Nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp

- Trong những năm qua, các cấp Công đoàn tỉnh Tuyên Quang đã khắc phục khó khăn, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo công nhân, viên chức, lao động vào tổ chức công đoàn.

Các cấp công đoàn trong tỉnh đã thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò và chức năng của công đoàn; hoạt động công đoàn hướng mạnh về cơ sở, chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở (CĐCS) từng bước được nâng lên, góp phần xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong toàn tỉnh ngày càng lớn mạnh. 

Các CĐCS trong doanh nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, được đoàn viên, người lao động tin tưởng, gắn bó, được doanh nghiệp ghi nhận, ủng hộ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nơi làm việc cho cán bộ CĐCS và tạo điều kiện cho CĐCS hoạt động. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của CĐCS ở các loại hình doanh nghiệp chưa thực sự đồng đều, một số CĐCS doanh nghiệp hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới. Mặt khác, trong những năm qua, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng lên; sự phát triển của các doanh nghiệp đã thu hút một lực lượng lao động lớn, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động. Từ năm 2015 đến 2020, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những phát triển tương đối ổn định và có chiều hướng tăng lên. Tuy số lượng doanh nghiệp tăng song các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, sử dụng ít lao động hoặc sử dụng lao động trong gia đình. Số lượng doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn chỉ chiếm 8,4% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh trao tiền hỗ trợ cho đoàn viên, công nhân lao động của Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Đến tháng 6-2021, toàn tỉnh hiện có 149 CĐCS trong các doanh nghiệp khu vực sản xuất kinh doanh, trong đó có 10 CĐCS doanh nghiệp nhà nước, 134 CĐCS doanh nghiệp ngoài nhà nước, 5 CĐCS doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài với tổng số đoàn viên là 15.962 đoàn viên (chiếm 38,3% số đoàn viên công đoàn toàn tỉnh). Kết quả xếp loại bình quân hằng năm của CĐCS doanh nghiệp: hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên 61%, hoàn thành nhiệm vụ 38%, không hoàn thành nhiệm vụ 1%. Số cán bộ CĐCS doanh nghiệp hiện có là 149 Chủ tịch CĐCS; 27 Chủ tịch công đoàn bộ phận với 576 ủy viên Ban Chấp hành; 735 tổ trưởng, tổ phó công đoàn. Cán bộ công đoàn ở các doanh nghiệp hầu hết là hoạt động kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi nên việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ còn lúng túng. Mặt khác họ vừa phải làm việc chuyên môn theo hợp đồng lao động, vừa phải tham gia tổ chức các hoạt động công đoàn nên hiệu quả hoạt động hạn chế. Một bộ phận cán bộ CĐCS chưa có kỹ năng hoạt động, chưa thật sự tâm huyết với công tác công đoàn, chưa phát huy hết trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp FDI chưa có tổ chức Đảng, Đoàn thanh niên, nên CĐCS ở khu vực này cũng gặp không ít khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các CĐCS trong các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới, các cấp công đoàn trong tỉnh tập trung thực hiện các nhóm giải pháp sau:

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của CĐCS, tổ chức các hoạt động công đoàn phải đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên và người lao động, phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Tăng cường công tác vận động, thu hút người lao động bằng  những hoạt động, việc làm thiết thực, cụ thể để phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, xây dựng CĐCS vững mạnh, quan tâm bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ CĐCS. Các công đoàn cơ sở phải đổi mới các hình thức tổ chức các phong trào thi đua ở cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, đổi mới phương thức hoạt động của ủy ban kiểm tra CĐCS, đồng thời quản lý, sử dụng có hiệu quả tài chính công đoàn; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động công đoàn.

Thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Tuyên truyền, tư vấn pháp luật lao động và các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người lao động. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cũng cần thực hiện có hiệu quả công tác tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động. Cùng với chủ sử dụng lao động thực hiện tốt công tác thương lượng, ký kết và sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể đem lại quyền lợi tốt hơn cho người lao động; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc tham gia xây dựng, giám sát, tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; đối thoại, tổ chức hội nghị người lao động. Quan tâm tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao... để nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên, người lao động.

Các cấp công đoàn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị cho đoàn viên và người lao động; đổi mới hình thức tuyên truyền vận động đoàn viên, người lao động phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp. Đồng thời nâng cao chất lượng công tác nắm bắt xử lý thông tin dư luận trong đoàn viên, người lao động; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công trong các doanh nghiệp, đổi mới nội dung và hình thức hoạt động nữ công, vận dụng sáng tạo phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” vào các loại hình doanh nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tế để phong trào thực sự đi vào chiều sâu và có chất lượng.

Nguyễn Thị Thu Thủy
Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh

Tin cùng chuyên mục