đến nay, thôn đã bê tông hóa được trên 2,3 km đường bê tông với 5 nhánh đường, nhân dân đóng trên 150 triệu đồng và 350 ngày công lao động. Đường giao thông thuận lợi đã giúp bà con đẩy mạnh giao thương hàng hóa, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, giàu đẹp.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, nhân dân trong thôn đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. So với các thôn khác trong xã, thôn có diện tích đất nông, lâm nghiệp khá lớn, với gần 200 ha; người dân tập trung chăn nuôi nhiều, đến nay toàn thôn có trên 100 con trâu, bò. Đàn gia cầm có trên 2.500 con; lợn có 500 con. Đây chính là lợi thế để người dân đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Gia đình anh Đinh Mạnh Hùng là một trong những hộ có thu nhập khá của thôn. Gắn bó với nghề trồng rừng hơn 10 năm nay đã giúp gia đình anh trở thành hộ khá giàu trong thôn. Ngoài việc đầu tư trồng 6 ha rừng, anh còn làm nghề thợ mộc, sản xuất các mặt hàng tủ, giường, kệ, bàn ghế... gỗ khai thác ngay tại gia đình. Anh chăn nuôi 17 con lợn thịt, làm ruộng. Nhờ năng động, dám nghĩ, dám làm nên kinh tế gia đình cũng ổn định. Mỗi năm, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh cho thu nhập trên 150 triệu đồng, tạo việc làm cho 2 lao động với mức lương 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, thôn Phúc Bình thành lập được 2 nhóm nghề lao động chính gồm: Nhóm làm nghề xây dựng với 3 tổ gồm 36 thành viên,  nhóm làm nghề mộc với 20 thành viên. Anh Phạm Duy Hùng, đội trưởng nhóm nghề xây dựng nói, các tổ xây dựng được thành lập từ năm 2010, đến nay, các tổ cùng liên kết với nhau để nhận những công trình xây dựng trong và ngoài địa phương để tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhau, cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Đời sống vật chất khấm khá dần lên, người dân cũng có điều kiện hơn để tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Thôn có 1 đội bóng chuyền hơi, đội văn nghệ Sình ca Cao Lan. Được biết, trong năm 2022, thôn sẽ được sửa chữa xây dựng mới nhà văn hóa. Vì vậy, trong thời gian này, thôn đang tuyên truyền vận động bà con hiến đất xây dựng nhà văn hóa và được nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Ông Trần Văn Đài, người có uy tín của thôn  hiến 200m2 đất để xây dựng nhà văn hóa. Khi được tuyên truyền về hiến đất xây dựng nhà văn hóa, gia đình ông không nề hà gì. Ông đã đồng thuận hiến một phần đất vườn để cùng nhân dân xây dựng nhà văn hóa.

Đến nay, thôn không có nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn trên 94%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt trên 24 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm qua từng năm. Hiện nay, thôn chỉ còn 16 hộ nghèo và cận nghèo. Qua bình xét năm nay, thôn có 96% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa; 65% hộ gia đình 3 năm liền đạt gia đình văn hóa; chi bộ nhiều năm đạt Chi bộ trong sạch, vững mạnh.

Từ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của người dân, Phúc Bình, xã Đông Lợi (Sơn Dương) từ một thôn khó khăn nay đã thực sự đổi thay. Đời sống nhân dân phát triển về mọi mặt để mỗi mùa xuân mới, Phúc Bình càng thêm no ấm, đẹp giàu.

Bài, ảnh: Minh Thủy

Tin cùng chuyên mục