Hướng về cơ sở, nâng cao hiệu quả thi hành án

- Tăng cường vận động, thuyết phục người dân chấp hành bản án, gần dân, chú trọng hướng về cơ sở là một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào thành công của công tác THADS tại Chi cục Thi hành án dân sự Hàm Yên trong thời gian qua.

Đồng chí Trương Thành Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự Hàm Yên cho biết: Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã thi hành xong 265 việc có điều kiện thi hành, đạt 75,5%; thi hành xong số tiền trên 4.6 tỷ đồng có điều kiện thi hành, đạt 47.8%, vượt chỉ tiêu do Tổng cục Thi hành án dân sự và Cục Thi hành án dân sự tỉnh giao, qua đó hạn chế thấp nhất án tồn đọng. Trong đó, công tác dân vận trong hoạt động THADS là việc làm quan trọng nhằm bảo đảm hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những nguyên tắc, trình tự, thủ tục trong THADS. Công tác dân vận không chỉ là sự gắn kết quan trọng, phát huy sức mạnh tổng thể trong quan hệ phối hợp và nội lực của đội ngũ công chức làm công tác thi hành án mà còn giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bên đương sự trong thực hiện thi hành án, qua đó hạn chế khiếu kiện; nâng cao ý thức tự nguyện thi hành án của đương sự, góp phần bảo đảm an ninh trật tự. 

Để công tác thi hành án có hiệu quả, đơn vị đã tranh thủ tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự huyện và các xã, thị trấn trong công tác thi hành án dân sự, nhất là với những vụ việc khó khăn, có liên quan đến đương sự chịu án phạt tù. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở động viên, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án; phối hợp với TAND, Viện KSND, công an huyện và ngân hàng cung cấp thông tin, giải quyết những vụ việc, khoản tiền tạm thu thi hành án, để thống nhất quan điểm chỉ đạo và tổ chức thực hiện...

Cán bộ Chi cục THA dân sự Hàm Yên đang thảo luận hồ sơ cùng các cán bộ cơ sở để tìm phương án
giải quyết các vụ việc thấu tình, đạt lý.

Anh Nguyễn Quốc Tuấn, Chấp hành viên sơ cấp, Chi cục Thi hành án dân sự Hàm Yên cho biết: Thực hiện biện pháp thuyết phục đương sự, người thân của đương sự thi hành án về tiền cần phải mềm dẻo, kiên trì thì mới có hiệu quả. Đơn cử như vụ việc ông Tô Văn Thắng và bà Ma Thị Na, thôn Thọ, xã Phù Lưu có nghĩa vụ trả cho bà Phạm Thị Oanh tổng số tiền 777 triệu đồng, nhưng ông Thắng, bà Na vẫn không chấp hành, sau nhiều lần anh Tuấn kiên trì vận động thì đến đầu năm 2021, ông bà Thắng, Na đã tự nguyện hoàn trả số tiền cho đương sự Phạm Thị Oanh... Hay như vụ việc ông Lý Văn Tiến, thôn Cây Thông, xã Hùng Đức phải trả lại đất cho Công ty Lâm nghiệp Tân Phong, huyện Hàm Yên số đất rừng có diện tích trên 4.000 m2 tại thôn Cây Thông, xã Hùng Đức, nhiều lần ông Lý Văn Tiến không tự nguyện thi hành mặc dù đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng sau đó bằng công tác dân vận, phối hợp cùng chính quyền xã và thôn, ông Tiến đã tự nguyện chấp hành trả lại đất cho Công ty.

Cùng với đó, Chi cục đã phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác phổ biến pháp luật, nhất là triển khai thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn thể cán bộ, công chức của ngành, các cơ quan, tổ chức đoàn thể, nhất là các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trực tiếp phối hợp tham gia công tác thi hành án dân sự và các tầng lớp nhân dân... Chi cục cũng làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan liên quan, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong việc động viên, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án. Chi cục Thi hành án dân sự Hàm Yên luôn quan tâm đến công tác hướng về cơ sở. Cuối năm 2021, Chi cục đã phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Bạch Xa tham gia lao động cùng nhân dân và đổ bê tông sân nhà văn hóa thôn. Đây là những hoạt động thiết thực, hướng về cơ sở nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hàm Yên xây dựng lòng tin từ trong lòng nhân dân.

Trong công tác THADS, để có một thay đổi từ không hợp tác sang thái độ tự nguyện của đương sự là cả một quá trình kiên trì, khéo léo của các chấp hành viên. Thông qua mỗi vụ việc thi hành án được dân vận thành công đã tiết kiệm được chi phí, thời gian của cá nhân, tổ chức; tránh được sai sót khi cưỡng chế, đấu giá tài sản; đồng thời, hạn chế việc người dân khiếu nại, giảm áp lực cho chấp hành viên, đặc biệt là giữ ổn định an ninh chính trị trên địa bàn.    

Bài, ảnh: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục