Khơi dậy đam mê sáng tạo trong học sinh

- Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh Trung học cấp tỉnh năm học 2020 - 2021 vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thành công đã ghi nhận những kết quả sáng tạo khoa học của học sinh các trường. Thông qua cuộc thi, nhiều ý tưởng tiếp tục được định hướng, phát triển để trở thành những sản phẩm, dự án có tính ứng dụng thực tiễn cao trong cuộc sống.

Mỗi năm học, Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học lại được tổ chức trong sự háo hức, đón đợi của học sinh, giáo viên các trường học trên địa bàn. Để lọt vào vòng thi cấp tỉnh, các sản phẩm, dự án khoa học, kỹ thuật đã trải qua cuộc thi cấp trường, cấp huyện, nhờ đó đã thúc đẩy, khơi dậy phong trào sáng tạo khoa học, kỹ thuật trong học sinh toàn tỉnh.


 Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh nhằm ghi nhận, nâng tầm các ý tưởng sáng tạo của học sinh trung học.

Để hoàn thiện dự án khoa học, kỹ thuật “Hệ thống báo hiệu, ngăn chặn những nguy cơ làm mất an toàn trong thiên tai, lũ lụt và sạt lở đất đá”, 2 học sinh Trường THPT Sơn Dương là em Lại Hải Đăng lớp 10A1 và Triệu Minh Tuấn lớp 11B9 đã dành gần nửa năm để hoàn thiện dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Hoàng Văn Kiên dạy môn Tin học. Dự án trên với 3 thiết bị cứu sinh, gồm chiếc giường ngủ có gắn cảm biến và thiết bị cảnh báo khi xảy ra động đất hoặc sạt lở đất sẽ tự gập trở thành chiếc hộp bảo vệ hữu hiệu, có gắn thiết bị định vị và có đủ nhu yếu phẩm cho 1 người sinh hoạt trong 1 tuần; thiết bị thứ 2 và thứ 3 là chiếc áo và đồng hồ cứu sinh, khi xảy ra những tình huống nguy hiểm như ngã xuống nước sẽ tự bung bóng khí giúp người bị nạn nổi trên mặt nước và phát tín hiệu cấp cứu. Dự án trên của 2 học sinh trường THPT Sơn Dương đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại cuộc thi bởi tính ứng dụng cao vào thực tiễn.

Cuộc thi có nhiều dự án tiêu biểu khác như: Hệ thống cảnh báo, ngăn chặn những nguy cơ làm mất an toàn giao thông do tài xế sử dụng điện thoại và thiếu kiểm soát tải trọng trên xe ô tô vận tải đường bộ của Trường THPT Thái Hòa (Hàm Yên) đạt giải nhất; Nghiên cứu tạo vật liệu lai NANO OXIT ĐA KIM LOẠI HYBRIT dùng hợp chất phenolic tự nhiên chiết xuất từ lá cam tươi để xử lý bệnh do vi khuẩn, nấm mốc trên cây cam trồng tại Tuyên Quang của Trường THPT Chuyên Tuyên Quang đoạt giải nhất; Cổng kiểm soát nhiệt độ, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong cộng đồng của Trường THPT Hàm Yên đoạt giải nhì; Sử dụng ruồi lính đen để xử lý chất thải hữu cơ thành phân bón và thức ăn chăn nuôi của Trường THPT Sơn Dương đoạt giải nhì...

Không chỉ ở thành phố, trung tâm huyện, nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa cũng có học sinh tham gia và bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Tiêu biểu như Trường THCS Bình An, Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Xuân Lập (Lâm Bình), Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Khâu Tinh (Na Hang), THCS Bạch Xa (Hàm Yên); Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Kiên Đài (Chiêm Hóa)... 

Tham gia Cuộc thi khoa học, kỹ thuật năm nay có 201 dự án thuộc lĩnh vực kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật môi trường, khoa học thực vật, khoa học động vật, khoa học xã hội và hành vi, hoá sinh, hóa học, y sinh và khoa học sức khoẻ, hệ thống nhúng, vật lý, khoa học vật liệu, rô bốt và máy thông minh, phần mềm hệ thống và y học chuyển dịch. Trong đó có 123 dự án bậc THPT, 78 dự án bậc THCS, với 368 học sinh dự thi. Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 6 giải nhất, 21 giải nhì, 36 giải ba và 60 giải khuyến khích cho các dự án, chọn ra 2 dự án xuất sắc nhất dự thi cấp quốc gia.

Đánh giá về cuộc thi, đồng chí Nguyễn Minh Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định, Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh đã trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, động viên, khuyến khích giáo viên và học sinh tham gia nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật. Các trường học đã quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ về nhân lực, kinh phí để học sinh nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm dự án, đặc biệt có một số đơn vị đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong và ngoài tỉnh để được tư vấn khoa học, hỗ trợ về chuyên ngành để nâng cao chất lượng sản phẩm dự án. Từ đó, giúp nhiều dự án, sản phẩm gắn liền với thực tiễn sản xuất, kinh doanh ở địa phương, thể hiện sự vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục