Mênh mang thương nhớ

- Tết đến xuân về, trong hào nhoáng sắc màu của phố phường hay rộn ràng làng quê đón Tết, vẫn thấy lòng mênh mang thương nhớ. Nhớ người đã khuất, nhớ người xa quê, nhớ cả những người không quen biết giờ vẫn tha hương. Nỗi nhớ mênh mang lan sang cả những nét quê xưa cũ qua câu chuyện kể của cha mẹ, của ông bà.

Tưởng như Tết bắt đầu từ ngày mùng 1, nhưng thực ra tết đã đến từ trước đó cả tháng trời. Người già thắp hương mùng 1 tháng cuối cùng của năm thường chép miệng “đã Chạp rồi, Tết rồi”. Nên có ngày mùng 1, mùng 2 mùng 3 Tết - là những ngày đầu tiên của năm mới; nhưng vẫn có ngày 23, ngày 30 Tết - là những ngày cuối cùng của tháng Chạp năm cũ. Vậy nên, Tết là nối từ những ngày cuối cùng của năm cũ sang hết tháng đầu tiên năm mới. Khoảng thời gian ấy chứa biết bao dự định, ước mong và cả những công việc như những lễ nghi, thủ tục cần thiết phải làm, để cái Tết đủ đầy, sum họp.

Bắt đầu là nghi lễ mời người đã khuất về vui tết cùng con cháu, nhiều nơi gọi là quét chạp. Từ ngoài rằm tháng Chạp, các gia đình đã sửa soạn quét chạp, sửa sang mộ phần, nhà đơn giản thì nén hương, nhà cầu kỳ mang theo lễ mặn. Nhưng lễ to nhỏ gì cũng đều có tiền vàng làm “lộ phí” cho người đã khuất về nhà ăn tết.

Nghĩa trang những ngày quét chạp là thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm. Những bận rộn xô bồ ngoài kia được gác lại, để người đến nghĩa trang gửi tâm tư vào khói hương, thành tâm mời người đã khuất về ăn tết cùng gia đình. Khoảng cách âm dương như xóa nhòa bởi ước nguyện sum họp gia đình dịp tết. Có cả những gia đình từ xa về quét chạp, ai nấy đều tin rằng, dẫu cách biệt đến mấy thì ngày Tết vẫn là dịp đoàn viên.

Du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc tự làm cành đào, cành mai đón Tết.

Sum họp thiêng liêng là thế, nên Tết cũng là lúc hồi hương của những người đi xa. Người làm việc ở các tỉnh, người ở nước ngoài... đều sửa soạn trở về bên gia đình. Khiến nhà nhà, người người có biết bao xốn xang mong ngóng. Chỉ cần nhìn thấy nhau đã là tết! Lướt nhanh các trang báo hay mạng xã hội đều ăm ắp nỗi niềm của người xa quê, tìm kiếm cơ hội về tết.

Hiềm nỗi, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa lui. Nên việc hồi hương không dễ thực hiện. Có những du học sinh đã 2 năm không về tết. Nên những ngày cuối năm lại chăm chú tìm những dòng tin về mở cửa chuyến bay quốc tế, quy định cách ly với người nhập cảnh… May mắn là những cảm giác bồn chồn nhớ Tết được nguôi ngoai khi Câu lạc bộ du học sinh người Việt vẫn tổ chức gói bánh chưng, ăn tất niên và đón giao thừa cùng nhau. Ở nơi xứ lạ, cộng đồng người Việt trở nên gắn bó với nhau hơn khi cùng đón Tết quê hương, vơi bớt nỗi niềm xa xứ.

Lại có những người đang làm nhiệm vụ cũng phải gửi nỗi nhớ nhà, nhớ Tết vào công việc. Thật may, các tiến bộ của công nghệ đã giúp mỗi người vẫn được “bên” gia đình theo cách mới. Nên Tết này, sẽ lại có nhiều nhà, nhiều người cùng đón giao thừa Online, sum họp Tết Online. Cái lẽ “khi đã yêu thương thì xa mấy cũng như gần” là thế.

Theo phong tục, mỗi gia đình Việt đều thờ ông Công ông Táo. Sự tích hai ông - một bà (thần Đất, thần Nhà, thần Bếp núc) từ xa xưa thể hiện người dân Việt luôn ngưỡng mộ lòng chung thủy của họ, hy vọng các vị thần sẽ giúp nhà nhà giữ “bếp lửa” gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc. Ai cũng tin các vị thần này cai quản mọi hoạt động của gia chủ, quyết định sự may, rủi, phúc họa và ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình. Nên lễ tiễn ông Công ông Táo về chầu Ngọc Hoàng cũng là nghi thức quan trọng mỗi Tết, để gửi gắm những ước mong năm mới ấm no, đủ đầy.  

Ngày 30 Tết có lẽ là ngày bận rộn, tưng bừng nhất. Những công việc dở dang đều phải làm cho xong, nợ nần trả hết. Để khi cúng tất niên thật sự thong dong, để bữa cơm sum họp tất niên được trọn vẹn. Thuở bé, tôi được bà nội dạy rằng, lễ cúng tất niên và cúng đêm giao thừa rất quan trọng. Vì trong vũ trụ có sao Mộc, còn gọi là sao Thái tuế, quay 12 năm mới hết 1 vòng quanh mặt trời. Mỗi năm sao đi qua một cung trên đường hoàng đạo, ứng với 12 cung từ Tý đến Hợi. Sao Thái tuế của năm được tôn thành 12 vị thần đại vương hành khiển, hành binh, thay mặt Ngọc Hoàng trông coi mọi việc thế gian, xem xét việc hay dở của từng người, từng gia đình, cộng đồng làng xã, quốc gia để định công luận tội. Người làm điều tốt trong năm cũ thì năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, hanh thông. Ngược lại, làm điều sai quấy sẽ bị Ngọc Hoàng giao cho vị đại vương hành khiển của năm mới thực hiện các chỉ thị xử lý.

Tôi không biết thực hư câu chuyện của bà, nhưng hiểu rõ những phong tục đẹp trong ngày Tết của cha ông đều xuất phát từ lòng yêu thương và mục đích hướng thiện. Nhân nào quả nấy là lẽ nhân sinh tất yếu.

Chào năm cũ đã qua, ai cũng muốn kết thúc những khó khăn thách thức đến khắc nghiệt bởi dịch bệnh, thiên tai; bởi những ảnh hưởng nặng nề của những đứt gãy nền kinh tế. Nhận rõ những thách thức và thấu hiểu những quy luật hiển nhiên về nhân quả, để biết ơn cuộc sống, biết yêu thương hòa hợp giữa con người với nhau, con người với thiên nhiên…, chúng ta sẽ bước vào năm mới với tâm thức và quyết tâm mới. Để nhà nhà đều sum vầy, no ấm; ai ai cũng tràn ngập yêu thương.

Tùy bút: An Nhiên

Tin cùng chuyên mục