Nâng cao chất lượng công trình 135

- Các công trình hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình 135 tới các xã, thôn bản vùng khó khăn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của người dân vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì thế các cấp, ngành, địa phương đã và đang quan tâm đặc biệt đến chất lượng các công trình để phát huy tối đa ý nghĩa của công trình đối với sự phát triển ở những vùng khó khăn.

Năm 2020 từ nguồn vốn của Chương trình 135, Ban Dân tộc đã tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục đầu tư, hỗ trợ kinh phí trên 104 tỷ đồng cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh để xây dựng 113 công trình hạ tầng gồm đường giao thông nông thôn, nội đồng, nhà văn hóa thôn bản, kênh mương nội đồng; thực hiện duy tu bảo dưỡng 35 công trình; tiếp tục thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sinh kế vươn lên thoát nghèo bền vững.

Huyện Sơn Dương năm 2020 được phân bổ kinh phí là 17,3 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở và hỗ trợ phát triển sản xuất. Ngay từ đầu năm 2020, Phòng Dân tộc huyện Sơn Dương đã chủ động tham mưu cho UBND huyện các giải pháp triển khai thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn huyện theo đúng tiến độ đề ra. Trong năm 2020, huyện đã hoàn thành 22 công trình hạ tầng mới, hoàn thành việc duy tu bảo dưỡng một công trình. Ông Nguyễn Văn Dụng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Sơn Dương cho biết: Phòng Dân tộc huyện đã tham mưu cho UBND huyện tăng cường công tác chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho từng phòng chuyên môn trong việc triển khai thực hiện chương trình theo chức năng, nhiệm vụ; đồng thời định kỳ kiểm tra, hướng dẫn đôn đốc các xã thực hiện các thủ tục đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đấu thầu công trình… ngay tại cơ sở. Chính vì thế các công trình đã cơ bản đảm bảo thời gian, tiến độ, chất lượng cũng như nhu cầu sử dụng của nhân dân.

Vụ xuân 2021 này, người nông dân ở thôn Bản Luông, xã Hồng Quang (Lâm Bình) không còn khó khăn về nguồn nước làm ruộng như những vụ trước nhờ được đầu tư xây mới hơn 800 mét tuyến kênh mương từ đập Phai Luông về đến cánh đồng từ nguồn vốn Chương trình 135, với tổng kinh phí 450 triệu đồng trong năm 2020. Từ khi kênh mương được đưa vào sử dụng, bà con trong thôn ai nấy đều vui mừng, phấn khởi, vì đã chủ động nước tưới cho sản xuất.

Đồng chí Phù Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2020 xã Hồng Quang được đầu tư xây dựng kênh thủy lợi thôn Bản Luông, Thẳm Hon với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng thuộc nguồn vốn Chương trình 135. Để các công trình từ nguồn vốn 135 được đầu tư có chất lượng, hiệu quả, trước đó xã đã tiến hành khảo sát cụ thể, xây dựng phương án đầu tư, chọn đơn vị thi công có năng lực. Bên cạnh đó, UBND xã phân công cán bộ phối hợp với cán bộ Mặt trận khu dân cư giám sát từng công đoạn thi công công trình.
Công trình đường bê tông thôn Vá, xã Yên Thuận (Hàm Yên) có tổng chiều dài 400 m, kinh phí đầu tư xây dựng trên 565 triệu đồng từ nguồn vốn 135 đưa vào sử dụng cuối năm 2020 đem lại nhiều thuận lợi cho người dân. Công trình được thi công đúng tiến độ chất lượng, được Ủy ban MTTQ xã giám sát chặt chẽ trong quá trình thi công. Ông Nguyễn Trọng Lực, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Yên Thuận cho biết, để tuyến đường phát huy tính năng sử dụng, Ủy ban MTTQ xã phối hợp với Ban công tác Mặt trận khu dân cư tham gia giám sát từng công đoạn thi công với tinh thần dân chủ, hỗ trợ để đơn vị thi công làm đúng tiến độ, chất lượng.    

Do phân cấp thi công nên các công trình 135 có vốn dưới 1 tỷ đồng do các xã làm chủ đầu tư. Để các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn 135 có chất lượng và phát huy được hiệu quả, giai đoạn 2016-2020 Ban Dân tộc tỉnh phối với các ngành, huyện tập huấn kiến thức quản lý tài chính, công tác lập hồ sơ và thanh quyết toán công trình, tập huấn về đấu thầu và đấu thầu cộng đồng cho 5.836 lượt cán bộ tỉnh, huyện, xã và thôn bản.

Việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đời sống kinh tế, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đang ngày càng được nâng lên. Hệ thống kết cấu hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Đến nay, 100% xã, trên 99% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm; 98% số hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 86,5% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục