Người trẻ sáng tạo giữ gìn văn hóa

- Không chỉ xây dựng được hình ảnh thanh niên trong thời đại mới bằng những phong trào xung kích, tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tuổi trẻ Tuyên Quang còn phát huy vai trò xung kích giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Nhiều mô hình sáng tạo

Xã Trung Hà (Chiêm Hóa) là nơi được thiên nhiên ban tặng cho thác Bản Ba kỳ vĩ với vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên làm say lòng bao nhiêu du khách ghé thăm. Để thúc đẩy phát triển du lịch song song với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Đoàn xã Trung Hà đã thành lập Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính từ năm 2019. Đến nay, câu lạc bộ duy trì hoạt động với 11 thành viên từ 17 - 34 tuổi. Chị Quan Thị Hiền, Bí thư Đoàn xã chia sẻ, từ khi thành lập, câu lạc bộ trở thành sân chơi ý nghĩa cho các bạn trẻ. Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức giao lưu và biểu diễn phục vụ khách du lịch, các bạn trẻ đã thể hiện tình yêu, sự đam mê với các làn điệu truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, qua việc đi biểu diễn đã lan tỏa những nét đẹp văn hóa dân tộc, giúp các bạn trẻ có thêm thu nhập, năng động, tự tin hơn.

 Đoàn viên, thanh niên xã Xuân Lập (Lâm Bình) hỗ trợ người dân thôn Khuổi Trang xây dựng nhà trình tường.

Với vai trò thanh niên xung kích đi đầu trong các hoạt động, Huyện đoàn Sơn Dương đã đề cao nhiệm vụ giáo dục ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho đoàn viên thanh niên. Huyện đoàn đã tuyên truyền đến đông đảo đoàn viên, thanh niên về việc giữ gìn bản sắc văn hóa bằng hình thức thành lập các đội văn nghệ của xã, thôn. Ngoài ra, Huyện đoàn đã chủ động phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cùng các nghệ nhân ở địa phương triển khai các hoạt động dạy chữ viết, hát dân ca và các điệu múa của dân tộc, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt thôn, chi đoàn, các câu lạc bộ, đội, nhóm… Đến nay, đã thành lập được 15 câu lạc bộ thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn các xã, thị trấn và 9 câu lạc bộ thanh niên giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở các trường THCS và trường THPT trên địa bàn huyện với tổng số trên 1.000 thành viên.

Anh Sầm Văn Đạo, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan xã Đại Phú (Sơn Dương) cho biết, câu lạc bộ hiện có 50 thành viên với độ tuổi từ 14 đến 35 tuổi. Mỗi tháng sinh hoạt 1 buổi dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân trong thôn am hiểu về văn hóa của dân tộc Cao Lan. Họ truyền dạy về cách mặc trang phục dân tộc, tiếng nói, hướng dẫn một số điệu nhảy, hát tiếng dân tộc…

Một trong những mô hình gìn giữ bản sắc văn hóa tiêu biểu của thanh niên Tuyên Quang là mô hình thanh niên tham gia “Dựng nhà trình tường cho đồng bào dân tộc Mông”. Mô hình được triển khai tại xã Xuân Lập (Lâm Bình), nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Năm 2021, để bảo tồn văn hóa truyền thống, Đoàn xã đã vận động đoàn viên, thanh niên xây dựng nhà trình tường cho đồng bào dân tộc Mông ở thôn Khuổi Trang, Khuổi Củng. Mô hình giúp người dân tộc Mông lưu giữ lại những giá trị truyền thống. Bà Giàng Thị Tình, thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập (Lâm Bình) cho biết, được các bạn đoàn viên, thanh niên vận động và giúp đỡ xây dựng lại ngôi nhà truyền thống của dân tộc gia đình bà cảm thấy rất vui. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng trong suy nghĩ của bà và những người thân trong gia đình luôn tự hào về nét văn hóa truyền thống của đồng bào Mông. Sau 1 năm triển khai, Đoàn xã đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ xây dựng 13 ngôi nhà trình tường.

Giữ nét truyền thống

Là cái nôi của cách mạng cùng với lợi thế về điều kiện tự nhiên ban tặng, Tuyên Quang có kho tàng di sản văn hóa phong phú, đặc sắc với sự góp mặt của nhiều loại hình văn hóa của 22 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn. Toàn tỉnh có 635 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Ngoài sự phong phú về di sản vật thể, mảnh đất Tuyên Quang còn có sự đa dạng, đặc sắc về văn hóa phi vật thể. Các di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng với nhiều sắc thái đặc sắc, hấp dẫn chính là nguồn lực văn hóa giàu giá trị, tạo nên những sản phẩm du lịch riêng có của Tuyên Quang. Hiện nay, 100% các cơ sở đoàn đều có đội văn nghệ. Cùng với đó, các xã cũng thành lập được 95 câu lạc bộ thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với trên 3.200 thành viên là đoàn viên thanh niên tham gia.

Các thành viên Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính xã Trung Hà (Chiêm Hóa) luyện tập phục vụ du khách.

Đồng chí Dương Minh Nguyệt, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho biết, thế hệ trẻ Tuyên Quang luôn hiểu rằng việc gìn giữ, kế thừa văn hóa, bản sắc dân tộc tại mảnh đất quê hương cách mạng là trọng trách vô cùng lớn lao. Trong những năm qua, đoàn viên, thanh niên với tinh thần đoàn kết, xung kích, tiên phong, sáng tạo đã kế thừa và phát huy truyền thống quê hương cách mạng, gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng riêng.

Để quảng bá những nét văn hóa truyền thống, những danh thắng đẹp của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều các cuộc thi đa dạng về nội dung, cách thức thể hiện như hướng dẫn viên du lịch bằng Tiếng Anh, thiết kế Video Tuyên Quang nơi vẻ đẹp hội tụ… Thông qua các cuộc thi, các bạn đoàn viên, thanh niên đã truyền tải được những nét đẹp của con người, thiên nhiên đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Bằng những việc làm cụ thể, tuổi trẻ Tuyên Quang đang từng ngày, từng giờ thể hiện trách nhiệm của mình trong việc kế thừa và phát triển các giá trị văn hóa, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.   

 Bài, ảnh: Thu Trang

Tin cùng chuyên mục